Thứ 6, 29/03/2024 03:40:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 17:05, 23/10/2020 GMT+7

Cần thiết giữ quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

Trần Thể
Thứ 6, 23/10/2020 | 17:05:00 635 lượt xem
BPO - Tiếp tục kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, ngày 23-10, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Chủ trì phiên thảo luận tại điểm cầu Bình Phước có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Văn Lợi; Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cùng các đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Huỳnh Thành Chung.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Lợi chủ trì phiên thảo luận tại điểm cầu Bình Phước - Ảnh Trương Hiện

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS bao gồm 14 điều khoản của Luật HIV 2006. Luật được xây dựng trên 2 chính sách chính là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.

Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Luật như về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật; việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV; quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

Thay mặt cho cơ quan soạn thảo, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải trình làm rõ thêm ý kiến của đại biểu xung quanh nghĩa vụ thông báo kết quả HIV/AIDS, việc xử lý người nhiễm HIV/AIDS cố tình lây bệnh cho người khác; vấn đề tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV.

Thảo luận về về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) các đại biểu đã tập trung làm rõ quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quy định việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Liên quan đến Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, một số ý kiến không tán thành việc tiếp tục duy trì quỹ. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh xin được giữ nguyên quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nhằm hỗ trợ rủi ro cho lao động ở nước ngoài khi gặp phải thiên tai, đại dịch.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, từ tình hình thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, và các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài, thì việc bảo đảm xử lý và có biện pháp kịp thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là rất cần thiết. Trách nhiệm trước hết chính từ doanh nghiệp dịch vụ và bản thân người lao động thông qua việc đóng góp vào quỹ này như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro.

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ mười gồm 8 chương, 76 điều. Dự kiến, ngày 13-11-2020, Quốc hội biểu quyết thông qua luật và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022.

  • Từ khóa
111740

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu