Thứ 7, 20/04/2024 01:33:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 16:38, 29/10/2014 GMT+7

“KỲ ÁN VƯỜN MÍT”: ​

Gặp người phụ nữ muốn làm chứng cho Lê Bá Mai

Thứ 4, 29/10/2014 | 16:38:00 1,640 lượt xem

>> Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời không chính xác về “kỳ án vườn mít”

BPO - Sau thông tin của đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng, chúng tôi đã tìm về Bắc Giang để gặp bà Nguyễn Thị Hảo...

Bà Nguyễn Thị Hảo (trái) trả lời phóng viên ngày 28-10 tại Bắc Giang

Vụ án Lê Bá Mai (hay còn gọi là “kỳ án vườn mít”) làm nóng dư luận trở lại khi tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết có nhân chứng muốn đứng ra minh oan cho Lê Bá Mai.

Bà là Nguyễn Thị Hảo (56 tuổi, ngụ tại một xã thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Từ tháng 7-2014, sau khi đứng đơn gửi Viện KSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao với mong muốn được đứng ra làm nhân chứng cho Lê Bá Mai, bà Hảo đã bị đe dọa và buộc phải rời Bình Phước về quê nhà Bắc Giang tạm lánh.

10 năm từ ngày “kỳ án vườn mít” xảy ra, dù không có phải họ hàng thân thích với Lê Bá Mai nhưng cảm thấy vụ án có uẩn khúc, bà Hảo đã âm thầm mua máy ghi âm, thu thập chứng cứ, làm đơn trình bày gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao với mong muốn được đứng ra làm chứng cho Lê Bá Mai.

Tuy nhiên từ đó đến nay, những mong muốn của bà chưa một lần được hồi đáp.

Trong vụ án vườn mít, tôi thấy có nhiều điều khuất tất. Tôi muốn lánh đi một thời gian chờ xem vụ việc được giải quyết tới đâu. Tôi sẵn sàng đứng ra làm chứng, chỉ mong các cơ quan xem xét thấu đáo để không kết án oan người vô tội
 
Bà Nguyễn Thị Hảo

Những tình tiết nghi ngờ

Bà Hảo vốn là bộ đội thuộc sư đoàn 3. Sau khi phục viên, kinh tế khó khăn, bà rời quê Bắc Giang một thân một mình vào Bình Phước làm ăn từ năm 1987.

Năm 1990, bà đến cư trú tại xã An Khương, huyện Bình Long (nay là huyện Hớn Quản, Bình Phước), nơi xảy ra vụ án.

Theo bà Hảo, tối 15-11-2004 (đêm trước ngày tìm thấy thi thể em Thị Út), bà đi chơi về ngang qua cổng nhà ông Điểu Ky (bố của em Thị Hằng, người đi mót sắn chung với nạn nhân Thị Út) thì nghe tiếng người nói bằng tiếng dân tộc S’Tiêng: “Đến sáng mai cứ đổ hết cho thằng Mai, như vậy mới đuổi được ông Tuân (Dương Bá Tuân - chủ trang trại nơi Lê Bá Mai làm việc - PV) ra khỏi đất này được”.

Sau đó bà Hảo đứng nghe thêm một lúc nhưng vì có tiếng chó nhà ông Điểu Ky sủa nên bà bỏ về nhà.

Sáng hôm sau, bà Hảo đi ăn sáng thì thấy một số người dân đến nhà ông Điểu Ky và chia làm hai nhóm. Một nhóm đến vườn mì nhà ông Dương Bá Tuân để tìm gặp và đánh Lê Bá Mai vì cho rằng Mai là người chở em Thị Út đi.

Một nhóm khác do ông Điểu Ky dẫn đầu đi thẳng vào vườn mít nhà ông Tuân và sau đó tìm thấy xác Thị Út nằm trong vườn mít. Bà Hảo đi theo nhóm tìm xác này và là một trong những người đầu tiên thấy thi thể Thị Út, lúc này đã bị phân hủy.

Theo bà Hảo, khi được tìm thấy, thi thể em Thị Út nằm cạnh gốc cây mít, hiện trường xung quanh bình thường, không có cây mì nào bị bẻ gãy. Chiều cùng ngày, Công an huyện Bình Long và Công an tỉnh Bình Phước đã đến khám nghiệm hiện trường. Bà Hảo chứng kiến cảnh công an lấy cung em Thị Hằng.

Theo lời bà Hảo kể lại, Thị Hằng cho biết người chở Thị Út đi là một thanh niên, Thị Hằng không nhìn rõ được người thanh niên đó là ai vì khoảng cách từ chỗ Thị Hằng đứng mót mì đến chỗ người thanh niên đó là khoảng 100m.

Trước thời điểm thi thể em Thị Út được tìm thấy, nhiều người dân xã An Khương đã nhìn thấy một người tên N. đi vào vườn mít nhà ông Dương Bá Tuân lúc nửa đêm. Có người hỏi: “N. đi đâu đấy?” thì N. trả lời đi câu cá. Khi được hỏi: “Đi câu cá sao không mang cần câu?” thì N. im lặng.

Những tình tiết nêu trên làm bà Hảo nghi ngờ Lê Bá Mai không phải là hung thủ giết Thị Út, bà Hảo đã cung cấp thông tin cho bố mẹ Lê Bá Mai làm đơn kêu oan.

Sau khi Lê Bá Mai bị bắt giam, bà Hảo đã nhờ người mua máy ghi âm và gặp N. để hỏi: “Tại sao lại đổ tội cho Lê Bá Mai?” thì N. trả lời: “Mợ hỏi công an Sinh ấy”.

Lần thứ hai khi bà Hảo hỏi, N. đã quỳ xuống chân bà và xin: “Con lạy mợ, nếu con nói ra việc này thì cả nhà con bị giết”… Sau đó toàn bộ máy ghi âm và hai cuộn băng của bà Hảo đã bị đánh cắp.

Làm đơn trình bày, nhưng không ai trả lời

Những tình tiết trên bà Hảo đã cung cấp cho người nhà Lê Bá Mai làm đơn kêu oan nhưng không được trả lời. Năm 2013, khi đọc báo thấy tin chuẩn bị xét xử phúc thẩm lần ba vụ án của Lê Bá Mai, bà Hảo đã làm đơn gửi Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại vụ án và cho bà làm nhân chứng, tuy nhiên một lần nữa bà không nhận được trả lời.

Tháng 7-2014, bà Hảo đã viết “Đơn trình bày nhân chứng trong vụ án Lê Bá Mai” gửi đến ông Vũ Đức Khiển (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên phó viện trưởng Viện KSND tối cao) và nhờ ông Khiển chuyển đơn đến chánh án Tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị xem xét lại vụ việc.

Theo lời bà Hảo, từ sau khi gửi đơn, bà nhận được nhiều cuộc điện thoại từ một người được cho là công an (số máy 0975.788…) gọi đến đe dọa bà “coi chừng đó”. Lo sợ bị giết hại, cuối tháng 8-2014 bà Hảo phải trở về quê Bắc Giang tạm lánh một thời gian.

Gặp phóng viên tại nhà riêng ở Bắc Giang, bà Hảo cho biết bà không muốn đăng địa chỉ nhà lên báo để tránh liên lụy đến người thân. 

Sau khi nhận được đơn của bà Hảo do ông Vũ Đức Khiển gửi đến, Viện KSND tối cao đã chủ trì lập tổ công tác liên ngành gặp bà Hảo xác minh vụ việc. Ngày 15-9-2014, ông Lê Đình Tuấn - viện trưởng Viện KSND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - được Viện KSND tối cao ủy quyền ký giấy mời bà Hảo đến trụ sở UBND xã (nơi bà cư trú) để làm việc.

Buổi làm việc có đại diện Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, và tại đây bà Hảo đã trình bày lại toàn bộ nội dung vụ việc theo yêu cầu của tổ công tác.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn một tháng trôi qua bà vẫn chưa nhận được trả lời từ phía cơ quan chức năng. Trong khi đó, tại diễn đàn Quốc hội cuối tuần rồi, viện trưởng Viện KSND tối cao lại khẳng định không có tình tiết mới, không có cơ sở để xem xét lại vụ kỳ án vườn mít này.

Ngày 28-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trịnh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM, người bào chữa cho Lê Bá Mai ở các phiên tòa trước) cho biết sau bản án phúc thẩm lần ba năm 2013 kết án Lê Bá Mai, ông và luật sư Bùi Quang Nghiêm đã gửi đơn tới chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, tuy nhiên chưa nhận được trả lời từ hai cơ quan này.

Đoàn cán bộ Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Công an đã vào hiện trường

Ngày 28-10, ông Lê Bá Triệu (bố bị án Lê Bá Mai, đang chấp hành bản án tù chung thân tội hiếp dâm và giết người) cho biết cách đây chừng ba tuần (ông không nhớ rõ ngày nào), khi ông đang ở nhà thì có một đoàn cán bộ của Viện KSND tối cao,TAND tối cao và cán bộ Bộ Công an đi vào nơi ông ở (hiện ông Triệu đang làm công cho ông Dương Bá Tuân tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).

Họ nói với ông Triệu rằng đoàn cán bộ này đi xem xét lại hiện trường vụ án vườn mít. Đoàn được một người ở địa phương dẫn đi ra khu vực hiện trường và ông Triệu cũng đi theo.

Tuy nhiên theo ông Triệu, cả hiện trường vụ tìm thấy thi thể của nạn nhân Thị Út lẫn đường đi người kia đều dẫn sai sơ đồ và không đúng hiện trường của vụ án trước đây.

Vì đi theo nên ông Triệu đã nhắc nhở người chỉ đường là trước đây ông chỉ thế nào thì bây giờ nên chỉ thế ấy.

Sau khi đoàn ra hiện trường xong thì trở lại nhà ông Triệu uống nước. Theo ông Triệu, hai cán bộ Viện KSND tối cao hỏi ông về việc tại sao lại biết bà Hảo nhân chứng.

Ông Triệu trả lời rằng trước đây ông không biết, nhưng sau khi vụ án xảy ra ông có vào trang trại của ông Tuân và một hôm gặp bà Hảo đi làm công chung với những người phụ nữ khác.

Sau khi biết ông Triệu là bố của Mai, bà Hảo nói biết Mai bị oan nhưng không biết làm thế nào được. Đến khi Mai được tha thì nhiều người ở đây nói với ông Triệu rằng Mai bị oan. Vậy nên ông càng có niềm tin để đi kêu oan cho con.

Theo ông Triệu, nhiều lần vào trại giam gặp Lê Bá Mai, Mai khẳng định đã làm đơn kêu oan gửi đến các cơ quan tố tụng từ ngày 5-9-2013. Ông Triệu cũng cho biết đầu năm 2014, gia đình ông đã ra Hà Nội gửi đơn kêu oan cho con.

Hiện nay, ông Triệu nhận thêm được sự trợ giúp của một luật sư ở Hà Nội cùng một số chuyên gia pháp luật, nguyên đại biểu Quốc hội.

TS VŨ ĐỨC KHIỂN (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Việc kháng nghị có thể diễn ra bất cứ lúc nào

Sáng nay (tức ngày 28-10), tôi đã đọc báo phản ánh chuyện đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu ý kiến về vụ án Lê Bá Mai và phần trả lời của Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Tôi nghĩ khi trả lời đại biểu Quốc hội như vậy, ông viện trưởng đã không nhớ hết các quy định của pháp luật.

Tôi xin dẫn lại điều 274 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm” nêu rõ: “Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị quy định tại điều 275 của bộ luật này.

Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, viện kiểm sát, tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị quy định tại điều 275 của bộ luật này”.

Như vậy, nếu nói rằng do Lê Bá Mai không có đơn kêu oan nữa nên không xem xét là không đúng. Nếu người ta bị oan nhưng đang phải ngồi tù thì trong hoàn cảnh ấy điều kiện viết đơn là rất khó khăn, đâu phải ai cũng được tạo điều kiện để viết, giấy bút đâu để người ta viết?

Hơn nữa, trong trường hợp này, tôi được biết bố của Lê Bá Mai và hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho Mai ra Hà Nội liên tục và đã gửi đơn kêu oan.

Điều 278 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” viết rõ: “1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.

Như vậy, việc kháng nghị có thể diễn ra bất cứ lúc nào, ngay cả khi người ta đã chết cơ mà. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng có đề cập chi tiết bà Hảo có đơn về vụ việc này, cá nhân tôi cũng nhận được đơn của bà.

Chúng tôi sẵn sàng ra đối thoại với viện trưởng Viện KSND tối cao, chánh án TAND tối cao hoặc người có trách nhiệm để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án này. 

Ông Nguyễn Văn Thuân (phó chánh án TAND tối cao):

Có tình tiết mới thì viện kiểm sát kháng nghị

Theo quy định tại điều 291, 292, 293 Bộ luật tố tụng hình sự, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát sinh những tình tiết mới như lời khai của người làm chứng, kết luận giám định có những điểm không đúng sự thật và người phát hiện tình tiết mới này có thể báo cho tòa án hoặc viện KSND có thẩm quyền.

Sau đó viện kiểm sát sẽ xem xét tình tiết này có phải là tình tiết mới hay không, nếu đúng là tình tiết mới của vụ án thì viện KSND có thẩm quyền (cụ thể trong vụ án vườn mít là Viện KSND tối cao) sẽ xem xét để thực hiện thủ tục kháng nghị và chuyển hồ sơ cho TAND tối cao để TAND tối cao thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục tái thẩm. Tuy nhiên, trong vụ án vườn mít, vụ việc đang thuộc thẩm quyền của TAND tối cao.

Nguồn TTO
  • Từ khóa
25789

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu