Thứ 6, 29/03/2024 20:38:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:27, 19/09/2014 GMT+7

Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN

Thứ 6, 19/09/2014 | 16:27:00 122 lượt xem

BPO - Thủ tướng chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính theo Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần duy trì tỷ lệ nắm giữ theo phương án sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước; về bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của 100% vốn nhà nước. Theo đó, các đối tượng được điều chỉnh bởi quyết định bao gồm:

Thứ nhất, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập bao gồm: Công ty TNHH một thành viên là công ty con của các tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - con; Công ty TNHH một thành viên độc lập. Thứ hai, các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước góp tại các DN khác. Thứ ba, người đại diện theo ủy quyền tại DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại DN khác. Thứ tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư vốn nhà nước, quản lý tài chính đối với DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quản lý phần vốn nhà nước đầu tư vào DN khác. Thứ năm, các DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động ở những lĩnh vực có đặc thù về tài chính thì việc chuyển nhượng vốn thực hiện theo quy định đặc thù đó và quy định tại Quyết định này. Thứ sáu, các công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ, các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn góp của công ty mẹ, công ty TNHH một thành viên độc lập quy định tại Khoản 1 Điều này vận dụng quy định tại quyết định này để thực hiện thoái các khoản vốn đầu tư ra ngoài DN.

Việc thoái vốn của DN được thực hiện theo nguyên tắc chung là chủ sở hữu vốn nhà nước theo phân cấp quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP thực hiện thoái vốn (chuyển nhượng vốn) theo quy định tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quy định tại quyết định này. Việc thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán phải đảm bảo các nguyên tắc: Hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn. Việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ thực hiện sau khi bán đấu giá không thành công (không có hoặc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá) hoặc không bán hết số cổ phần, phần vốn nhà nước chào bán qua đấu giá, trừ trường hợp bán thỏa thuận các cổ phiếu đã niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom với giá bán thỏa thuận quy định. Trường hợp bán thỏa thuận không thành công thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại; Doanh nghiệp có trách nhiệm trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. Giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá công khai được xác định trên cơ sở kết quả của đơn vị có chức năng thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập bổ sung đầy đủ theo quy định.

Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, bộ quản lý ngành và UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp khác quyết định giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá. Quyết định còn nêu rõ các điều kiện cụ thể trong trường hợp thoái vốn dưới mệnh giá; thoái vốn dưới giá trị sổ sách kế toán; thoái vốn nhà nước đầu tư tại các công ty tài chính, ngân hàng thương mại

Ngoài ra, quyết định cũng quy định rõ các khoản vốn đầu tư mà SCIC tham gia mua lại. Trong đó, đối với vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi xử lý theo quy định  mà vẫn không bán được hoặc không bán hết thì doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị SCIC xem xét, thỏa thuận mua số cổ phần, phần vốn nhà nước còn lại theo mức giá không cao hơn giá khởi điểm khi bán thỏa thuận không thành công hoặc không cao hơn giá bán thỏa thuận thành công (trong trường hợp không bán hết số cổ phần, phần vốn nhà nước). Giá SCIC mua lại số cổ phần, phần vốn nhà nước phải đảm bảo không cao hơn giá trị sổ sách kế toán trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Trường hợp không thỏa thuận được với SCIC việc chuyển nhượng số cổ phần, phần vốn nhà nước thì chủ sở hữu vốn nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng chính phủ quyết định.

Đối với vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, SCIC căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc đầu tư vốn để xem xét, quyết định mua lại. Giá mua lại các khoản đầu tư này cũng theo nguyên tắc như đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng.     

HV

  • Từ khóa
37775

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu