Thứ 6, 29/03/2024 14:47:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:57, 02/05/2012 GMT+7

Bỏ phiếu tín nhiệm - sẽ không còn tư duy nhiệm kỳ

Thứ 4, 02/05/2012 | 09:57:00 2,135 lượt xem

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17-6-2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2003. Tại Điều 13 của luật này có quy định:

Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo quy định sau đây: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm (20%) tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;... Trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người đó.

Luật quy định là vậy, song đã gần 9 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực nhưng quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Nguyên nhân chính là vì luật quy định cụ thể nhưng chưa rõ ràng và đối tượng thuộc diện Quốc hội bầu và phê chuẩn rất nhiều, nên khó thực hiện. Cụ thể là mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội có tới 500 đại biểu, mà đại biểu là người thuộc diện Quốc hội phê chuẩn (vì Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu cử, tức là phê chuẩn chức danh đại biểu của mình). Hơn nữa, việc có được 20% trong tổng số đại biểu kiến nghị là điều vô cùng khó. Trong khi đó không ai dám đứng ra vận động. Do đó, quy định trên đây trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn đứng ngoài cuộc sống.

Để khắc phục hạn chế trên và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4), theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, tại phiên họp lần thứ 6 diễn ra ngày 23-3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra thảo luận đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Một trong những nội dung đáng chú ý trong buổi thảo luận này là đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, hằng năm tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu rõ: Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác...

Cùng với những quy định cụ thể trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Đảng ta đã có chủ trương thực hiện việc đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ và đã cụ thể hóa chủ trương này bằng Nghị quyết Trung ương 4. Như vậy, sắp tới không chỉ có các chức danh: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, mà tất cả cán bộ quản lý các cấp đều được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm “kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác...”. Và như vậy, tư duy ỷ vào nhiệm kỳ sẽ không còn tồn tại.

Tuy nhiên, để việc thực hiện những quy định trên đạt hiệu quả cao, trước hết trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng cần xây dựng quy chế với những quy định cụ thể về quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm. Đồng thời, kiên quyết loại trừ những hành vi lợi dụng dân chủ trong việc bỏ phiếu tín nhiệm để lôi kéo bè phái và gây mất đoàn kết nội bộ.

Diệp Viên

  • Từ khóa
1232

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu