Thứ 6, 29/03/2024 00:45:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:38, 15/09/2020 GMT+7

Bảo vệ an ninh mạng trong quân đội hiện nay - Bài 1

Thanh Quang
Thứ 3, 15/09/2020 | 10:38:00 2,913 lượt xem
BPO - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ thì bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ rất quan trọng, có tầm chiến lược. Phòng, chống tấn công mạng, tội phạm mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam, mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

LỰC LƯỢNG NÒNG CỐT BẢO ĐẢM AN NINH MẠNG

Quân đội và an ninh mạng

Luật An ninh mạng năm 2018 có nêu rõ: An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân giữ vai trò nòng cốt trong bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Đối với quân đội, Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý việc cung cấp và sử dụng dịch vụ internet theo các quy định pháp luật về lĩnh vực hoạt động internet. Thực hiện trên các cơ sở đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phổ cập internet và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh thông tin, bảo đảm bí mật quốc phòng, an ninh quốc gia và an toàn cho các hệ thống thông tin do quân đội quản lý trên internet. 

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, quân đội đã sớm xác định nhiệm vụ phải huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ an ninh mạng trong quân đội; đấu tranh hiệu quả với âm mưu, hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quân đội và lợi ích hợp pháp của cơ quan, đơn vị, quân nhân. Đồng thời bảo vệ toàn diện các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát triển mạng quân sự, có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tự sản xuất các trang thiết bị, giải pháp bảo vệ an ninh mạng của quân đội.

Sự chống phá của các thế lực thù địch 

Tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động đang triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh, quốc gia, tuyên truyền chống phá chế độ, kích động biểu tình bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” đối với nước ta.

Chúng không ngừng đẩy mạnh chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; triệt để lợi dụng những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, môi trường, dân sinh; các sự kiện, vụ việc, các vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên... để tuyên truyền, kích động chia rẽ nội bộ; kiên trì thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.

Thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nham hiểm và khó nhận biết hơn. Chúng tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông và internet, phát triển thêm nhiều trang mạng xã hội và blog, khai thác tối đa các dịch vụ tán phát trực tuyến trên mạng xã hội; chủ động chuẩn bị và liên kết lực lượng chặt chẽ, sẵn sàng tạo ra “điểm nóng” khi chính quyền can thiệp bằng biện pháp mạnh.

Rất có thể diễn ra cùng lúc có một số “điểm nóng” và có sự liên kết với nhau do các thế lực, tổ chức thực hiện. Chúng tiếp tục sử dụng các dạng “thư ngỏ”, “tâm thư”, “thơ ca”, “hiến kế”, “bình luận” với ngôn từ, lời lẽ ngụy tạo “tiến bộ, nhân văn”, “vì dân, vì nước”, “chống độc tài”, “toàn trị”... để đưa ra định hướng, đòi hỏi một “đường lối mới”, một “hiến pháp mới” thay cho đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Chúng kết nối, phát tán dày đặc thông tin xấu, độc trước, trong, sau các sự kiện chính trị, nhất là thời điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; triệt để khai thác thông tin “lề trái” từ những lực lượng đối lập, các tổ chức phản động quốc tế; xuyên tạc, bịa đặt, trộn lẫn thật - giả, bình luận theo chiều hướng có vẻ là tích cực nhưng thực chất là nhằm lôi kéo dư luận và nhân dân đòi truy cứu trách nhiệm đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các lực lượng chức năng. Đối với quân đội, chúng sẽ tiếp tục khoét sâu vấn đề đất quốc phòng, chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất, làm kinh tế và xử lý các vấn đề trên biển Đông có liên quan đến Trung Quốc để xuyên tạc, kích động làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cùng với đó, chúng còn kết nối, liên thông với các nhóm cơ hội về chính trị, các tổ chức “hội”, “đoàn”, nhóm phản động trong và ngoài nước; hoạt động của nhóm câu lạc bộ “học tập và làm theo Hồ Chí Minh”; một số hội, nhóm “Cờ đỏ”; tận dụng triệt để mạng internet, các đài phát thanh, truyền hình quốc tế (BBC, RTA, RFI, VOA) phát tán các tin, bài viết, tài liệu có nội dung chống đối, xuyên tạc trong các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh hoạt động của website “diễn đàn xã hội dân sự”, phong trào “bảo vệ môi trường”, “tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam”, “chống cộng sản”… Từ nay tới khi chúng ta tiến hành Đại hội XIII của Đảng, sự chống phá của các thế lực thù địch sẽ có chiều hướng gia tăng.

Vậy trước nguy cơ đó, quân đội phải làm gì để bảo vệ an ninh mạng và an toàn thông tin trong cơ quan, đơn vị? Mời độc giả đón đọc bài cuối: Thực trạng và trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng.

  • Từ khóa
2940

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu