Thứ 7, 20/04/2024 12:49:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:18, 22/04/2020 GMT+7

Cảnh giác với thông tin giả, sai sự thật về đại dịch

Xuân Túc
Thứ 4, 22/04/2020 | 09:18:00 242 lượt xem
BPO - Thời gian qua, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.

GÂY TÂM LÝ HOANG MANG

Trong khi cả hệ thống chính trị đang gồng mình chống dịch, nhân dân chung tay sẻ chia, vận động phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí, tặng quà lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch, những hoàn cảnh khó khăn... thì các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội lại gây tâm lý hoang mang cho người dân, đặc biệt là những gia đình có con em, người thân sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 121 công dân xuất khẩu lao động, hiện 83 người đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc. Gia đình anh Phạm Văn Thảo ở khu phố Phú Hòa, phường Phú Đức, thị xã Bình Long có con gái là Phạm Thị Mỹ Chi đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc. Lo lắng cho con gái, ngày nào anh Thảo cũng cập nhật tình hình dịch bệnh tại đất nước con mình đang sinh sống.

Lực lượng chức năng làm việc với 2 công nhân ở một khu công nghiệp tại huyện Chơn Thành tung tin thất thiệt về tình hình dịch Covid-19 lên tài khoản facebook cá nhân. Ảnh chụp trước khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg

Anh Thảo cho biết: Lên mạng tìm kiếm thông tin dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc, thấy số người nhiễm bệnh tăng hằng ngày, gia đình tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, khi liên lạc trực tiếp được biết, chỗ con gái cách xa trung tâm vùng dịch, vẫn làm việc bình thường. Phía công ty mỗi tuần phát khẩu trang 3 lần, luôn cung cấp đầy đủ gel rửa tay sát khuẩn cho công nhân. Lãnh đạo công ty khuyến cáo mọi người hạn chế tụ tập nơi đông người. Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc còn có trang facebook để kết nối hỗ trợ nhau. Vợ chồng tôi cũng cảm thấy yên tâm phần nào.

Tính đến sáng 21-4-2020, thế giới ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi thông tin sai về diễn biến dịch bệnh ở bất cứ quốc gia nào đều ảnh hưởng đến tâm lý người dân, đặc biệt những gia đình có con em, người thân đang sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài. Do đó, những người đăng thông tin giả, sai sự thật đều cần phải được xử lý nghiêm khắc.

TIN GIẢ, HẬU QUẢ THẬT

Tính đến ngày 19-4, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 23 trường hợp đăng tải, chia sẻ, đưa thông tin sai sự thật về tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Trong đó, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt 9 trường hợp với số tiền 65 triệu đồng; nhắc nhở, răn đe, yêu cầu gỡ bài 12 trường hợp và củng cố hồ sơ xử phạt vi phạm 2 trường hợp.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội phát triển bên cạnh mặt tích cực thì nạn tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tâm lý người dân, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ở nước ta, ngay sau khi xuất hiện bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin thiếu kiểm chứng gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Rất nhiều trường hợp sau đó đã bị cơ quan chức năng triệu tập lên làm việc, một số trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với Bình Phước, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác theo dõi, phát hiện, kịp thời xử lý những trường hợp có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật. Trong đó, trực tiếp triệu tập 2 trường hợp lên làm việc, xử phạt hành chính 1 trường hợp đưa thông tin giả, sai sự thật về dịch Covid-19.

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, về phía sở, bên cạnh phối hợp với các cơ quan chức năng ra sức ngăn chặn, xử lý nạn tin giả, tin sai sự thật, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường phát ngôn và cung cấp thông tin chính thống để người dân có được nguồn thông tin chính xác với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường rà soát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình phát tán thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, gây hoang mang, lo sợ cho người dân. Các cơ quan báo chí phải tăng cường hơn nữa thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy để đẩy lùi nạn tin giả, tin sai sự thật” - ông Nguyễn Minh Quang cho biết thêm.

Theo luật sư Bùi Gia Nên, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, căn cứ Khoản a, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp nếu người nào lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. “Việc một số đối tượng tung tin đồn sai sự thật về dịch Covid-19, cần phải xem xét xử lý hình sự, bởi vì cả nước đang chung tay chống dịch thì một số người tung tin sai sự thật gây ảnh hưởng lớn cho xã hội” - luật sư Bùi Gia Nên nhấn mạnh.

Mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả lại thật. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là người sử dụng mạng xã hội thông thái, góp sức cùng cả hệ thống chính trị đẩy lùi đại dịch.    

  • Từ khóa
32878

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu