Thứ 6, 19/04/2024 16:38:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:35, 13/10/2014 GMT+7

Kiểm điểm lãnh đạo đơn vị để tăng TNGT

Thứ 2, 13/10/2014 | 09:35:00 1,515 lượt xem
BP - Thời gian qua, mặc dù ngành công an đã triển khai nhiều giải pháp tích cực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông và tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này giảm nhưng chưa nhiều. Đặc biệt, một số loại tội phạm còn có diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi. Phóng viên Báo Bình Phước đã trao đổi với đại tá Hoàng Văn Huệ, Giám đốc Công an tỉnh nhằm làm rõ thực trạng cùng những tồn tại, hạn chế và giải pháp của ngành công an.

Xin ông cho biết những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật hiện nay?

Đại tá Hoàng Văn Huệ: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 728 vụ vi phạm pháp luật, giảm 35 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, tỷ lệ điều tra khám phá các vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, đạt 91,62%; công tác bắt, vận động đầu thú và thanh loại đối tượng truy nã đạt kết quả cao (99/197 đối tượng)... Tuy số vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm nhưng không đáng kể (4,58%) và có nguy cơ tăng trở lại. Nhất là tình trạng trộm cắp tài sản, đánh bạc, giết người, cướp tài sản hay các đối tượng thanh thiếu niên hư tụ tập băng nhóm hoạt động vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.

Một vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 14, đoạn trước Điện lực tỉnh - Ảnh: T.V

Nguyên nhân là do công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động còn nặng về hình thức, chưa thường xuyên, liên tục, chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, lễ, tết và tổ chức ở trung tâm các huyện, thị xã, còn ở vùng sâu, vùng xa chưa đáng kể. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số nơi chưa phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, nhất là ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một bộ phận người dân chưa ý thức được trách nhiệm phải tự bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe của mình và mất cảnh giác trong phòng chống tội phạm. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự chú trọng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhất là việc chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa bàn. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng vũ trang trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa đồng bộ...

Ngoài ra, một số yếu tố khách quan cũng làm cho tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Cụ thể, tác động xấu của mặt trái nền kinh tế thị trường làm con người có xu hướng coi trọng kinh tế, lợi ích vật chất; suy thoái về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; nhân cách, đạo đức con người một bộ phận tha hóa, biến chất. Đặc biệt, sự tác động của văn hóa phẩm đồi trụy làm cho tính cách của một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng dẫn đến phạm tội.

Theo ông, hiện loại tội phạm nào đáng báo động nhất và để đấu tranh với loại tội phạm này, ngành đã có những giải pháp gì?

Đại tá Hoàng Văn Huệ: Thực tế xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội và trộm cắp tài sản đang trong tình trạng báo động. Qua theo dõi, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra 21 vụ, làm chết 21 người. Nổi lên một số vụ có tính chất nghiêm trọng, như vụ giết 2 người xảy ra ngày 10-2 tại xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài); 2 băng nhóm đánh nhau làm 1 người chết, 1 người bị thương xảy ra ngày 28-1 tại quán bar OX ở phường Tân Bình (TX. Đồng Xoài); vụ con giết cha xảy ra ngày 17-1 tại xã Phú Văn (Bù Gia Mập)... Các vụ án xảy ra chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân, không được giải quyết dứt điểm hoặc mâu thuẫn trong sinh hoạt, cuộc sống thường ngày.

Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, nếu tuyến, địa bàn nào để TNGT tăng thì không xét thi đua và phải kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo đơn vị phụ trách và lực lượng CSGT phụ trách tuyến, địa bàn đó.

Đại tá Hoàng Văn Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh.

Đối với tội trộm cắp tài sản, trong 9 tháng qua xảy ra 248 vụ, chiếm 34,07% tổng số vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, thiệt hại khoảng 5,5 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là trộm cắp xe môtô với 160 vụ. Đa số đối tượng trộm xe đều móc nối trước hoặc sau khi gây án để tiêu thụ xe chiếm đoạt được. Thời gian gần đây nổi lên tình trạng sau khi trộm được xe, các đối tượng thuê người đem đến các địa điểm giao nhận dọc biên giới để đưa sang Campuchia tiêu thụ. Hay một số đối tượng chỉ chuyên tiêu thụ xe môtô, chúng mua lại xe trộm cắp được từ các tỉnh, thành phố trong khu vực và các huyện, thị xã trong tỉnh, sau đó rải “vệ tinh” canh đường và đưa xe qua biên giới Campuchia. Cá biệt, đã xảy ra tình trạng sau khi trộm cắp được xe môtô, chúng điện thoại cho chủ xe yêu cầu mang tiền đến địa điểm hẹn trước để chuộc lại xe.

Muốn hạn chế đến mức thấp nhất các loại tội phạm này, phải tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp từ phòng ngừa đến phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm xảy ra. Trước hết, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân. Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những địa bàn phức tạp; quản lý chặt các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, như quán bar, vũ trường, karaoke... để kịp thời phát hiện, xứ lý các trường hợp vi phạm.

Đối với công tác nắm tình hình địa bàn, ngành sẽ tăng cường rà soát, phát hiện, đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm nguy hiểm, trọng điểm và chủ động phát hiện những mâu thuẫn phát sinh có thể dẫn đến phạm tội trong nội bộ nhân dân. Trên cơ sở đó, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức hòa giải, phòng ngừa, ngăn chặn không để mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài. Đồng thời, tăng cường lực lượng, tập trung các biện pháp nghiệp vụ điều tra và phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng vi phạm nhằm giáo dục phòng ngừa.

Tình hình tai nạn giao trên các tuyến đường liên xã vẫn còn diễn biến phức tạp. Giải pháp của ngành trong những tháng cuối năm về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Đại tá Hoàng Văn Huệ: Thực hiện Năm an toàn giao thông 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, Công an tỉnh đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nên tình hình tai nạn giao thông so với cùng kỳ giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, giảm 8,5% số vụ (278/304 vụ), giảm 1,4% số người chết (145/147 người) và giảm 3,2% số người bị thương (305/315 người). Tuy có giảm nhưng không đáng kể. Ở một số địa phương, các tuyến đường liên thôn, liên xã tai nạn giao thông còn tăng và diễn biến phức tạp.

Để kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông tại các tuyến đường liên xã, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ mở đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông, huy động tối đa lực lượng công an các xã, phường, thị trấn phối hợp cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, tập trung tuyên truyền tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lâm Phương (thực hiện)

  • Từ khóa
11874

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu