Thứ 5, 18/04/2024 09:56:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:05, 21/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Cần làm rõ khái niệm pháp nhân

Thứ 4, 21/01/2015 | 15:05:00 4,247 lượt xem
BP - Tại kỳ họp lần thứ 8 vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Khái niệm về pháp nhân là một trong rất nhiều vấn đề không chỉ được các đại biểu Quốc hội mà cả dư luận xã hội cùng quan tâm. Điều 89 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có đưa ra khái niệm về pháp nhân như sau: 1. Pháp nhân là một tổ chức được thành lập theo quy định của bộ luật này, các luật khác có liên quan. 2. Pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. 3. Pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Và tại Điều 90 là những quy định về các loại pháp nhân, có nội dung như sau: 1. Pháp nhân bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. 2. Pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Việc thành lập, hoạt động, tổ chức lại và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của các luật có liên quan. 3. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên. Việc thành lập, hoạt động, tổ chức lại và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của các luật có liên quan. Như vậy, trong dự thảo bộ luật quy định có 2 loại pháp nhân cơ bản, gồm: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; còn pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì chế định pháp nhân như trên còn nhiều bất cập, thiếu rõ ràng, không có sự đột phá so với luật hiện hành, nên có nhiều vướng mắc trên thực tế trong thời gian qua đã không được xử lý. Đồng thời, các điều luật tiếp theo đó của dự thảo cũng mới chỉ giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân cũ và pháp nhân mới khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách và chuyển đổi mà chưa đề cập đến giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân cũ và pháp nhân mới đối với quyền và lợi ích đã được xác định trước thời điểm trên giữa các pháp nhân này đối với bên thứ ba.

Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị: cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng việc xác định tổ chức là pháp nhân hay không theo quy định cụ thể của pháp luật. Bên cạnh đó, dự thảo bộ luật cần có nội dung khẳng định nguyên tắc việc hợp nhất, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi pháp nhân không phải là việc chuyển quyền và lợi ích của bên thứ ba được xác lập trước thời điểm đó, trừ trường hợp có sự nhất trí của bên thứ ba. Điều này là hết sức quan trọng vì sẽ đảm bảo tính ổn định và mang tính chất dân sự.

Một vấn đề nữa mà trong dự thảo luật cũng cần được làm rõ là cần làm rõ pháp nhân công và pháp nhân tư. Đối với pháp nhân công hai loại: pháp nhân công quyền và pháp nhân phi công quyền. Trong đó, pháp nhân công quyền là các cơ quan chính quyền, tòa án. Còn pháp nhân phi công quyền là những tổ chức xã hội như bệnh viện, trường học... Có như vậy thì những quy định của bộ luật mới phù hợp với cuộc sống hiện tại và sự phát triển của đất nước.                       

Lg: Thanh Hải

  • Từ khóa
12478

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu