Thứ 6, 29/03/2024 18:36:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:49, 27/02/2020 GMT+7

Canh lửa

Quang Minh
Thứ 5, 27/02/2020 | 10:49:00 559 lượt xem
BPO - Trưa một ngày giữa tháng 2, nắng hừng hực như muốn thiêu rụi cả cánh rừng phòng hộ Bù Đốp. Những bụi cỏ lau, cỏ Mỹ, bù xít 2 bên đường khô giòn gục xuống. Thi thoảng những cơn gió lớn cuốn bụi và lá cây xoáy tít lên lưng chừng trời. Màu vàng của cỏ, cây cùng màu nắng như đổ lửa khiến mắt chúng tôi hoa lên. Ông Lê Tuấn Sơn, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp nói: “Tất cả công tác phòng cháy đã xong, giờ chỉ canh lửa. 4 tháng nay không hề có một hạt mưa nào, cả rừng biên giới này đều rất “khát” và đang ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm”.

Hoàn tất công tác phòng cháy

Từ trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp vào chốt Đường Sông chừng 10km hoàn toàn bằng đường đất sỏi đỏ. Tại đây, những cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng luôn thường trực canh lửa với các dụng cụ sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Chốt Đường Sông quản lý, bảo vệ diện tích khoảng 2.500 ha thuộc 8 tiểu khu. Trong đó có 2 vị trí trọng điểm nguy cơ xảy ra cháy cao là vị trí bàu Cát Trắng thuộc Tiểu khu 73 và bàu Máy Bay thuộc Tiểu khu 69. Chốt có nhiều diện tích giáp sông Đắk Quýt với tổng chiều dài 24km. Do vậy, ngoài phương tiện được trang bị giống các chốt khác thì chốt Đường Sông còn được trang bị 2 xuồng máy để thực hiện tuần tra, kiểm soát. Anh Nguyễn Tiến Bình, Trưởng chốt cho biết: “Hằng ngày, chốt bố trí lực lượng luân phiên tuần tra làm 3 ca sáng, chiều và tối. Với đặc thù là chốt có nhiều diện tích bị chia cắt bởi 14 con suối nhỏ, do đó bên cạnh những thuận lợi trong việc phân ranh cản lửa thì việc vận chuyển nước và phương tiện dập lửa có nhiều khó khăn, phải qua nhiều cầu, đường vòng. Tuy vậy, thời điểm này, chúng tôi đã hoàn tất công tác phòng cháy”.

Cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Bù Đốp thổi lá, phân ranh tại khu vực chốt Đường Biên Giới

Việc quản lý, bảo vệ rừng vào mùa khô rất khó khăn, bởi đây là thời điểm người dân thường vào rừng lấy mật ong. Người vào rừng chỉ cần vô tình làm rớt tàn thuốc lá hoặc tàn lửa đốt tổ ong thì nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Đặc biệt, đây cũng là mùa quả ươi chín nên bà con vào rừng hái quả. Để ngăn chặn, cán bộ, nhân viên phải liên tục canh ở cả cửa rừng và đường sông. Những người không có phận sự tuyệt đối không được vào rừng.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng tiểu khu 69, chốt Đường Sông

Chạy xe máy len lỏi qua các lô cao su thuộc Nông trường Bù Đốp, chúng tôi sang chốt Đường Biên Giới. Đây là địa bàn giáp ranh với Vương quốc Campuchia và giáp Đội sản xuất số 9, Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16). Dọc đường tuần tra biên giới, những bụi lồ ô đang thời kỳ phát triển như bị chết khô. Cả thân cây và cành lá đã chuyển từ màu xanh sang trắng bạc. Các dòng suối cạn kiệt trơ đá. Những cây họ dầu đồng loạt rụng lá đứng trơ trọi. Đất rừng khô khốc. Hơi nóng bốc lên làm rát mặt. Ngay cửa rừng có rất nhiều biển báo cấm lửa, cấm người vào rừng mới được kẻ vẽ lại, treo ngay ngắn trên những thân cây to, hoặc dựng ngay ở vị trí dễ quan sát. Một bể dung tích 36m3 đã được bơm đầy nước.

Chòi canh lửa được xây dựng đơn giản rộng chừng 10m2, lợp tôn, nền tráng xi măng. 4 bên xung quanh để trống, chỉ có 1 chiếc võng dù mắc sẵn để nhân viên canh lửa tuần tra về nghỉ tạm. Ông Lê Văn Phương (SN1963), thường trực canh lửa tại chòi cho biết: “Tôi được hợp đồng bảo vệ rừng trong 6 tháng mùa khô. Công việc hằng ngày là tuần tra canh lửa và canh không cho người lạ vào rừng. Từ tháng 11, lá cây đồng loạt rụng xuống, chúng tôi đã phát cỏ, thổi lá tạo đường ranh cản lửa. Tuy nhiên, đây là khu vực rừng khộp nên lá rụng rất nhiều, chỉ một cơn gió lớn là lá bay tung tóe, khi đó tôi lại tiếp tục phải dùng máy xách tay thổi lá gọn sâu vào bên trong, tạo đường ranh rộng, sạch, an toàn”.

Đi vào sâu phía trong rừng, không khí có phần dịu hẳn. Những đường ranh cản lửa được phát dọn rộng chừng 3-4m. Cách vài chục mét lại có 1 bồn nhựa đựng đầy nước chôn lưng chừng, được đậy nắp và rào chắn cẩn thận. Giữa trưa nắng, tiếng ve kêu râm ran, thi thoảng những con nai, sóc, khỉ thấy động lại giật mình chạy vào rừng sâu.

Cảnh giác cao độ

Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp quản lý khoảng 8.500 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, 6.321,25 ha rừng tự nhiên được bố trí 3 chốt bảo vệ, gồm các chốt: Đường 10, Đường Biên Giới và Đường Sông. Rừng có vị trí phía Bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp xã Phước Thiện và hồ thủy điện Cần Đơn, phía Đông giáp sông Đắk Quýt và phía Tây giáp đường Lộc Tấn, Hoàng Diệu. Trên lâm phần có 3 đường giao thông chính là đường 10, đường tuần tra biên giới và tuyến đường nối giữa đường 10 - đường tuần tra. Ngoài ra còn các đường phụ và 24km đường sông. Vì vậy, việc ngăn chặn người lạ vào rừng rất khó khăn.

Bồn chứa nước được bố trí tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy. Trong ảnh: Nhân viên bảo vệ rừng phòng hộ Bù Đốp kiểm tra nước trong bồn

Hằng năm, thời điểm trước và sau tết Nguyên đán, rừng có nguy cơ cháy rất cao, đặc biệt là khoảng thời gian từ 10 giờ trưa đến chiều tối mỗi ngày. Do có nhiều lá khô, cây mục nên các tiểu khu 58, 59, 60, 69, 73 và 74 được xác định là vị trí trọng điểm dễ cháy. Căn cứ vào tính chất của rừng và các phương án phòng cháy, chữa cháy đã xây dựng, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp bố trí nhân, vật lực, phương tiện cảnh giác cao độ đảm bảo ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra. Trên toàn bộ địa bàn được bố trí 29 bồn nhựa đựng nước có dung tích từ 500-5.000 lít; 5 bể xây xi măng, mỗi bể 36.000 lít. Các phương tiện chữa cháy được trang bị đầy đủ như vỉ sắt vừa quét lá vừa dập lửa, máy thổi xách tay, bình CO2, bình xịt nước đeo vai và máy bơm cao áp. Đặc biệt, lực lượng trực tiếp thực hiện chữa cháy được tập huấn hằng năm và được bố trí hợp lý tại các chốt, địa bàn. Toàn bộ lực lượng luôn thường trực và sẵn sàng.

Hiện ban đã giao 4.900 ha rừng cho 4 đơn vị quản lý, bảo vệ, gồm Đồn biên phòng Phước Thiện, Ban CHQS xã Phước Thiện, Công đoàn Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp và Công đoàn Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp. Hằng năm, ngoài triển khai bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa bàn, chúng tôi còn xây dựng phương án giả định cháy ở các cấp độ phức tạp khác nhau để các đơn vị, lực lượng phối hợp xử lý. Từ cán bộ tới nhân viên bảo vệ rừng đều phải nắm chắc vị trí địa bàn, biết thao tác sử dụng các phương tiện kỹ thuật, đồng thời phải phối hợp đồng bộ để sẵn sàng xử lý tốt khi có tình huống xảy ra.

Ông Lê Tuấn Sơn, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp

Trở về chốt Đường 10 trong tiết trời nắng gắt, bụi đất bám đỏ quần áo, tôi tranh thủ vã nước lên mặt cho mát, chuẩn bị ăn cơm trưa thì một nhân viên lại cầm can nước treo lên xe, đồng thời kẹp máy thổi lá vội vã vào rừng. Tôi hỏi với theo thì được biết đến ca trực của anh nên phải vào ký nhận giao ca cho người khác về ăn cơm. Nhìn anh phóng xe đi trong nắng, bụi mà tinh thần vui vẻ, tôi thầm cảm phục và hiểu rằng, chỉ có tình yêu rừng, trách nhiệm với công việc mới khiến những cán bộ, nhân viên nơi đây luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ như vậy. Và 5 năm qua, tại đây chưa xảy ra vụ cháy nào.

  • Từ khóa
94682

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu