Thứ 6, 19/04/2024 11:04:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:12, 12/09/2018 GMT+7

Bù Đăng: Phát triển nông nghiệp để tạo nguồn lực xây dựng NTM

Thứ 4, 12/09/2018 | 14:12:00 1,862 lượt xem

BP - Địa bàn rộng, số dân đông nhất tỉnh, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, xếp thứ hai sau huyện Bù Gia Mập, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, lại tiếp giáp Tây Nguyên… đó là những yếu tố bất lợi của huyện Bù Đăng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, những năm gần đây, Bù Đăng đã có sự chuyển mình ngoạn mục. Không chỉ đời sống người dân được nâng lên mà diện mạo nông thôn cũng hoàn toàn thay đổi. Đó là kết quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bù Đăng.

Về Bù Đăng những ngày này, chúng ta sẽ chứng kiến các hoạt động liên quan đến việc quy hoạch mở rộng diện tích thị trấn Đức Phong. Việc trước mắt là triển khai xây dựng tuyến đường D1 nối dài và khu dân cư mới để Đức Phong từng bước xứng tầm đô thị loại V vào năm 2020. Nhưng không chỉ khu trung tâm huyện lỵ mà các xã, kể cả vùng sâu cũng đang hằng ngày thay da đổi thịt.

Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng

Với phương châm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, huyện Bù Đăng đã tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và huy động sức dân trong đầu tư kết cấu hạ tầng. Huyện đã khai thác, sử dụng nhiều nguồn vốn để xây dựng hệ thống giao thông. Chỉ trong 2 năm 2016-2017, toàn huyện đã làm mới, cứng hóa 68,91km đường nông thôn; nâng cấp 86,4km đường sỏi đỏ với tổng kinh phí 50,03 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa trong dân là 19,34 tỷ đồng. Năm 2018, kế hoạch các xã, thị trấn đăng ký thực hiện cứng hóa thêm 33,15km đường thôn xóm với tổng kinh phí 26,29 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa trong dân là 13,14 tỷ đồng.

Ngã ba Minh Hưng, xã Minh Hưng (Bù Đăng) - một trong những điểm nút giao thông quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa bàn (ảnh minh họa) - B.L

Hiện tất cả tuyến đường liên xã cơ bản được thâm nhập nhựa; 100% thôn, ấp có đường sỏi đỏ, đường thâm nhập nhựa. So với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 70% đường huyện được nhựa hóa, thời điểm này đã đạt 44,15%. Nâng cấp đường đô thị đạt chuẩn 11,9/18,07km, đạt 65,84%. Đã có 116,9/327,7km đường xã được cứng hóa; gần 84/406,9km đường thôn, ấp được cứng hóa, đạt 20,6% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 30%). Riêng các xã về đích NTM giai đoạn 1, 2 như Minh Hưng đạt trên 70% vào năm 2016; Đức Liễu đạt trên 70% vào năm 2017; Phú Sơn phấn đấu đạt 70% trong năm 2018...

Về xây dựng đường điện chiếu sáng, từ năm 2016 đến tháng 3-2018, toàn huyện đã làm 158,14km với tổng kinh phí 7,18 tỷ đồng, hoàn toàn do nhân dân đóng góp. So với mục tiêu đề ra đến năm 2020, hệ thống đèn thắp sáng nông thôn tại các điểm dân cư tập trung được xã hội hóa đầu tư đã đạt 67,8% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 80%). Từ nhiều nguồn vốn đầu tư đường điện, đồng thời xây dựng các trạm biến áp và hệ thống điện lưới cho các xã, thị trấn nên dù có nhiều thôn, sóc ở vùng sâu, xa nhưng tỷ lệ hộ sử dụng điện ở Bù Đăng hiện đã đạt 97,35%, trong đó hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93,89%. Số hộ sử dụng các loại điện năng lượng mặt trời, tua bin nước là 3,46%. Hệ thống bưu chính - viễn thông phát triển mạnh, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân...

Đa dạng hình thức sản xuất

Hiện Bù Đăng có 104 trang trại với tổng diện tích 1.413 ha, gồm 93 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi và 4 trang trại tổng hợp. Do địa bàn có diện tích rộng, phù hợp nên số lượng trang trại trồng cây lâu năm chiếm tuyệt đối. Trong 93 trang trại trồng trọt, có 16 trang trại trồng điều, 66 trang trại trồng cao su và 11 trang trại trồng cà phê. Hằng năm, các trang trại giải quyết việc làm cho khoảng 620 lao động thường xuyên và khoảng 2.400 lao động thời vụ. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm chuyển giao, giúp người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ triển khai nhiều hình thức chuyển giao  khoa học - kỹ thuật và khuyến khích người dân áp dụng, hiện trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế rất hiệu quả, trong đó có mô hình vườn 3 tầng của ông Nguyễn Khắc Thược ở ấp 2, xã Minh Hưng. Chỉ với 4 ha, nhờ trồng gừng trong bao, trồng ca cao dưới tán điều đã mang về thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm cho gia đình.

Từ khi thực hiện xây dựng NTM, huyện Bù Đăng quan tâm phát triển mô hình kinh tế tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX). Toàn huyện hiện có 21 HTX, trong đó 19 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 2 HTX hoạt động phi nông nghiệp. Cơ quan chuyên môn của huyện đã hướng dẫn phát triển HTX có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, tạo hiệu quả cao từ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đầu tư hiệu quả bền vững. Trong năm 2018, huyện đã phát triển thêm 2 HTX nông nghiệp tại các xã Đức Liễu, Thọ Sơn và đang hướng dẫn thành lập thêm HTX ở xã Minh Hưng. Trên địa bàn huyện còn có 24 tổ hợp tác với quy mô từ 7-9 thành viên/tổ. Các tổ hợp tác được thành lập đã giúp các hộ thành viên tương trợ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm và kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh.

Tạo nguồn lực xây dựng NTM

Từ việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển các hình thức sản xuất tiên tiến và tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tăng cao hơn nhiều so với trước. Trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều trang trại, nông hộ thực hiện đầu tư thâm canh, xen canh, sử dụng giống mới năng suất, chất lượng cao. Nhiều trang trại, nông hộ thực hiện xen ghép nhiều loại cây trồng trên một đơn vị diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với độc canh một loại cây trồng. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt khoảng 4.254.108 triệu đồng/năm (năm 2008 là 557.074 triệu đồng).

Việc nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp đã làm giàu chính đáng cho nông dân, tạo nguồn thu ổn định, bền vững hơn cho địa phương và tạo điều kiện thuận lợi trong vận động nhân dân xây dựng NTM. Thời điểm này, 100% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM và công bố quy hoạch. Ngoài 2 xã đã hoàn thành xây dựng NTM là Minh Hưng, Đức Liễu, hiện Bù Đăng đã xây dựng kế hoạch đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018-2020 cho các xã: Thọ Sơn, Phú Sơn hoàn thành năm 2018, Bom Bo hoàn thành năm 2019, Nghĩa Trung hoàn thành năm 2020...

Phong trào xây dựng NTM đã phát triển rộng khắp ở Bù Đăng. Ngay cả những xã còn rất khó khăn, đạt ít tiêu chí như Đăng Hà, Đồng Nai, Đường 10, Nghĩa Bình, Phước Sơn, phong trào tình nguyện hiến đất thực hiện các công trình phúc lợi của người dân cũng rất sôi nổi. Cùng với nguồn hỗ trợ từ cấp trên, sự tự nguyện tham gia của người dân đã và đang mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn Bù Đăng, từng bước rút ngắn khoảng cách với các vùng thuận lợi trong tỉnh.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
1453

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu