Thứ 4, 24/04/2024 04:02:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:36, 16/07/2019 GMT+7

Bù Gia Mập tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững - Bài 1

Thứ 3, 16/07/2019 | 06:36:00 1,705 lượt xem
BP - Bù Gia Mập là huyện biên giới có xuất phát điểm về kinh tế, xã hội thấp, hạ tầng giao thông hạn chế, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao (gần 37%). Vì vậy, công tác giảm nghèo thời gian qua không chỉ là nhiệm vụ mà còn là thách thức đối với sự phát triển của huyện. Bằng sự quyết tâm, cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế, những năm qua huyện Bù Gia Mập đã đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực giảm nghèo. Từ đó tạo tiền đề, động lực cho Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong nỗ lực giảm nghèo bền vững gắn với các mục tiêu phát triển của huyện.

Ý CHÍ THOÁT NGHÈO CỦA NGƯỜI DÂN

Đất đai trù phú, khí hậu thuận lợi, được chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế là những điều kiện tốt khiến Bù Gia Mập trở thành điểm đến thoát nghèo lý tưởng của người dân nhập cư cũng như đồng bào bản địa.

Chính sách là đòn bẩy

Căn nhà nhỏ nép mình giữa vườn điều, tiêu bạt ngàn ở thôn 2, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập là tổ ấm của gia đình anh Phạm Văn Phương và chị Đinh Thị Nguyện, cùng 3 người con. So với cách đây vài năm thì hộ anh Phương đã thay đổi lớn. Anh Phương cho biết: Năm 2015, cả nhà tôi 5 người đến sinh sống tại xã biên giới Đắk Ơ. Lúc đó, không nhà, không nghề nghiệp, chi phí cuộc sống, học hành của 3 đứa con là gánh nặng đè lên vai vợ chồng tôi. May mắn gia đình được Nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi 50 triệu đồng để nuôi dê. Có động lực, vợ chồng tôi quyết tâm vươn lên thoát nghèo nên chỉ sau 2 năm không những trả hết số tiền vay mà còn mua được rẫy, có vốn tích lũy phát triển kinh tế. Năm 2017 là mốc thời gian đáng nhớ khi gia đình được công nhận thoát nghèo. Không nén được xúc động, anh Phương nói: “Gia đình tôi được sự giúp đỡ của Nhà nước nên mới thay đổi tích cực như hôm nay. Lúc được Nhà nước cho vay vốn, tôi rất mừng vì đang cần vốn để phát triển kinh tế. Thấy chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, lại có thời gian, tận dụng phân bón chăm sóc vườn rẫy nên tôi quyết định đầu tư. Nuôi dê có lãi, tôi tiếp tục nhân đàn, từ đó mỗi năm thu mỗi thứ một ít, chi tiêu tiết kiệm nên kinh tế gia đình cũng cải thiện dần”.

Chị Điểu Thị Bắc ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) mong được vay vốn đầu tư kinh doanh để thoát nghèo

Suốt thời gian dài là nạn nhân của vay nặng lãi, cầm cố đất và bán điều non, gia đình ông Điểu Bang và bà Điểu Thị Dê ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ tưởng chừng không thể vực dậy. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm của người đảng viên, ông Điểu Bang đã nỗ lực đưa cả gia đình thoát cảnh nghèo khó. Nỗ lực đáng tự hào nhất của đảng viên Điểu Bang là đã giữ lại được 3 ha đất cầm cố từ nhiều năm trước, điều mà rất nhiều người dân cầm cố đất ở xã Đắk Ơ nói riêng, huyện Bù Gia Mập nói chung không làm được. Thoát nghèo từ năm 2016, đến nay với thu nhập từ rẫy điều và chăn nuôi gia súc, gia cầm, cuộc sống gia đình ông đã ổn định. Ông Điểu Bang cho biết: Thời gian trước, con tôi bị bệnh (nhiễm chất độc da cam/dioxin), vì thương con mà vợ chồng tôi cố gắng chạy chữa. Không có số tiền lớn đành phải thế chấp 3 ha rẫy để chữa bệnh cho con. Tôi vay được 8 năm thì tiền lãi bằng số tiền gốc, gia đình mất khả năng chi trả. Không còn cách nào khác, tôi cầu cứu chính quyền địa phương, được can thiệp nên mới giữ được đất. Tôi thấy mình may mắn vì bản thân biết chữ, giữ được giấy tờ cầm cố đất, thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt nên cảnh giác trước những chiêu trò gian dối; đồng thời được chính quyền hỗ trợ kịp thời nên không mất đất như nhiều bà con cầm cố ở đây.

Đồng hành VỚI người nghèo

Bù Gia Mập là huyện biên giới, gần 37% số dân là đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 11,76%, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 60% số hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện. Thời gian qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, chính quyền địa phương đã tập trung chăm lo đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo và cận nghèo. Cụ thể, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã triển khai thực hiện, trước mắt ưu tiên những vấn đề bức thiết như đất sản xuất, đất ở, nhà ở, cơ sở hạ tầng, giải quyết tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án như Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình 134, dự án định canh, định cư theo Quyết định số 33, dự án ổn định di cư tự do theo Quyết định số 193, các quyết định 167, 102, 1592 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp các ngành tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, cộng đồng, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo. Đồng thời tổ chức các đợt công tác xã hội về tận nơi hỗ trợ nhân dân, hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh môi trường... giúp họ từng bước ổn định cuộc sống. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phùng Hiệp Quốc cho biết: Từ khi thành lập đến nay, huyện đã cấp hơn 800 ha đất sản xuất, 256 lô đất ở, xây dựng và sửa chữa hơn 1.500 căn nhà, trong đó khoảng 1.200 căn cho đồng bào DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 13,1% năm 2010 còn 7,64% năm 2015 và hiện nay là 11,76% theo tiêu chí nghèo đa chiều.

Gia đình ông Điểu Bang ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ thoát nghèo nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm và từ rẫy điều

Xác định những kết quả đạt được mới chỉ là thành công bước đầu nên cấp ủy, chính quyền huyện Bù Gia Mập tiếp tục có những kế hoạch, giải pháp giảm nghèo bền vững gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân trong thời gian tới. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đối với một huyện giáp biên và có đông đồng bào DTTS sinh sống như Bù Gia Mập. Và huyện Bù Gia Mập có số hộ nghèo khá cao so với tỷ lệ chung (3,55%) của toàn tỉnh. Do đó, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn là thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân để từng bước đưa Bù Gia Mập thoát khỏi “vùng trũng” về kinh tế của tỉnh.

Phương Dung

  • Từ khóa
94580

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu