Thứ 5, 25/04/2024 11:04:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:29, 05/10/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Bình Phước - khát vọng phồn vinh

Thứ 2, 05/10/2020 | 09:29:00 332 lượt xem

❒ Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

BPO - Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Phước được tái lập và đi vào hoạt động theo nghị quyết ngày 6-11-1996 của Quốc hội. Khi mới tái lập, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sau hơn 23 năm phấn đấu, với khát vọng vươn lên bằng sự nỗ lực và quyết tâm mãnh liệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đây chính là tiền đề, là động lực to lớn để Bình Phước vững tin thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nỗ lực vượt qua chính mình

Năm đầu tiên sau ngày tái lập, tổng thu ngân sách của cả tỉnh chỉ đạt 150 tỷ đồng. Khi đó, nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông - lâm nghiệp và chiếm tỷ trọng hơn 70%; công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhỏ bé và manh mún. Cả tỉnh lúc đó duy nhất có 1 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến tinh bột khoai mì, với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD. Các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đã thấp kém lại thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa chưa ngang tầm nhiệm vụ, lại phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có tới 20% nhưng trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Mặc dù khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng sau gần một phần tư thế kỷ, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của Bình Phước đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của tỉnh đạt 7,25% (tăng 0,12% so với nhiệm kỳ trước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 40,5%; thương mại - dịch vụ chiếm 37,6%; nông - lâm - thủy sản chiếm 21,9%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 67,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD), gấp 1,54 lần so với năm 2015. Thu ngân sách năm 2020 ước đạt trên 10.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng đoàn công tác kiểm tra tại Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cao cấp và trạm ấp trứng gà giống Dabaco Bình Phước - Ảnh: Xuân Túc

Điều đáng khích lệ là các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chuyển biến theo chiều sâu. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao, chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hiện đại; mô hình liên kết chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao đang được hình thành; kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp, đô thị được quan tâm đầu tư và từng bước phát huy vai trò mũi nhọn trong quá trình phát triển; sản phẩm công nghiệp khá đa dạng. Các lĩnh vực xã hội đều có chuyển biến, đời sống nhân dân được nâng lên, diện mạo của tỉnh từ đô thị đến nông thôn thay đổi tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng - an ninh và công tác đối ngoại được tăng cường. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,56%, giảm 3,6% so với đầu nhiệm kỳ, thấp hơn trung bình cả nước (cả nước còn khoảng 4%).

Tuy nhiên, sự phát triển của tỉnh trong những năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số ngành và lĩnh vực vẫn còn hạn chế; công tác quản lý vẫn còn những bất cập. Nguyên nhân khách quan là do xuất phát điểm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh thấp; nguyên nhân chủ quan là việc hoạch định và thực thi chiến lược, chính sách phát triển còn những mặt hạn chế nên chưa khai thác được tối đa hiệu quả tiềm năng và những thế mạnh của tỉnh.

Bứt phá từ tư duy chiến lược

Giải pháp hữu hiệu nào cho việc khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên để Bình Phước phát triển nhanh, bền vững, luôn là trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh, là khát vọng của nhân dân Bình Phước. Xuất phát từ tư duy đó, cùng với quyết tâm cao trong việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 15-9-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”. Đây là kết quả từ sự phối hợp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với nhóm chuyên gia của Đại học Fulbright Việt Nam, gồm những nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn trong lĩnh vực chính sách công để thực hiện “Báo cáo tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”; đảm bảo cho nghị quyết có tính thực tiễn và khả thi cao; đồng thời, tạo ra đột phá mạnh mẽ trong các lĩnh vực.

Nghị quyết số 13-NQ/TU là bước chuẩn bị mang tính chiến lược cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Điểm đột phá trong Nghị quyết số 13-NQ/TU là quan điểm chuyển Bình Phước từ vị trí “dự trữ phát triển” thành một “động lực tăng trưởng và phát triển” cho cả vùng bằng công nghiệp hóa và đô thị hóa, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tham gia các chuỗi giá trị và cụm ngành của cả vùng. Báo cáo cũng chỉ rõ hướng phát triển bền vững của tỉnh bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với các chính sách an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh; ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, các trung tâm đô thị và hành lang phát triển tạo ra nhiều của cải cho tỉnh; đồng thời, tăng cường tình hữu nghị với các địa phương giáp biên giới của Campuchia. Cụ thể, 3 vùng đô thị có sức lan tỏa mạnh là thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long; 3 trung tâm động lực là thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành và huyện Đồng Phú; 3 hành lang phát triển là quốc lộ 13, quốc lộ 14 và đường tỉnh 741.

Nghị quyết số 13-NQ/TU cũng đưa ra đề xuất về các cụm ngành chiến lược. Theo đó, ngành điều sẽ duy trì hoặc giảm diện tích hiện nay; nâng cao chất lượng hạt điều, khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác; đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá. Ngành cao su và chế biến gỗ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến sâu các sản phẩm từ mủ cao su và gỗ cao su; tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị; chuyển đổi một số diện tích cao su hiện tại sang các mục đích sử dụng có giá trị cao hơn.

Về huy động và phân bổ nguồn lực, Nghị quyết số 13-NQ/TU đưa ra giải pháp huy động mọi nguồn lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để phát triển tỉnh Bình Phước. Phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả, hợp lý, ưu tiên cho xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển, tiết kiệm chi tiêu công. Đồng thời, tỉnh cần có giải pháp để những người được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị từ đất đóng góp vào việc xây dựng hạ tầng và các nhu cầu chi tiêu chung khác; tránh tình trạng Nhà nước vừa phải xây dựng hạ tầng, vừa phải giải phóng mặt bằng, trong khi những người được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị này không có đóng góp phù hợp tương ứng.

Ưu tiên vốn ngân sách để triển khai các công trình giao thông trọng điểm. Phối hợp với Trung ương để thực hiện các dự án giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như: Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Đắk Nông, dự án đường sắt Hoa Lư - Dĩ An - Cái Mép; dự án quốc lộ 14C kết nối Đắk Nông với Bình Phước qua Tây Ninh và các tỉnh Tây Nam bộ. Phối hợp với tỉnh Đồng Nai xây dựng cầu Mã Đà, kết nối giữa Bình Phước với Đồng Nai và Sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Vũng Tàu; mở hướng thuận lợi cho liên kết phát triển công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Tập trung đầu tư có trọng tâm các trục đường song song, trục kết nối với các tuyến đường ĐT741, quốc lộ 13, quốc lộ 14; các tuyến đường tránh qua nội ô của các đô thị tạo không gian thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tiếp tục triển khai xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương; nâng cấp các tuyến đường liên xã và đường chuyên dùng, phấn đấu nâng tỷ lệ nhựa hóa lên 50% (hiện nay là 25,4%) để kết nối giữa các vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ. Ưu tiên 2 địa bàn trọng điểm là Chơn Thành và Đồng Phú. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng ngoài khu công nghiệp, hạ tầng đô thị; hệ thống cảng IDC.

Về định hướng chính sách an sinh xã hội, Nghị quyết số 13-NQ/TU đã định hướng cơ chế huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia vào các chính sách an sinh xã hội như một phần trách nhiệm của mình. Giao cán bộ, đảng viên có khả năng phụ trách 1 hộ nghèo tại địa phương. Đồng thời, tiến tới dùng toàn bộ nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho các chính sách an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng đến mục tiêu cải thiện phúc lợi cho người dân.

Biến khát vọng thành hiện thực

Trên cơ sở “Báo cáo tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng các chỉ tiêu chính của tỉnh giai đoạn 2021-2025, như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9-10%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng, tương đương 4.500 USD. Thu ngân sách đạt 18-18,5 ngàn tỷ đồng vào năm 2025. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD. Thành lập mới 6.000 doanh nghiệp và 150 hợp tác xã. Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Duy trì mức sinh thay thế, tăng nhanh dân số cơ học để có tổng mức tỷ lệ tăng dân số hằng năm từ 2-2,5%. Tạo 200 ngàn việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3%. Mỗi năm giảm khoảng 2.000-2.500 hộ nghèo...

Để có thể đạt được những mục tiêu mang tính đột phá nêu trên, Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy đã xác định cần phải tạo dựng 3 nhân tố trọng yếu:

Thứ nhất là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu có tinh thần sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy cho cấp dưới hành động quyết liệt, sáng tạo, dấn thân vì lợi ích chung. Người đứng đầu phải có nhận thức đúng và làm tốt 5 vai trò chủ chốt: người truyền cảm hứng; người khai tâm; người điều hòa; người thủ lĩnh; người kèm cặp. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài, cán bộ giỏi chuyên môn, tâm huyết vì công việc và lợi ích chung.

Thứ hai là xây dựng và củng cố 3 điều kiện then chốt gồm: Nội bộ đoàn kết, nhất trí và đồng lòng; được sự ủng hộ của Trung ương; được sự tham gia đồng hành của người dân và doanh nghiệp với sự ủng hộ của dư luận.

Thứ ba là phát triển doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và những đối tác có lợi ích dài hạn để phát triển tỉnh Bình Phước thông qua việc tạo ra nhiều giá trị kinh tế gắn với việc làm và nguồn thu ngân sách địa phương.

Điểm bứt phá về tư duy chiến lược trong Nghị quyết số 13-NQ/TU là phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, giải pháp quan trọng nhất là phải tạo dựng, tập trung thu hút được 3 đối tượng cốt lõi, gồm: doanh nghiệp, người giỏi và người giàu. Đồng thời, để triển khai, đưa nội dung nghị quyết nêu trên vào cuộc sống, tỉnh đã định hướng xây dựng chương trình hành động theo 8 nhóm, gồm: Chiến lược và đổi mới; Ngân sách và phát triển hạ tầng; Phát triển nông nghiệp; Phát triển công nghiệp; Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực; An sinh xã hội và giảm nghèo; Phát triển giáo dục, y tế và du lịch.

Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các ngành, các cấp phải nghiêm túc và gương mẫu thực hiện kỷ luật, kỷ cương, biến lời nói thành hành động, tạo sự bứt phá trong tư duy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhằm khai thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Với tinh thần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, bằng truyền thống anh hùng của quê hương và bản lĩnh, trí tuệ của con người Bình Phước, nhất định chúng ta sẽ thành công!

  • Từ khóa
35344

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu