Thứ 3, 16/04/2024 15:58:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:28, 09/10/2015 GMT+7

GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

Cần bổ sung chỉ tiêu lạm phát

Thứ 6, 09/10/2015 | 07:28:00 1,279 lượt xem

BP - Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trình Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đưa ra 9 chỉ tiêu kinh tế quan trọng mà cả nước phải phấn đấu đạt được 5 năm tới (2016-2020), là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25-30%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4-5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40% (trang 132).

Ở đây xin giải thích thêm để bạn đọc được rõ về chỉ tiêu TFP, tức là tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (tên tiếng Anh là Total Factor Productivity và viết tắt là TFP) vào tăng trưởng GDP. Và theo nhận thức của tôi thì việc dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đề ra các chỉ tiêu trên là hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay. Do đó, tôi đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu lạm phát. Và việc cần bổ sung chỉ tiêu kiểm soát lạm phát vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là do:

Thứ nhất là xuất phát từ vai trò quan trọng của chỉ tiêu này trong hệ thống mục tiêu tổng quát. Trong hệ thống mục tiêu tổng quát của nền kinh tế thường được biểu hiện qua 5 yếu tố: Tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, môi trường được bảo vệ và cải thiện. Từ điều này cho thấy, việc kiểm soát lạm phát là một trong những chỉ tiêu quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô. Và trong bất cứ nền kinh tế nào thì mục tiêu ổn định vĩ mô luôn đứng đầu và là ưu tiên số một. Vì nếu không ổn định thì không có tăng trưởng và nếu có tăng trưởng thì cũng không cao hoặc gây ra nhiều bất ổn vĩ mô khác. Thực tế của nước ta trong những năm qua đã chứng minh, giữa lạm phát và tăng trưởng có mối quan hệ tác động với nhau. Cụ thể là tăng trưởng cao do nới lỏng tiền tệ, tài chính thì sẽ làm cho lạm phát cao; nếu kiềm chế lạm phát do thắt chặt tiền tệ, tài chính sẽ làm cho tăng trưởng chậm lại.

5 năm nữa, để có 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là việc khó đạt. Trong ảnh: Một hộ ở Sóc Ruộng (Hớn Quản) sử dụng giếng nước sạch - Ảnh: S.H

Thứ hai, một khi chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, thì khi lạm phát cao sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; khi lạm phát thấp sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh, sản xuất, hỗ trợ thị trường. Vì vậy, cần bổ sung mục tiêu “kiểm soát lạm phát” dưới dạng “CPI tăng thấp hơn hoặc không vượt quá tốc độ tăng GDP”. Và từ phân tích trên tôi đề nghị phần “Các chỉ tiêu chủ yếu” ở trang 132 được viết lại như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. TFP đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25-30%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4-5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Kiểm soát tốt lạm phát để CPI không vượt quá tốc độ tăng GDP. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%.

Cũng trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, ở phần nêu về các chỉ tiêu môi trường tại trang 132 có ghi: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80-85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44-45%. Theo nhận thức của cá nhân tôi thì đây là vấn đề bức xúc trong đời sống của nhân dân. Nhưng dự thảo báo cáo lại đưa ra các chỉ tiêu trong lĩnh vực này quá cao. Vì thực tế hiện nay cho thấy, ngay ở các khu đô thị có tốc độ phát triển nhanh, nhưng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh cũng mới chỉ đạt khoảng 90%. Do đó, 5 năm nữa để có 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là việc khó đạt. Và cũng theo dự thảo, đến năm 2020 có 80-85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý cũng là chỉ tiêu khó khả thi. Bởi ngay ở các đô thị lớn, hiện nay chất thải y tế vẫn chưa được xử lý triệt để, thậm chí có nơi còn tiêu hủy bằng các lò đốt thủ công. Từ thực tế nêu trên, tôi đề nghị các chỉ tiêu này cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, tránh tình trạng chạy theo thành tích nên hiệu quả của các chỉ tiêu này không cao, không đảm bảo chất lượng.

N.V

  • Từ khóa
14143

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu