Thứ 7, 20/04/2024 05:38:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:02, 31/01/2019 GMT+7

Các nhà lữ hành nói gì về du lịch Bình Phước?

Thứ 5, 31/01/2019 | 07:02:00 366 lượt xem

BP - “Chúng tôi biết lợi thế của Bình Phước là sự tinh khôi của thiên nhiên. Do vậy, chúng tôi không ngạc nhiên khi tham gia chuyến khảo sát này. Ngoài lợi thế hiếm có về cảnh quan môi trường, Bình Phước còn sở hữu cơ cấu tổ chức trẻ rất dễ thay đổi để bắt kịp xu thế của thời đại. Tôi rất hài lòng về thiên nhiên ở đây. Bởi cái sạch không phải mất tiền để mua. Chúng tôi hài lòng không phải vì không mua vé mà nó có những bứt phá khác lạ có thể làm hài lòng du khách. Nói hài lòng thì có nhưng hài lòng để mang khách đến thì chưa. Bởi các điểm đến của Bình Phước còn nhiều điều phải làm mới mong đáp ứng nhu cầu tối thiểu của du khách” - nhà kinh doanh lưu trú Trần Văn Nguyên đến từ tỉnh Bình Dương chia sẻ.

DẤU ẤN ĐIỂM ĐẾN

Trong 3 ngày (từ 23 đến 25-1) hơn 20 doanh nghiệp và nhà quản lý trong lĩnh vực lữ hành, lưu trú đến từ các tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh và đơn vị chủ nhà tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Bình Phước tổ chức.

Điểm trải nghiệm đầu tiên là một nông trại tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Đây là nông trại vừa quản lý, bảo vệ rừng vừa sản xuất nông nghiệp. Điểm nhấn ở điểm đến này là lối kiến trúc nhà ở gắn liền với thiên nhiên. Tận dụng lợi thế của rừng, doanh nghiệp biết cách hút hồn du khách bằng cách bố trí cây rừng, hoa rừng theo tầng nấc của địa hình hết sức độc đáo. Đặc biệt là việc xây dựng cây cầu đà gỗ lợp ngói lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á.

Các nhà lữ hành nghe hướng dẫn viên thuyết minh về Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Lộc Ninh)

Điểm dừng chân thứ hai là trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Mặc dù là những nhà kinh doanh lữ hành nhưng các thành viên trong đoàn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của trảng cỏ có một không hai ở khu vực Đông, Tây Nam bộ. Bình Phước đang vào mùa khô, trảng cỏ chuyển màu xanh thành sắc vàng mênh mông giữa núi rừng. Bên cạnh “thảo nguyên vàng” là hồ nước tự nhiên như một nét chấm phá trong bức tranh thủy mặc hết sức nên thơ và lãng mạn. Mặc dù là mùa khô nhưng du khách vẫn cảm nhận được sự trong lành đến mát lạnh đang lan tỏa từ trảng cỏ Bù Lạch.

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng là điểm đến tiếp theo của đoàn. Nhiều du khách rất kỳ vọng điểm đến này nhưng lại thất vọng vì không tìm thấy hình ảnh tiếng chày trên sóc Bom Bo bập bùng trong ánh lửa của một thời đã đi vào lịch sử dân tộc như một khúc tráng ca.

Đêm xuống, các nhà lữ hành được trải nghiệm trong không gian đặc quánh của núi rừng thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Cái lạnh của đất trời hòa quyện trong căn nhà dài của người S’tiêng được Vườn quốc gia Bù Gia Mập xây dựng ngay trong rừng để phục vụ du khách đã thực sự khiến các nhà lữ hành có một đêm trải nghiệm đầy thú vị. Từ tinh mơ, du khách bắt gặp tiếng vượn, khỉ, voọc, chim chóc líu lo chuyền cành gọi bầy. Những hoạt động của các sinh vật quý hiếm mang tính đặc hữu vùng miền của khu bảo tồn cùng với thác nước hiền hòa và thiên nhiên hoang dã tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập thật sự ghi nhiều dấu ấn trong tâm trí các nhà lữ hành. Chưa hết, các thành viên trong đoàn còn ngỡ ngàng trước không gian bao la sông nước được núi rừng che chở tại Khu du lịch sinh thái Bù Đốp. Du thuyền và nghe tâm tư chuyện giữ rừng, phát triển rừng và bảo vệ rừng của hướng dẫn viên nguyên là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp Nguyễn Văn Ách.

Qua chuyện kể về những người giữ rừng và thưởng thức các món ăn tại Khu du lịch sinh thái Bù Đốp, du khách chắc chắn sẽ có cái nhìn khác về rừng để từ đó yêu rừng, yêu môi trường, thiên nhiên hơn. Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) tại huyện Lộc Ninh là điểm đến cuối cùng của đoàn trong chuyến hành trình 3 ngày 2 đêm. Tại đây, các nhà lữ hành được hướng dẫn viên giới thiệu về quá trình lãnh đạo đấu tranh của quân và dân miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong chuyến tham quan này, các thành viên trong đoàn còn được thưởng thức các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc do chính con em đồng bào dân tộc Khơme bản địa biểu diễn.

CÁC NHÀ LỮ HÀNH NÓI GÌ?

Phát biểu đóng góp tại buổi tọa đàm sau chuyến đi trải nghiệm 3 ngày tại các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Bình Phước tổ chức, nhà kinh doanh chuyên lĩnh vực lưu trú Trần Văn Nguyên (Bình Dương) khẳng định: Tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch lịch sử là thế mạnh của Bình Phước, hiếm nơi nào có được. Đi cùng với nó là cơ cấu tổ chức trẻ nên rất dễ thay đổi để tạo bước đột phá trong lĩnh vực lữ hành và nghỉ dưỡng. Gần như tất cả điểm đến của tỉnh Bình Phước hiện nay du khách không phải mất tiền mua vé. Tuy nhiên, du khách có đến hay không là chuyện khác. Cơ sở hạ tầng giao thông tốt sẽ tạo tâm lý an toàn cho du khách là điều đầu tiên tỉnh Bình Phước phải tính đến và hoàn thiện càng sớm càng tốt. Không phải không mất tiền là du khách sẽ đến. Du khách phải đảm bảo được tính an toàn và an tâm trên hành trình du lịch; các điểm đến phải đáp ứng nhu cầu vui chơi, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng cho cả trẻ em và người già. Đến sóc Bom Bo hay các điểm du lịch nào khác, trẻ em sẽ không ý thức được tính lịch sử mà chúng chỉ nghĩ đến hôm nay chơi gì hay hơn hôm qua.

Các nhà lữ hành đang tham mưu hiến kế cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước khai thác tiềm năng, lợi thế của trảng cỏ Bù Lạch

Còn doanh nhân chuyên kinh doanh lưu trú Dương Văn Thừa (Tây Ninh) cho rằng: “Bình Phước có rừng vàng, có thiên nhiên hoang sơ trong lành. Vườn quốc gia thật là ấn tượng, đến là thích. Nhưng du khách không sợ tốn tiền, không chỉ cần nơi vui chơi mà cần cả nơi ăn, chốn nghỉ. Nếu sóc Bom Bo, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, trảng cỏ Bù Lạch có nơi nghỉ dưỡng, có nơi mua sắm, cũng đủ thu hút du khách là người bản địa. Người ta muốn ngắm thác phải lên tận Đà Lạt (Lâm Đồng), hệ thống thác nước của Bình Phước tốt nhưng đường đến khó quá, sao không đầu tư?”.

Trưởng phòng Quản lý du lịch tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thanh Hữu nhận định: Du lịch Bình Phước giống như nàng công chúa đang ngủ trong rừng. Tiết mục múa say dăm hay biểu diễn các nhạc cụ ngũ âm là vốn văn hóa phi vật thể hết sức độc đáo của người Khơme đã tạo sự khác biệt với đờn ca tài tử ở Tây Nam bộ. Rất mừng là Bình Phước không cần kêu gọi đã có những nhà giữ rừng, giữ từng cây rừng hết sức tâm huyết. Rừng là thế mạnh của Bình Phước, đừng bê tông, sắt thép hóa những công trình kiến trúc, bởi bê tông, cốt thép sẽ không bao giờ bằng khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) hay Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) cả. Đó là chưa nói đến viễn cảnh phá vỡ môi trường trong quá trình bê tông, cốt thép hóa.

Thay vì chờ đến tết trồng cây nhớ Bác, tại sao chúng ta không dành một diện tích nào để cho du khách tự tay trồng rừng ngay trong chuyến du lịch khám phá hay nghỉ dưỡng của mình?

“Trong 3 ngày trải nghiệm, phần lớn chúng tôi chỉ bắt gặp các sản phẩm chế biến công nghiệp, không thấy sản phẩm địa phương đâu cả, không thấy biểu tượng du lịch của Bình Phước đâu cả. Bù Lạch đang mùa nắng vàng ươm nhưng vẫn đẹp đến lạ thường như thế, mát như thế mà không thấy nhà nghỉ, nơi bán hàng lưu niệm đâu. Nghe nói sóc Bom Bo đi vào lịch sử, được cả thế giới biết đến chứ đâu chỉ có trong nước. Vậy mà đến nơi thấy toàn bê tông, không thấy sóc Bom Bo, không thấy đồng bào S’tiêng đâu. Nếu đưa khách, đưa trẻ em đến đây thì họ tìm hiểu điều gì? Tại sao ở mãi trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập lại có anh hướng dẫn viên hay thế, có ngôi nhà dài cho du khách trải nghiệm hay thế. Có phải đó là ý tưởng, là cái tâm của người làm du lịch?” - nhà quản lý du lịch tỉnh Tiền Giang đặt câu hỏi cho tỉnh Bình Phước.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
90363

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu