Thứ 6, 19/04/2024 19:32:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:10, 16/05/2019 GMT+7

Bù Đốp nỗ lực thực hiện Đề án 999 - Bài 1

Thứ 5, 16/05/2019 | 06:10:00 1,197 lượt xem
BP - Trên cơ sở Đề án 999 của Tỉnh ủy, ngày 11-10-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bù Đốp có Quyết định số 1399-QĐ/HU về ban hành Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 1399. Việc sáp nhập các cơ quan bước đầu đã thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, đảm bảo quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

CÚ HÍCH TỪ NGÀNH GIÁO DỤC

“Việc tinh giản đội ngũ cán bộ lãnh đạo các trường là cần thiết, nhưng có người lại không vui. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người lao động trong các trường học thông suốt và tự nguyện thực hiện là hết sức cần thiết và phải được đặt lên hàng đầu” - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp Lê Đình Coóng cho biết.

BƯỚC KHỞI ĐẦU

Sau khi có Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017, của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII, UBND huyện Bù Đốp đã ban hành Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 18-10-2018, về phê duyệt đề án thành lập các trường tiểu học và THCS trên cơ sở sáp nhập các trường tiểu học và THCS; sáp nhập các điểm lẻ của trường tiểu học năm học 2018-2019. Thực hiện Quyết định số 1364 của UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp đã tiến hành sáp nhập 2 trường THCS và thành lập mới 3 trường đa cấp trên cơ sở giải thể 6 trường tiểu học và THCS. Trên cơ sở đề án sáp nhập thành trường học đa cấp, Phòng GD-ĐT tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm ít nhất 7 tỷ đồng.

Cơ sở trường lớp từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn huyện Bù Đốp đã được đầu tư xây dựng theo hướng trường chuẩn quốc gia để từng bước thực hiện mô hình trường học đa cấp theo Đề án 999 của Tỉnh ủy

Trước khi sáp nhập, toàn huyện Bù Đốp có 26 trường công lập, trong đó 6 trường THCS, 11 trường tiểu học và 9 trường mầm non với tổng học sinh 11.590 em/402 lớp học. Để phục vụ các cấp học này, toàn huyện có 955 cán bộ, giáo viên và nhân viên hợp đồng. Nhằm từng bước hiện thực hóa Đề án 1364 của UBND huyện, Phòng GD-ĐT Bù Đốp tiến hành sáp nhập Trường THCS Hưng Phước với Tiểu học Hưng Phước, Trường THCS Phước Thiện với Tiểu học Phước Thiện và Trường THCS Thanh Hòa với Tiểu học Thanh Hòa thành trường học đa cấp. Điểm lẻ của các trường tiểu học Tân Tiến và Thanh Hòa cũng được sáp nhập về điểm trường chính nhằm tạo điều kiện cho học sinh được đào tạo trong môi trường giáo dục tốt nhất. Sau khi sáp nhập, Phòng GD-ĐT giải thể 6 trường để thành lập mới 3 trường, tinh giản 3 trường, 6 điểm trường, 5 hiệu trưởng, 9 hiệu phó và 22 biên chế. Để tuyển chọn ban giám hiệu cho trường học đa cấp mới thành lập, Phòng GD-ĐT tổ chức thi tuyển theo hình thức thuyết trình và vấn đáp. Tháng 8-2018, Phòng GD-ĐT huyện đã cắt giảm 60 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68 của Chính phủ. Năm học 2019-2020 sắp tới, Bù Đốp tiếp tục cắt giảm toàn bộ 101 hợp đồng lao động còn lại để hoàn thành mục tiêu tinh giản đối tượng hợp đồng lao động thuộc diện 68 theo Đề án 999 của Tỉnh ủy vào năm 2020.

VÀ NHỮNG TÂM TƯ

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp Lê Đình Coóng cho biết, việc tinh giản đội ngũ cán bộ lãnh đạo các trường ai cũng buồn. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người lao động trong các trường học thông suốt và tự nguyện thực hiện là hết sức cần thiết, phải được đặt lên hàng đầu. Nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan trong công tác tuyển chọn người hiền tài làm lãnh đạo trong lĩnh vực GD-ĐT, công tác thi tuyển là cách tốt nhất để đội ngũ cán bộ cả cũ lẫn mới đều tâm phục, khẩu phục. Riêng các điểm trường lẻ, không còn giải pháp nào tốt hơn là tuyên truyền, vận động phụ huynh thông suốt những thuận lợi của các em trong học tập sau khi được sáp nhập. Nếu vận động một lần không được thì hai lần, ba lần, thậm chí giáo viên phải đến từng nhà để thuyết phục mới tạo được sự đồng thuận của phụ huynh.

Sau 10 năm làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Phước, năm học 2019-2020 này, cô Nhâm Thị Lan chuyển sang làm Hiệu phó Trường tiểu học và THCS Hưng Phước sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, nỗi trăn trở của cô là mong cấp phó Trường tiểu học Hưng Phước sau 9 năm đảm nhiệm ở trường được tiếp tục với chức trách được giao ở một trường nào đó khi có cán bộ nghỉ hưu. Còn phần mình, cô thật sự mãn nguyện với đề án tinh giản của ngành đặt ra. Với cô, cơ sở vật chất của một trường tiểu học thuộc xã nghèo ở tuyến biên giới như Hưng Phước được sáp nhập để học sinh thụ hưởng môi trường giáo dục đầy đủ tiện nghi là hết sức cần thiết.

Một số giáo viên trên địa bàn huyện Bù Đốp cho biết, một trong những khó khăn hiện nay là việc bố trí các đối tượng biên chế là cán bộ phụ trách y tế học đường sang làm công tác giảng dạy ở một số trường, nhất là cấp mầm non sẽ tạo áp lực cho ban giám hiệu trường. Đặc biệt cấp mầm non, sau khi cắt hợp đồng lao động đối tượng cấp dưỡng, bảo vệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì và thực hiện lớp bán trú. Bởi cấp mầm non luôn có nhu cầu học 2 buổi nên buộc nhà trường phải hợp đồng với lao động cấp dưỡng. Thế nhưng hiện nay chưa có quy định nào hướng dẫn để nhà trường hợp đồng lao động với đối tượng cấp dưỡng cho dù ở hình thức xã hội hóa.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đốp Lê Đình Coóng cho biết thêm, trong điều kiện hiện nay, nếu trường nào tự ý thu tiền cấp dưỡng thì rất dễ xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp. Do vậy, để tạo điều kiện cho các trường cấp mầm non và tiểu học duy trì lớp bán trú cần sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất chế độ thu, chi lớp bán trú của cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh áp dụng thực hiện một cách đồng bộ.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
1529

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu