Thứ 3, 23/04/2024 15:00:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:17, 15/05/2013 GMT+7

“Sống chung cùng giới”: Sẽ được pháp luật công nhận?

Thứ 4, 15/05/2013 | 10:17:00 393 lượt xem


Các thành viên nhóm đồng giới MSM trong Đêm thi chung kết người đẹp truyền thông miền Bắc phòng chống HIV/AIDS cuối năm 2009

Có tới 87,5% số người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi tắt là LGBT) ở Việt Nam thuộc nhóm những người trong độ tuổi kết hôn và hiện đang trong một mối quan hệ sống chung cùng giới cho biết, họ quyết định “góp gạo” để hỗ trợ nhau về tinh thần, tình cảm và tạo cảm giác cuộc sống an toàn.

Đó là kết quả đưa ra từ nghiên cứu “Sống chung cùng giới” lần đầu tiên ở Việt Nam đối với hơn 2.500 LGBT (điều tra trực tuyến 2.483 người và phỏng vấn sâu 20 cặp đôi) trong độ tuổi trung bình từ 20,5-31 của của nhóm các tác giả thuộc Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế vừa công bố sáng 14-5, tại Hà Nội.

52% LGBT ly hôn sau lầm lỡ...

Các đối tượng nghiên cứu của dự án nói trên sống chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 17% hiện đang sống ở ngoại thành và 6,3% ở nông thôn.

Tiến sỹ Nguyễn Thu Nam, Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Y tế cho biết, nhiều LGBT sau khi cố nhắm mắt bước chân vào hôn nhân dị tính đã phải ly dị, có tới 52% cặp đôi đi đến kết cục buồn này.

Trong đó, hơn một nửa trường hợp ly dị vì cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, 17% vì vợ hoặc chồng của họ không chấp nhận việc họ là LGBT, 21% do gia đình không chấp nhận việc đó và ngoài ra còn vì những lý do khác.

Như trường hợp của Hương (30 tuổi) hiện đang sống ở thành phố mang tên Bác đã từng lấy chồng và có con. Không thể có cuộc sống hạnh phúc bình thường với người chồng nhưng cũng phải sau nhiều năm đấu tranh tư tưởng cũng như chịu nhiều điều tiếng, dèm pha cuối cùng cô mới dám công khai xu hướng tính dục và quyết định vào Nam làm lại cuộc đời.

Không chỉ phải vượt qua kỳ thị xã hội mà Hương còn phải đối diện với nỗi khổ tâm, day dứt của cả gia đình và đó mới là điều khiến cô đau khổ. Trải qua tất cả, khi đến với miền đất mới cô may mắn khi vừa có được tình yêu với Yến (31 tuổi) vừa được quyền nuôi chính con đẻ của mình.

Nhưng bản thân Hương cũng thừa nhận rằng, ở ngay khu chung cư nơi hai người đang sống mọi người xung quanh chỉ biết được mối quan hệ của họ như những người chị em mà thôi. Vì điều đó xét cho cùng đến thời điểm này vẫn đảm bảo an toàn cho cả hai.

Theo kết quả nghiên cứu “Sống chung cùng giới” mà bà Thu Nam đưa ra, khi quyết định về ở với nhau các cặp đôi đều có quan niệm rất rõ ràng về sự gắn bó lâu dài và đều thể hiện mong muốn giữ gìn mối quan hệ này.

Với họ, tình yêu là điều kiện và nền tảng cho mối quan hệ đồng thời sự chung thủy ở nhóm LGBT nữ phản ánh nhiều ở khía cạnh tình cảm hơn là tình dục ở nhóm nam giới.

“Mặc dù khả năng tự chủ, tự quyết cao nhưng hầu hết các cặp đôi khi đã quyết định về chung sống với nhau thì đó đều không phải là quyết định chóng vánh,” bà Thu Nam nói.

Hôn nhân đồng giới sắp được thừa nhận?

Cũng như các đôi dị tính, các cặp LGBT cũng chia sẻ, nhường nhịn và phải tự thay đổi để bản thân hòa hợp với cuộc sống chung. Đặc biệt, trong mối quan hệ kinh tế có tới 48,5% cho biết họ độc lập, hai bên không phụ thuộc về tài chính; 44% cùng góp thu nhập để chi tiêu chung hoặc phân chia mức chi trả các loại phí khá rõ ràng.

Chỉ có hơn 7% thừa nhận hình thức một người đóng vai trò kinh tế trụ cột, chu cấp tài chính cho người còn lại...

Với các cặp đôi được phỏng vấn sâu trong nghiên cứu, chưa ai trong số đó phải trải nghiệm các tranh chấp tài sản “của anh của tôi” do họ luôn đặt giá trị tình cảm lên hàng đầu.

Đến nay, một “bài toán” vẫn chưa có lời giải với những người đồng tính, song tính và chuyển giới đã “lộ diện” với gia đình và xã hội là có tới 61% người được hỏi trong độ tuổi kết hôn mong muốn có con để gắn kết hơn cuộc sống lứa đôi.

Vì họ tự tin để nuôi dưỡng và giáo dục con tốt cũng như muốn chứng tỏ trách nhiệm của bản thân với gia đình...

Trong khi đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới chứ chưa nói đến việc một gia đình mà có tới hai người “mẹ” hoặc cả hai đều là “cha” được quyền nhận con nuôi.

Thậm chí, thực tế trong xã hội ở nhiều nơi, nhiều người vẫn còn định kiến với cộng đồng LGBT chứ chưa hẳn đã cởi mở và thật sự cảm thông.

Vì thế, theo một đại biểu đến từ Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đề xuất, để thay đổi nhận thức và thái độ của thế hệ tương lai đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới nên có sự vào cuộc và đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa vấn đề này vào chương trình giảng dạy cũng như tận dụng công tác đoàn, hoạt động đoàn thanh niên để tuyên truyền.

Trước đó, ngày 10-5 vừa qua cũng tại Hà Nội, hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới: Những quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” với sự tham gia của đông đảo đại biểu Quốc hội.

Sự kiện được đánh giá là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia khoa học thảo luận, đề xuất các vấn đề lập pháp nhằm sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến việc bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT ở Việt Nam. Vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo trước kỳ họp thứ  5 Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra.

Nhận được sự cảm thông và đồng cảm từ phía nhiều đại biểu Quốc hội và các nhà nghiên cứu... cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới trong nước đang có nhiều cơ hội được nhận chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa bước vào cộng đồng với quyền và nghĩa vụ được công nhận từ pháp luật.

(Theo TTXVN)

  • Từ khóa
45002

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu