Thứ 6, 29/03/2024 16:36:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:04, 29/05/2019 GMT+7

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Thứ 4, 29/05/2019 | 10:04:00 634 lượt xem
BP - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan và cơ bản thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX). Các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh được quán triệt, triển khai đã tạo sự chuyển biến quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, trong đó số HTX có lãi chiếm 37,5%, tỷ lệ GDP đóng góp hằng năm của kinh tế tập thể khoảng 1,15%...

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW

Đó là những kết quả quan trọng được đưa ra tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể diễn ra sáng 28-5. Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Về dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX cùng đại diện một số cơ quan, bộ, ngành Trung ương; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố và các HTX, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc.

Bước đột phá của kinh tế tập thể

Qua 15 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có bước phát triển đột phá cả về số lượng lẫn chất lượng; hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới, bắt nhịp xu hướng thị trường. Các HTX được vay trên 364 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng; được cấp, thuê, giao hơn 2.000 ha đất sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2014-2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 3 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh là: Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh, nhãn hiệu chứng nhận cao su Bình Phước và chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. Đồng thời, triển khai trên 50 dự án ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 300 mô hình.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 1.335 tổ hợp tác (THT) với 11.990 thành viên (tăng 1.184 tổ và 10.504 thành viên so năm 2003). Các THT hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp với mức doanh thu bình quân 130 triệu đồng/năm/THT và lãi bình quân 35 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh hiện có 168 HTX với 9.202 thành viên và 3.748 lao động, tổng vốn hoạt động 1.101,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm; 1 liên hiệp HTX có 4 HTX tham gia với 735 thành viên, 1.837 lao động...

Tỉnh đang xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị 6 sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn, như điều, tiêu, rau sạch, bưởi da xanh, ca cao, bơ sáp... Điển hình là HTX Nguyên Khang Garden phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rau thủy canh, doanh thu 10 tỷ đồng/ha/năm. HTX bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 tấn/năm, được đánh giá cao về chất lượng. Sản phẩm hạt điều của Liên hiệp HTX điều Bình Phước tổ chức sản xuất, chăm sóc, cải tạo quy mô 2.900 ha, mang nhãn hiệu Thương mại công bằng quốc tế (FLO), đã và đang xây dựng tiêu chuẩn Organic và Fair Trade của châu Âu và Mỹ...

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tại hội nghị, đại diện các HTX, sở, ngành, địa phương đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai các mô hình kinh tế hợp tác. Đó là vấn đề tiếp cận vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn hạn chế; nhiều chính sách ưu đãi cho HTX được triển khai, nhưng phần lớn HTX vẫn chưa được hưởng; nhiều HTX chỉ mới thực hiện được một vài dịch vụ đầu vào, hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp còn mang tính thời vụ và thiếu bền vững. Bên cạnh đó, năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều; khả năng cạnh tranh của các HTX thấp, dẫn đến hoạt động yếu kém hoặc ngưng hoạt động... Đây cũng chính là nguyên nhân khiến 46/168 HTX ngưng hoạt động chờ giải thể và 36/37 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.

Ông Đặng Hà Giang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Việc triển khai các dự án, mô hình ứng dụng chuyển giao thành tựu khoa học - công nghệ cho đối tượng thụ hưởng là các HTX, THT nhìn chung còn hạn chế, do chưa thúc đẩy tăng giá thành sản phẩm nông sản. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sử dụng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ còn thấp, chưa am hiểu về các quyền lợi cũng như ưu thế cạnh tranh từ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm. Đa số HTX chưa hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên những sản phẩm có chất lượng tốt chưa tiếp cận được thị trường, dễ bị lẫn lộn và đánh đồng với sản phẩm thông thường.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết, cho biết: Thông qua việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) tiêu sạch để liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là cách mà huyện đã tập trung định hướng, khuyến khích người dân liên kết phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch và tìm đầu ra cho nông sản. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã thành lập 24 CLB tiêu sạch với 604 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 644,9 ha. Niên vụ 2018-2019, tổng sản lượng tiêu sạch của các CLB đăng ký cung ứng cho Công ty gia vị Nedspice là gần 1,4 tấn. Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh cũng chỉ rõ: Khó khăn hiện nay của các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện là quy mô hoạt động nhỏ; thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn vốn vay khác từ các tổ chức tín dụng vì không đáp ứng các điều kiện theo quy định; chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tập thể chưa được hỗ trợ nhiều...

Tập trung kết nối doanh nghiệp và HTX

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, so với các tỉnh khác trong khu vực thì số lượng HTX của Bình Phước không nhiều nhưng có sự phát triển, tăng nhanh về số lượng, thực chất, khắc phục được yếu kém, đa dạng về loại hình, trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tăng trưởng trong những năm tới. Đồng chí cũng đặt hàng với Liên minh HTX tỉnh về mô hình liên hiệp HTX, vì đây là đầu kéo giúp các HTX thành viên học tập, tạo chuỗi giá trị. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần tập trung vào các giải pháp quan trọng là thu nhập của thành viên sau khi tham gia HTX, THT. Có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng loại hình kinh tế. Để quy mô HTX lớn hơn thì xu hướng phải phát triển HTX theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất gắn với thị trường.

Kết luận tại hội nghị, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền đề nghị: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là HTX. Rà soát lại các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, điều chỉnh, loại bỏ chính sách không còn phù hợp, tăng mức hỗ trợ với những mô hình hiệu quả. Tạo điều kiện để kinh tế tập thể tiếp cận các nguồn lực về đất, vốn. Quan tâm hơn nữa các HTX có đông thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các THT, HTX cần tự lực vươn lên, tự tìm tòi, đổi mới cách làm, chú trọng nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Phải xác định 2 chủ thể cần kết nối là doanh nghiệp và HTX cũng như tăng cường phối hợp giữa “4 nhà” để kinh tế Bình Phước có sự bứt phá vươn lên.

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen 5 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.

Ngân Hà

  • Từ khóa
28028

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu