Thứ 6, 29/03/2024 15:08:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:55, 29/11/2015 GMT+7

“Bị hại” chứ không phải “người bị hại”

Chủ nhật, 29/11/2015 | 06:55:00 5,757 lượt xem

BPO - Tại Khoản 1 và 3, Điều 51 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành là những nội dung quy định về người bị hại, với nội dung như sau: Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra... Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Và tại Khoản 1, 2, của Điều 52 quy định về nguyên đơn dân sự có nội dung như sau: Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền: Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Được thông báo về kết quả điều tra; Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của bộ luật này; đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về phần bồi thường thiệt hại.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì với cách quy định như trên, hiện tất cả hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân các cấp đều hiểu quy định này theo nghĩa rằng “người bị hại” chỉ là cá nhân, thể nhân. Có nghĩa là, người bị hại là một con người cụ thể chứ không thể nào là cơ quan hay tổ chức được. Và trong thực tế cho thấy, điểm duy nhất để phân biệt hai chủ thể tham gia tố tụng nêu trên là việc một bên muốn được tham gia tố tụng thì buộc phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (nguyên đơn dân sự), còn bị hại thì đương nhiên được đưa vào mà không cần bất cứ một văn bản hay đề nghị nào. Trong khi đó, nếu một pháp nhân bị thiệt hại trực tiếp về tài sản do hành vi phạm tội của một chủ thể gây ra thì giải quyết như thế nào và căn cứ vào quy định nào của pháp luật? Và trong thực tế cuộc sống đã xảy việc người trực tiếp bị thiệt hại về vật chất, tài sản là pháp nhân.

Thế nhưng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành nên hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng lại đưa pháp nhân đó vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách “nguyên đơn dân sự”, mà đáng lẽ ra theo khoa học pháp lý và đối chiếu với quy định tại Điều 51 thì thấy pháp nhân đó phải là người bị hại chứ không thể là nguyên đơn dân sự. Vì nếu đưa pháp nhân đó với vai trò tố tụng là nguyên đơn dân sự thì buộc lòng pháp nhân đó phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mà trong trường hợp này, pháp nhân bị thiệt hại trực tiếp đó đương nhiên phải là một bị hại trong vụ án này, nên cơ quan tố tụng hình sự vẫn phải đưa họ vào tham gia tố tụng mà không cần phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của họ. Và nên nếu cứ ép buộc pháp nhân, tổ chức vào vụ án với vai trò nguyên đơn dân sự và buộc họ phải viết đơn yêu cầu bồi thường, thì quả là quá khiên cưỡng và vô cùng vô lý.  Nói cách khác, chính vì chúng ta sử dụng cụm danh từ “người bị hại”, nên đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rằng đó phải là một người cụ thể, phải là cá nhân chứ không thể là cơ quan, tổ chức, từ đó dẫn đến nó mặc nhiên được áp dụng thành thông lệ. Trong khi đó, danh từ “người” trong các văn bản pháp luật phải là “con người pháp lý”, cũng như trong Bộ luật Dân sự đã quy định “người trong bộ luật phải được hiểu bao gồm cả thể nhân và pháp nhân, tổ chức”.

Hơn nữa, các quyền của người bị hại được quy định trong các văn bản pháp luật rộng hơn so với nguyên đơn dân sự. Ví dụ như theo quy định tại Điểm e, Khoản 2 của Điều 51 thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền: Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo. Và theo Điều 231 thì người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, còn theo Điểm g, khoản 2 của Điều 52 trong Bộ luật Tố tụng hình sự thì nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại, không có quyền kháng cáo về tội danh, hình phạt… Và như vậy là không hợp lý và cần phải được sửa đổi, bổ sung quy định này. Và tôi đề xuất trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi không dùng cụm từ “người bị hại” như hiện nay, mà dùng cụm từ “bị hại” để không còn kẽ hở cho việc áp dụng sai lệch các văn bản pháp luật.

NV

 

  • Từ khóa
14496

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu