Thứ 6, 19/04/2024 17:31:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:20, 10/08/2016 GMT+7

Cầm cố đất, bán điều non, vay nặng lãi ở Bù Gia Mập vẫn chưa “hạ nhiệt”

Thứ 4, 10/08/2016 | 07:20:00 259 lượt xem
BP - Thực hiện Chỉ thị số 19/2015/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này ở xã vẫn chưa “hạ nhiệt”.

BÁN VÌ THIẾU TIỀN CƯỚI VỢ CHO CON

Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Điểu Thuận cho biết: Tính đến tháng 7-2016, xã có 270 hộ cầm cố, bán đất, vay tiền lãi suất cao. Trong đó, 219 hộ cầm cố đất với 362,21 ha, 29 hộ vay gần 1 tỷ đồng và 22 hộ sang nhượng đất. Nguyên nhân chính là do tập quán tổ chức cưới hỏi linh đình; chi tiêu không tính toán; lười lao động và bệnh tật buộc họ phải cầm cố đất để vay tiền. Đến khi “lãi mẹ đẻ lãi con” và không còn khả năng trả thì bị xiết nợ đất.

Rất nhiều hộ dân ở xã Bù Gia Mập bán điều bông rồi làm thuê trên chính mảnh vườn của mìnhRất nhiều hộ dân ở xã Bù Gia Mập bán điều bông rồi làm thuê trên chính mảnh vườn của mình

Chúng tôi cùng Phó chủ tịch xã Điểu Thuận đến nhà ông Điểu Dớc ở thôn Bù Dốt. Xế trưa nhưng bếp nhà ông Điểu Dớc vẫn nguội lạnh. Ông Điểu Dớc nói: “Nhà nghèo, ngày chỉ ăn hai bữa. Mấy thằng con không chịu làm việc, đi nhậu từ sáng đến giờ chưa về”. Cùng xóm với ông Điểu Dớc còn có rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo. Mặc dù ở nhà tạm, vách nứa, mái tôn nhưng trong nhà ông Điểu Dớc có tivi, đầu máy, xe tay ga mới tinh... Ông Điểu Dớc có 5 người con đều đã lập gia đình riêng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2005, do thiếu ăn, không có tiền cưới vợ cho con, ông Dớc đã vay ngân hàng và một số hộ dân trong xã 80 triệu đồng. Đến năm 2010, cả gốc và lãi phát sinh đến gần 200 triệu đồng. Ông Điểu Dớc đã phải sang nhượng 4 sào đất trồng điều được hơn 140 triệu đồng nhưng vẫn không trả hết nợ. Năm 2015, để chống đói và có tiền chăm sóc 8 sào điều còn lại, ông Dớc tiếp tục vay ngân hàng 60 triệu đồng. Đến nay, ông Dớc vẫn chưa trả hết nợ.

Phó chủ tịch xã Điểu Thuận nói: “Năm nào cũng có hộ bán điều bông, sang nhượng đất, vay tiền lãi suất cao để cưới vợ cho con hoặc mua sắm xe máy, đầu đĩa, tivi. Phần lớn người dân chi tiêu không biết tính toán và lười lao động. Tuy nhiên, không phải hộ vay nặng lãi nào cũng vì thích mua sắm. Có những hộ sống phụ thuộc vào cây điều nên năm được mùa năm mất dẫn đến thiếu ăn, cộng thêm bệnh tật phải vay mượn chữa trị nên nợ chồng nợ”. 

CHÍNH QUYỀN VÀO CUỘC

Thực hiện Chỉ thị số 19/2015/CT-UBND ngày 25-12-2015 của UBND tỉnh, UBND xã Bù Gia Mập đã xây dựng kế hoạch hành động. Theo đó, UBND xã giao nhiệm vụ cho từng ban, ngành, hội, đoàn thể. Lấy công tác tuyên truyền làm nhiệm vụ trọng tâm, từng hội đoàn thể tuyên truyền trong lực lượng hội viên, đoàn viên về hậu quả của việc cầm cố, sang nhượng đất và cho vay nặng lãi.

Lãnh đạo UBND xã Bù Gia Mập (bìa phải) trao đổi với hộ ông Điểu Dớc về tình trạng vay mượn và cầm cố đấtLãnh đạo UBND xã Bù Gia Mập (bìa phải) trao đổi với hộ ông Điểu Dớc về tình trạng vay mượn và cầm cố đất

Ông Điểu Thuận cho biết, xã Bù Gia Mập đặc biệt nghiêm cấm cán bộ, đảng viên tham gia cầm cố, sang nhượng đất và cho vay nặng lãi trong vùng đồng bào DTTS. Tất cả hội, đoàn thể cùng vào cuộc nắm bắt tư tưởng người dân, chú trọng rà soát diện tích đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là những diện tích đã sản xuất ổn định trên các lâm phần. UBND xã yêu cầu cán bộ địa chính kiểm soát chặt chẽ việc sang nhượng đất thông qua hoạt động chứng thực. Khi phát hiện thì kịp thời tham mưu cấp trên củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. Đối với đất giao cho đồng bào DTTS theo các chính sách của Nhà nước trong 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất không được chuyển nhượng cầm cố dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, xã Bù Gia Mập thường xuyên rà soát, xác định, phân loại các đối tượng môi giới cho vay nặng lãi, mua điều bông, xiết nợ bằng đất của đồng bào DTTS để có biện pháp răn đe, ngăn chặn và kiểm soát. Ban xóa đói, giảm nghèo xã phối hợp thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS; nắm chắc tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tình hình biến động đói nghèo để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Hiện nay, vấn đề khó nhất là việc người dân sang nhượng  đất bằng giấy viết tay, không thông qua chính quyền nên không thể kiểm soát. Bởi vậy, điều quan trọng là phải thay đổi, nâng cao nhận thức người dân, giúp họ nhận thấy hậu quả của việc vay nặng lãi, chi tiêu không có kế hoạch. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập người dân thông qua các giải pháp nâng cao năng suất cây điều, thu hút doanh nghiệp đến xã đầu tư, phát triển các ngành nghề thủ công... để tạo việc làm cho người dân.

 Minh Luận

  • Từ khóa
93030

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu