Thứ 3, 23/04/2024 18:47:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:53, 28/07/2020 GMT+7

Bù Đăng dồn sức giữ vững diện tích rừng

Đức Hiến
Thứ 3, 28/07/2020 | 07:53:00 876 lượt xem
BPO - Với quyết tâm giữ vững diện tích rừng hiện còn, trong nhiệm kỳ qua, Chi bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Kết quả nhiệm kỳ 2015-2020, đơn vị đã giữ vững toàn bộ diện tích rừng hiện còn, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.

THỰC HIỆN TỐT QUY CHẾ PHỐI HỢP

Để tổ chức quản lý tốt 40.106,78 ha rừng và đất lâm nghiệp ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chi bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng đã xây dựng kế hoạch, phối với các cơ quan chức năng như hạt kiểm lâm, ban bảo vệ rừng các xã xây dựng quy chế phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Theo đó, định kỳ hằng tháng, các đơn vị phối hợp tổ chức họp bàn triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng một cách cụ thể, sát với tình hình thực tế của từng thời điểm.

Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng dập lửa tại Tiểu khu 358

Đối với xã Đồng Nai, một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện Bù Đăng, thời gian qua cấp ủy, chính quyền thường xuyên phối hợp với chủ rừng, kiểm lâm địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời chủ động phối hợp với Ban quản lý rừng tổ chức tuần tra định kỳ, đột xuất về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Qua kiểm tra, kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm, nhờ vậy mà trong những năm qua tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến rừng đều giảm hẳn so với trước.

Ông Nguyễn Thái Hà, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai, cho biết: Kể từ khi thực hiện quy chế phối hợp, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến rừng ngày một giảm, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng từng bước được nâng cao.

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH GIAO KHOÁN

Ông Lê Hùng, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, cho biết: Một trong những kết quả nổi bật nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đó là công tác giao khoán bảo vệ rừng. Việc này bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2017 đối với diện tích rừng phòng hộ tập trung, giao khoán cho 1 cộng đồng dân cư thôn 5, xã Đồng Nai và một số hộ dân ở 2 xã Đồng Nai, Phú Sơn, huyện Bù Đăng. Đến năm 2019, mô hình đã thay đổi, tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 1 cộng đồng dân cư các thôn ở xã Đồng Nai và 1 nhóm hộ gia đình các thôn của xã Phú Sơn.

Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Nguyễn Thái Hà cho rằng: Việc triển khai thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư các thôn và nhóm hộ gia đình đã huy động được nguồn lực của tập thể và cho thấy hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Trong thời gian nhận khoán bảo vệ rừng, bên nhận khoán đã quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt diện tích rừng nhận khoán, không để rừng bị phá, bị tác động, một mặt duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán, mặt khác góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Thông qua công tác giao khoán bảo vệ rừng đã góp phần tăng thu nhập cho bên nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, gắn bó với rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng.

QUYẾT TÂM GIỮ VỮNG RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP

Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng Lê Hùng cho rằng: Diện tích rừng tự nhiên hiện còn hầu hết nằm rải rác, không tập trung, trong đó phần lớn xen kẽ với đất vườn rẫy của người dân, vườn cao su của các dự án chuyển đổi rừng, một số nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, xa dân cư, đường giao thông đi lại khó khăn. Hiện trạng rừng lồ ô thuần loại, hỗn giao gỗ - lồ ô và đất trống, nhất là các trảng cỏ có thảm thực bì dễ cháy vào mùa khô, lại liền kề với rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa rụng lá, vì vậy nguy cơ cháy cao và gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới được xác định là bằng mọi biện pháp phải quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng và đất rừng hiện có, nâng cao chất lượng và giá trị của rừng.

Để làm được điều này, giải pháp trọng tâm được đơn vị đưa ra là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương và ngành chức năng của huyện Bù Đăng triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó để họ nhận ra rằng, mình là “bạn của rừng”, được hưởng những lợi ích kinh tế, môi trường sinh thái, an ninh trật tự từ việc giữ ổn định diện tích rừng tự nhiên.

  • Từ khóa
94735

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu