Thứ 3, 23/04/2024 17:33:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 12:10, 16/01/2020 GMT+7

Bài học cho đời sau

N.D
Thứ 5, 16/01/2020 | 12:10:00 918 lượt xem

BPO - Theo sách “Đại Nam thực lục”, Nguyễn Cửu Vân là danh tướng và là nhà doanh điền đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở đàng Trong. Nguyễn Cửu là một trong những dòng họ có nhiều danh tướng, trong đó Nguyễn Cửu Vân là một trong những vị tướng được sử sách nhắc tới nhiều, khen, chê đều có cả. Tháng 7-1705, khi nội bộ vương triều Chân Lạp xảy ra tranh giành quyền lực, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam.

Theo sử liệu thì thời bấy giờ, nước Chân Lạp thường xuyên xảy ra loạn lạc. Nặc Ông Thâm nghi Nặc Ông Yêm có ý làm phản, bèn khởi binh đánh nhau. Nặc Ông Thâm lại nhờ quân Xiêm La sang giúp mình, Nặc Ông Yêm chống không nổi phải chạy sang cầu cứu quan quân chúa Nguyễn đang đóng ở dinh Gia Định. Vì lẽ ấy, cai cơ Nguyễn Cửu Vân được lệnh mang quân vào gấp để đánh Nặc Ông Thâm. Ở Sầm Khê (Chân Lạp), Nguyễn Cửu Vân đánh đuổi được quân Xiêm La, đem Nặc Ông Yêm trở về thành La Bích làm vua như trước. Tuy nhiên, sau đó Nặc Ông Thâm ở Xiêm La cứ thỉnh thoảng đem quân về đánh Nặc Ông Yêm...

Minh họa: S.H

Để phòng giữ miền biên cảnh và vùng đất Mỹ Tho, được tạo lập và phồn vinh từ thời Dương Ngạn Địch (một võ tướng nhà Minh chạy sang xin thần phục Đại Việt thời chúa Nguyễn Phúc Tần) đến coi quản, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một chiến lũy dài từ quán Thị Cai đến Bến Tranh (chợ Lương Phú). Bên ngoài lũy, ông còn cho đào một con mương sâu, rộng nối liền rạch Vũng Gù (Tân An - Long An ngày nay) và rạch Mỹ Tho, mà đời vua Gia Long đã cho đào sâu thêm thành đường kênh, đó chính là kênh Bảo Định, nay gọi là sông Bảo Định, con kênh đào đầu tiên ở Nam bộ.

Năm 1711, ông được thăng Trấn Biên doanh phó tướng. Rồi cùng với Trần Thượng Xuyên (là võ tướng nhà Minh chạy sang một lượt với Dương Ngạn Địch) lo việc an dân nơi vùng đất mới. Lập được nhiều công lao, Nguyễn Cửu Vân được phong Chính thống Vân Trường hầu. Về việc mở mang bờ cõi, bình định Chân Lạp cùng việc vỗ yên dân chúng, Quốc sử quán triều Nguyễn đã ca ngợi Nguyễn Cửu Vân như sau: Về việc mở mang bờ cõi Nam, công của Nguyễn Cửu Vân rất nhiều, ông tuyên thị đức ý triều đình, người Chân Lạp mến phục. Về sau, tiếp nối sự nghiệp của dòng tộc, nhiều thế hệ cháu chắt đời sau của dòng họ Nguyễn Cửu cũng là bậc trung thần tiết nghĩa được ghi trong chính sử. Đặc biệt, hai người con trai của ông là Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Đàm cũng đều là người có công lớn, nhất là trong việc khai khẩn đất đai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Thế nhưng cũng vào thời gian này, Nguyễn Cửu Vân đã bị chúa Nguyễn Phúc Chu khiển trách. Chuyện này xảy ra vào tháng 8-1711, khi ông đang giữ chức Phó tướng của dinh Trấn Biên. Cũng trong sách nêu trên có đoạn chép lại việc này như sau: Phó tướng của dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Vân, thường bắt dân mới phiêu tán trở về phục dịch riêng cho mình. Nhiều người vì thế mà sinh ra oán thán. Chúa Nguyễn đã có biểu dụ trách Nguyễn Cửu Vân rằng:

Khanh là con nhà tướng, được quyền trấn giữ một phương, sao không coi trọng việc vỗ về đối với dân mà chỉ mưu lợi cho riêng mình? Tất cả dân phiêu tán mới về kia, vốn bị thất sở đã lâu, nay nếu lại bắt họ phục dịch, khiến họ bị quấy nhiễu, thì thử hỏi làm sao họ chịu nổi. Xưa, Tiêu Hà (bề tôi của Hán Cao Tổ - thời Tam Quốc ở Trung Hoa) giữ đất Quan Trung, Khấu Tuân (bề tôi của Hán Quang Võ) giữ đất Hà Nội, đều chăm vỗ về trăm họ và đã giúp vua làm nên đế nghiệp, khanh hãy nên noi theo đó mà cố gắng.

Sau đó, chúa Nguyễn Phúc Chu lại còn xuống chiếu hạ lệnh cho 2 dinh là Trấn Biên và Trấn Phiên rằng: Phàm dân lưu tán mới trở về thì chia ruộng đất cho họ để thiết lập thôn ấp, tha hết các thứ binh dịch và tô thuế cho họ trong 3 năm. Nhờ vậy, dân đều được an cư lạc nghiệp.

Lời bàn:

Đọc lại sử sách của thời phong kiến ngày xưa, ai cũng biết đó là thời mà bóc lột được coi như một sự tự nhiên. Thế nhưng, Nguyễn Cửu Vân mới chỉ dùng những người dân lưu tán, nói đúng hơn là những người chạy loạn vô gia cư để dùng vào việc riêng, song ngay lập tức đã bị khiển trách. Với việc này ai dám bảo rằng chúa Nguyễn Phúc Chu ngày xưa không quan tâm đến dân chúng? Và cũng từ sự việc này cho thấy vào thời ấy, tìm được vị đáng gọi là dũng tướng đã khó, mà tìm trong các vị dũng tướng được một đấng giàu lòng nhân ái, nghĩa là gồm cả đức lẫn tài thì lại càng vô cùng khó.

Mượn tích xưa để nhẹ nhàng trách kẻ thừa hành công vụ, chúa Nguyễn Phúc Chu đã có thêm  một vị tướng biết lo sửa đức, biết vỗ về những người dân khốn khổ. Lớn hơn thế nữa, với việc làm này, chúa Nguyễn Phúc Chu khi đó lại có thêm được sự thái bình vô giá ở vùng đất phía Nam. Theo sử sách còn lưu lại đến ngày nay, với lời trách sâu sắc của chúa Nguyễn Phúc Chu, về sau Phó tướng Nguyễn Cửu Vân đã nghiêm lo sửa mình. Và, sử xưa chép lời trách này của chúa Nguyễn Phúc Chu không phải là để hậu thế xem cho vui, mà muốn người đời sau xem sử biết mà soi vào để tự sửa mình.

  • Từ khóa
110281

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu