Thứ 5, 28/03/2024 21:10:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 17:27, 02/11/2016 GMT+7

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị bỏ hạn điền

Nguồn SGGP
Thứ 4, 02/11/2016 | 17:27:00 230 lượt xem
BPO - Từ sáng 2-11, Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường về tái cơ cấu kinh tế, kế hoạch kinh tế xã hội năm 2017.

Đến đầu giờ chiều, đã có 29 đại biểu phát biểu đề cập đến vấn đề tái cơ cấu nền nông nghiệp. Tại diễn đàn Quốc hội chiều 2-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đăng đàn giải trình các ý kiến của ĐBQH.

Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông nghiệp lớn của thế giới.

Tuy nhiên, đa phần đời sống của bà con nông dân vẫn khó khăn, vẫn chủ yếu là nền sản xuất nhỏ lẻ. Sau 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, nền nông nghiệp đã có nhiều chuyển hướng tích cực. Đơn cử, về giống Việt Nam cơ bản đã làm chủ. Đã dần hình thành một số chuỗi sản xuất giá trị cao như tôm, cá tra...; Sản xuất sữa liên tục tăng trưởng 2 con số  trong những năm qua; Một số ngành đã tiệm cận được thế giới; Đã có một số tập đoàn lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp…

Nhưng nền nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, điển hình nhất là sức cạnh tranh chưa tốt, chưa bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuỗi giá trị sản xuất chưa cao. Thị trường còn thiếu ổn định, nhiều rủi ro. Một số thị trường tiêu thụ chính của nông nghiệp Việt Nam lại chỉ là thị trường tiểu ngạch. Nhân tố chủ chốt trong sản xuất hàng hóa lớn còn ít, mới chỉ có 9.000 doanh nghiệp và 12.000 hợp tác xã nông nghiệp.


Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông nghiệp lớn của thế giới. Trong ảnh: Nông dân An Giang thu hoạch lúa. 

Theo Bộ trưởng nguyên nhân của việc này là do nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp chưa đồng đều từ trên xuống, đầu tư cho nông nghiệp chưa nhiều, 5 năm Nghị quyết  đề ra là đầu tư cho nông nghiệp tăng ít nhất 2  lần nhưng chỉ mới đầu tư khoảng 1,8 lần; cơ chế cũng chưa hoàn thiện...

Giải pháp để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, đầu tiên là phải xác định sản phẩm chủ lực. Bộ đã xác định khoảng 10 sản phẩm để tập trung đầu tư, bảo đảm xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như tôm, rau quả, trái cây... Cùng với đó xây dựng các sản phẩm của tỉnh, ví dụ như vải Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên... (năm 2016 thu từ cây vải Bắc Giang 5.000 tỷ đồng). Theo đó, sẽ tập trung đầu tư tạo phát triển rõ rệt cho các sản phẩm chủ lực.

Cùng với đó, giải quyết các nút thắt để phát triển nông nghiệp, mà nút thắt đầu tiên là về đất đai, đó là tạo cơ chế để tích tụ sản xuất hàng hóa lớn. “Thực tiễn chứng minh, ở đâu nông dân tích tụ từ vài chục ha trở lên thì sẽ có sản phẩm tốt để xuất khẩu. Vấn đề bức thiết nhất của doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay chính là tích tụ sản xuất để sản xuất hàng hóa lớn”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Do đó, Bộ trưởng kiến nghị bỏ chính sách về hạn điền. “Không nên sợ tích tụ đất đai. Thực tế, nông dân, doanh nghiệp họ tính toán tích tụ phù hợp với năng lực quản trị, nên không sợ tích tụ lớn quá. Cũng không nên lo tích tụ đất thì nông dân sẽ mất đất sản xuất, mà thực tế nông dân có cơ hội để trở thành công nhân nông nghiệp, thu nhập ổn định. Quốc hội cần tính toán để bảo đảm cho việc sản xuất hàng hóa lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, phải sửa Nghị định để làm sao thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy phát triển hợp tác xã. Có chính sách cho những vùng tổn thương, để làm sao nông dân không bị khó khăn, ví dụ có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa.

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, nên có một gói cho tái cơ cấu nông nghiệp, rót thẳng xuống cho các địa phương để họ chủ động tái cơ cấu nông nghiệp.

  • Từ khóa
39670

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu