Thứ 6, 29/03/2024 01:37:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:32, 10/10/2016 GMT+7

Cần 93.534 tỷ đồng vốn ngân sách cho tuyến cao tốc Bắc - Nam

Nguồn SGGP
Thứ 2, 10/10/2016 | 09:32:00 170 lượt xem

Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ bổ sung 93.534 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ngoài tổng nhu cầu cho ngành giao thông khoảng 952.534 tỷ đồng đã được đề xuất trước đó.


Một đoạn đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây

Theo tính toán của Bộ GTVT, số vốn này chiếm khoảng 40,7% trong tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng của Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TPHCM, chủ yếu dành cho giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn quản lý, chi phí hỗ trợ xây lắp. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo khả năng thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án do kinh phí đầu tư rất lớn, không thể hoàn vốn đầu tư chỉ thông qua việc thu phí phương tiện mà bắt buộc phải có phần hỗ trợ của Nhà nước. Căn cứ tiến độ xây dựng dự án, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn để đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TPHCM giai đoạn đến năm 2020 cần khoảng 74.692 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2022 cần khoảng 18.851 tỷ đồng, riêng năm 2017 cần 8.458 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ GTVT, khả năng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án này là rất khó do đều yêu cầu bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá và thậm chí là bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay và không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Việc huy động các nhà đầu tư trong nước khả thi hơn nhưng Chính phủ cũng cần phải tháo gỡ một số cơ chế, chính sách như tăng giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng khi dự án thực hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của đất nước.

Tuy nhiên, trong công văn gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã bày tỏ lo ngại về cơ chế huy động vốn trong Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ Tài chính đánh giá, trong tổng mức đầu tư, vốn ngân sách nhà nước chiếm 40,7% (và tương đương 2% GDP) trong giai đoạn 2017 - 2020 là rất lớn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng. Khoản này chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Để có phương án cân đối cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT phối hợp Bộ KH-ĐT rà soát, sắp xếp các thứ tự ưu tiên, cân đối vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT. Trường hợp không cân đối được nguồn vốn như dự kiến trong đề án thì phải nghiên cứu lùi thời điểm thực hiện đề án này.

  • Từ khóa
41353

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu