Thứ 6, 19/04/2024 06:44:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:49, 14/12/2019 GMT+7

Bước chuyển ở vùng dân tộc thiểu số

Cẩm Liên
Thứ 7, 14/12/2019 | 09:49:00 333 lượt xem
BP - Bù Đăng có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, hơn 39% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Phần lớn đồng bào DTTS huyện Bù Đăng sản xuất nông nghiệp nên đời sống chưa cao. Thời gian qua, với các nguồn lực, UBND huyện đã chủ động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và đã mang lại những hiệu quả thiết thực, làm thay đổi cuộc sống người dân.

NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Thực hiện Chương trình 134, UBND huyện Bù Đăng đã làm việc với Công ty cổ phần cao su Phú Thịnh về phương án giao đất trồng cao su cho 118 hộ đồng bào được thụ hưởng trên diện tích 100,1 ha tại Tiểu khu 144, xã Đắk Nhau và Tiểu khu 270, xã Thống Nhất. Đến nay, Công ty cổ phần cao su Phú Thịnh đã bàn giao toàn bộ diện tích cao su cho đồng bào quản lý và khai thác.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bom Bo được hỗ trợ bò sinh sản phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Giai đoạn 2016-2020, Bù Đăng còn 1 xã và 6 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn trong Chương trình 135. Để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, UBND huyện đã thực hiện 2 mô hình phát triển sản xuất là chăn nuôi bò sinh sản và cấp phân bón hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí hơn 1,78 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn đầu tư Chương trình 135, huyện đã xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông trong vùng dự án với hơn 11,8 tỷ đồng; các công trình văn hóa trên 540 triệu đồng...

Bên cạnh đó, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện còn được thụ hưởng các chính sách về định canh, định cư; được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ chuyển đổi nghề; chi hỗ trợ trực tiếp đồng bào vùng đặc biệt khó khăn và thực hiện tín dụng ưu đãi đối với đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Trung Lai, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng, cho biết: Qua thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án với tổng kinh phí nhà nước đầu tư hơn 121,7 tỷ đồng đã làm cho vùng đồng bào DTTS thay đổi rõ rệt, đời sống người dân được cải thiện. Đến nay, 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia, hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa, đường liên thôn mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, vật tư phục vụ sản xuất...

PHÁT HUY VAI TRÒ GIÀ LÀNG, NGƯỜI UY TÍN

Huyện Bù Đăng hiện có 20 già làng, 94 người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS. Những già làng, người có uy tín không chỉ mang tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể mà còn hướng dẫn, truyền đạt bà con cách phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Toàn huyện Bù Đăng hiện có 72 nhà văn hóa cộng đồng, 221 sân tập luyện thể dục thể thao. Từ năm 2014-2019, Bù Đăng đã cử tuyển 225 học sinh DTTS vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đến nay, 130 em tốt nghiệp, 48 em được phân công công tác phù hợp chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị và UBND xã, thị trấn; 75 em chưa đến liên hệ hoặc xin việc khác. 996 lao động là người DTTS trên địa bàn huyện được đào tạo nghề. Năm 2014, toàn huyện có 1.110 hộ DTTS thuộc diện nghèo, đến năm 2018 giảm còn 959 hộ...

Ông Điểu Chon (SN 1962) là Chủ tịch UBMTTQVN, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Đoàn Kết nhiều năm. Năm 2018, ông được bầu làm người uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở thôn 6, xã Đoàn Kết. Với nhiều năm kinh nghiệm, đảng viên Điểu Chon tích cực đóng góp xây dựng thôn 6 đạt khu dân cư văn hóa. Với quan niệm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và phải nêu gương mới vận động được đồng bào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự, ông Điểu Chon đã ứng dụng tiến bộ khoa học vào 2 ha điều trồng xen cà phê, 4 sào lúa nước, 8 con bò sinh sản, 4 sào chôm chôm và sầu riêng đạt năng suất cao... Cùng với đó, ông vận động gia đình, người thân đi đầu đóng góp các khoản, quyên góp để dễ thuyết phục người dân trong vùng tham gia nghĩa vụ và nâng cao ý thức xây dựng khu dân cư. Vì thế, toàn thôn có 196 hộ với 915 người, trong đó 465 người là đồng bào DTTS đã thực hiện nhiều công trình làm thay đổi diện mạo thôn. Trong 2 năm (2018-2019), người dân trong thôn đã đóng góp 115 triệu đồng, lắp đèn đường dài 2,3km trên tuyến vào điểm du lịch thác Đứng; làm sân nhà văn hóa với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Người dân cũng tự trồng hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp hai bên đường...

Ông Trần Sang, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Bù Đăng, cho biết: Thời gian qua, 20 già làng tiêu biểu và 94 người uy tín trên địa bàn Bù Đăng đã làm tốt vai trò, chức năng của mình. Họ thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; tuyên truyền đồng bào không cầm cố, sang nhượng đất cũng như bán điều non... Nhờ đội ngũ này, các chính sách, chương trình dự án dành cho đồng bào DTTS sớm đi vào cuộc sống.

  • Từ khóa
1608

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu