Thứ 7, 20/04/2024 11:11:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:12, 30/11/2015 GMT+7

Bù Đốp với “cuộc chiến” chống hạn

Thứ 2, 30/11/2015 | 06:12:00 2,390 lượt xem

BP - “Bù Đốp không thể nghèo mãi được. Nhiệm kỳ mới này phải khác. Các đồng chí trong ban thường vụ phải tích cực về cơ sở để nắm bắt thông tin. Mỗi người, mỗi thôn ấp phải tìm kiếm một loại cây trồng thích hợp với địa bàn mình phụ trách. Ban chấp hành là những người có trình độ, trẻ, giàu nhiệt huyết. Vấn đề là làm sao để họ có cơ hội thể hiện và cống hiến. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để Bù Đốp phát triển là phải lấy được niềm tin của dân, làm cho dân tin. Mỗi lần về cơ sở thấy dân rưng rưng, mình xót lắm” - Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng chia sẻ.

ĐỐI MẶT VỚI KHÔ KHỐC

Mùa mưa năm 2015 đến muộn nhưng lại kết thúc sớm khiến cho lượng nước mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước ngầm và sông suối trên địa bàn huyện Bù Đốp hiện đã thấp từ 0,7-1,5m so với mực nước trung bình những năm gần đây. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt lẫn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp là khó tránh.

Hệ thống kênh mương nội đồng ở Bù Đốp thuộc công trình thủy lợi sau Cần Đơn đã thi công xong sau gần 8 năm nhưng vẫn chưa có nướcHệ thống kênh mương nội đồng ở Bù Đốp thuộc công trình thủy lợi sau Cần Đơn đã thi công xong sau gần 8 năm nhưng vẫn chưa có nước

Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp, mùa khô năm 2015-2016 sẽ có 16.234 người, chiếm 28,5% số dân trên địa bàn huyện thiếu nước sinh hoạt, tăng 375% so với mùa khô năm 2014. Trong sản xuất nông nghiệp có 2.517 ha cây trồng thiếu nước tưới, tăng 185% so với năm 2014. Một trong những nguyên nhân khiến diện tích cây trồng trên địa bàn huyện đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới là do khai thác quá mức nguồn nước ngầm. Việc chuyển đổi cây trồng không theo quy hoạch, mang tính tự phát của người dân. Đặc biệt việc chuyển đổi diện tích cây cao su sang hồ tiêu ồ ạt trong những năm gần đây khiến tình hình thiếu nước tưới ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện chưa phát huy hiệu quả.

Bù Đốp hiện có 5 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng cả 5 công trình hiện không thể phát huy tác dụng với nhiều lý do khác nhau. Trước hết là công trình hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn với quy mô thiết kế 40km kênh mương phục vụ tưới tiêu cho 300 ha cây trồng. Sau gần 8 năm thi công, công trình vẫn chưa hoàn thành. Đập M26 tại xã Phước Thiện thiết kế xây dựng không phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng tại đây nên không thể tích nước từ mùa mưa sang mùa khô. Đập dâng K2 ở xã Tân Tiến, đập Tân Phong, Tân Đông ở xã Tân Thành hiện không còn nước. Suối hai dòng trên địa bàn xã Thiện Hưng lai láng nước vào đầu mùa khô nhưng hiện nay đã có dấu hiệu khô cạn. Mùa khô này, dự báo xã Thiện Hưng có đến 3.255 người thiếu nước sinh hoạt.

XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ CHỐNG HẠN

Bí thư Hà Anh Dũng như ngồi trên lửa khi nhắc đến tình hình nước sinh hoạt cũng như nước tưới trên địa bàn xã Tân Tiến và Tân Thành. Ngoài diện tích cây trồng thiếu nước tưới, 2 xã này còn có 4.573 người đối mặt với thiếu nước sinh hoạt. Ngay tại trung tâm huyện trong mùa khô năm 2014, UBND huyện cũng phải mua nước sinh hoạt. Dự kiến mùa khô năm nay, Bù Đốp sẽ trích quỹ dự phòng để lo nước sinh hoạt cho người dân. “Hiện Ban chấp hành đang xây dựng nghị quyết chuyên đề để chống hạn. Các thành viên trong Ban thường vụ phải tích cực đi cơ sở nắm bắt tình hình chứ không thể ngồi ở nhà xem báo cáo. Bản thân tôi cũng vậy, cứ rảnh là đi thôn, ấp nghe dân bày tỏ tâm tư để có hướng chỉ đạo kịp thời” - Bí thư Hà Anh Dũng cho biết.

Đập M26 tại xã Thiện Hưng không tích được nước do thiết kế không thích hợp với địa hình (ảnh lớn). Những cánh đồng trên địa bàn huyện Bù Đốp đang chờ giải pháp chuyển đổi giống cây trồng do thiếu nước (ảnh nhỏ)Đập M26 tại xã Thiện Hưng không tích được nước do thiết kế không thích hợp với địa hình (ảnh lớn). Những cánh đồng trên địa bàn huyện Bù Đốp đang chờ giải pháp chuyển đổi giống cây trồng do thiếu nước (ảnh nhỏ)

BND huyện Bù Đốp đã lên kế hoạch chủ động ứng phó với tình hình nắng hạn. Nhiệm vụ trước mắt là tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm. Đối với diện tích lúa đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trong mùa khô tuyệt đối không xuống giống mà chuyển sang các loại cây trồng chịu hạn. Trạm Khuyến nông huyện đang xây dựng mô hình thử nghiệm 1 vụ lúa, 2 vụ màu trên diện tích đất thiếu nước, bước đầu đã cho kết quả khả quan. Giống lúa mới đưa vào thử nghiệm trên địa bàn xã Thiện Hưng cho năng suất 7,5-8 tấn/ha. Khi kết hợp với 2 vụ màu như đậu nành, bắp hoặc các loại cây trồng chịu hạn khác cũng giúp nông dân ổn định nguồn thu trong năm. Về lâu dài, Bù Đốp đang tích cực tìm kiếm, tuyển chọn những giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, ít phụ thuộc vào nguồn nước để giúp người dân chuyển đổi cây trồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân ứng dụng trên diện tích cây trồng. Có như vậy, ngành nông nghiệp Bù Đốp mới phát triển bền vững.

NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT

Bù Đốp là huyện nông nghiệp. Chỉ có nông nghiệp mới giúp Bù Đốp phát triển. Cả ngàn năm tạo hóa mới kiến tạo được lớp trầm tích bề mặt trái đất để phục vụ cho cây trồng. Bù Đốp được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho lớp trầm tích khá lớn nên phải tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng nông sản đang được Bù Đốp quyết tâm thực hiện bằng được trong nhiệm kỳ này.

 Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng 

Nông nghiệp là thế mạnh của Bù Đốp nhưng toàn huyện chưa có nhà nông nào xây dựng được trang trại quy mô lớn. Quýt, bưởi ở các nơi khác cho năng suất 70-80kg/cây, Bù Đốp chỉ có 30-35kg/cây. Với cây lúa, các nơi khác cho năng suất 6-7 tấn/ha thì Bù Đốp chỉ mới dừng lại 3,5 tấn/ha. Điều đó cho thấy trình độ canh tác của người dân còn thấp. Bù Đốp hiện có khoảng 10 ha bưởi và đang quy hoạch vùng nguyên liệu để xây dựng thương hiệu trong vài năm tới. Để làm được điều đó, trước hết phải tạo chất xám trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là quỹ hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học của tỉnh cần được ưu tiên đầu tư nhiều hơn để giúp người dân vùng sâu, xa, biên giới tiếp cận được tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Dù muốn hay không, công trình thủy lợi sau Cần Đơn cần nhanh chóng tháo gỡ những nút thắt, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng. Việc đưa công trình vào sử dụng không chỉ giúp diện tích cây trồng Bù Đốp thoát được nắng hạn mà còn là giải pháp để tạo lòng tin cho người dân.

Đông Kiểm

 

  • Từ khóa
1266

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu