Thứ 5, 18/04/2024 21:50:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 20:08, 26/05/2020 GMT+7

Cần quy định cụ thể địa vị pháp lý, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội

Trần Thể
Thứ 3, 26/05/2020 | 20:08:00 203 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, hôm nay 26-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Qua nhiều lần thảo luận và dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp này, nhưng trong phiên thảo luận sáng nay, một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang, phạm vi sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật chưa tập trung làm rõ việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động của Quốc hội; chưa thể hiện được vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội; chưa khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện luật trong thời gian qua. Nội dung sửa đổi, bổ sung cũng chưa tạo được cơ sở pháp lí để kết nối, gắn bó chặt chẽ về mặt tổ chức và các điều kiện, yếu tố bảo đảm để Quốc hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc thông qua Luật sẽ kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng và trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp để thực hiện, bảo đảm tính ổn định của Luật và công tác cán bộ, tổ chức bộ máy. Cơ bản nhất trí với ý kiến này, song đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, dự thảo luật còn rất nhiều nội dung cần phải sửa đổi. Do vậy, không nên vì tiến độ thời gian mà không chỉnh sửa, bổ sung toàn diện hay một cách căn bản nhất.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng thống nhất với dự thảo Luật quy định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 đại biểu và tỷ lệ hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong đó, đại biểu đề xuất nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 3% - 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội là một hình thức tổ chức có tính đặc thù trong Quốc hội Việt Nam. Vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức, hỗ trợ, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại địa phương, đồng thời, duy trì mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với địa phương, là nơi tập hợp kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và cử tri địa phương đến Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang chỉ ra rằng, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành và dự thảo luật lần này chưa quy định cụ thể địa vị pháp lý, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội trong thực tiễn để bảo đảm hoạt động hiệu quả, nhất là trong các mối quan hệ với các cơ quan ở Trung ương, địa phương.

Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, Ban soạn thảo phải quy định rõ trong dự thảo luật về địa vị pháp lý, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định rõ cơ chế trong thực thi các nhiệm vụ của Quốc hội tại địa phương.

Liên quan đến vị trí, vai trò của Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, vấn đề này được rất nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến nhưng vẫn chưa được tiếp thu và quy định trong dự thảo luật. Do đó, Luật cần phải quy định rõ về địa vị pháp lý, tiêu chuẩn, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương cũng như xác định vị trí các chức danh này trong hệ thống chính trị ở địa phương.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu một bất cập tồn tại trong nhiều năm khi thực hiện Văn phòng chung trước đây. Từ thực tế, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định trong việc xác định vai trò của Phó trưởng đoàn chuyên trách khi Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội hợp nhất, sáp nhập với một số văn phòng khác và đưa về địa phương quản lý.

Do còn quá nhiều ý kiến khác nhau, nên trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trong ngày 26-5, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản cho dự thảo Luật này. Về nội dung các đại biểu góp ý cụ thể tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo giải trình đầy đủ trước Quốc hội, để các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến thêm trước khi thông qua.

  • Từ khóa
33837

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu