Thứ 5, 18/04/2024 15:59:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:54, 17/04/2020 GMT+7

Âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn

Phương Dung
Thứ 6, 17/04/2020 | 15:54:00 732 lượt xem
BPO - Nhạc sĩ Trần Hữu Bích (SN 1947), hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh. Tên tuổi của ông gắn liền với bài hát Nụ hồng, nhất là vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Nụ hồng được đánh giá là bài hát có giai điệu đẹp, sâu lắng, thiết tha, thể hiện được sự cháy bỏng của tình yêu. Nhạc sĩ - nghệ sĩ Trần Hữu Bích là khách mời trong chương trình Dấu ấn tài hoa của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước. Ông đã có nhiều chia sẻ về đời và nghề của mình, giúp khán giả, bạn đọc hiểu rõ hơn về nhạc sĩ.

Violon - chạm vào sâu thẳm

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích chia sẻ, trong cuộc sống rất ít điều có thể chạm vào tâm hồn con người và âm nhạc là một trong những điều hiếm hoi ấy. Trong dàn nhạc, violon được mệnh danh là “bà chúa của âm nhạc” bởi tiếng đàn này có thể chạm đến tận những nơi sâu thẳm tâm hồn con người. Cảm nhận được sự huyền diệu của tiếng đàn violon và theo định hướng của anh trai, năm 6 tuổi cậu bé Trần Hữu Bích đã theo học bộ môn này. Năm 1956, ông học violon tại Trường âm nhạc Việt Nam. Tốt nghiệp năm 1966, ông về công tác tại Đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Giải phóng.

Năm nay 74 tuổi, nhạc sĩ Trần Hữu Bích vẫn miệt mài sáng tác nhạc

Trong cuộc đời mình, nhạc sĩ Trần Hữu Bích không thể quên những năm tháng phục vụ ở chiến trường. Hồi tưởng lại khoảng thời gian đó, ông kể: Tháng 1-1975, theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, tôi cùng anh em văn nghệ sĩ ra chiến trường phục vụ công cuộc giải phóng đất nước. Chiến trường thiếu thốn mọi bề, nghệ sĩ biểu diễn không có micro, không có hệ thống phóng thanh. Khán giả có lúc rất đông, có khi chỉ vài chiến sĩ chúng tôi cũng phục vụ. Tôi thường xuyên được chiến sĩ yêu cầu kéo đàn violon bản nhạc “Miền Nam quê hương ta ơi” của nhạc sĩ Huy Du. Tiếng đàn, tiếng hát của chúng tôi đã tiếp thêm động lực, sức mạnh tinh thần để các chiến sĩ tham gia chiến đấu, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Năm 1977, ông về phụ trách ban nhạc của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Thời gian này, ngoài chơi đàn violon, ông còn hòa âm phối khí và chỉ huy, dàn dựng các tiết mục ca nhạc của rất nhiều chương trình truyền hình và thu âm băng, đĩa. Từ năm 1979-1984, ông học sáng tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Sở trường của ông là viết nhạc phim, nhạc kịch, nhạc cho cải lương và hòa âm phối khí cho các bài hát. Nhưng tâm đắc nhất vẫn là những tác phẩm khí nhạc, tiêu biểu có: Sonate “Biển”, concerto cho violon và dàn nhạc, romance “Suy tưởng”, “Giọt mưa phương Nam”, “Đêm trên đảo” (tứ tấu đàn dây), chùm tiểu phẩm: “Giấc mơ tuổi thơ” (violon và piano); gần đây là tác phẩm “Bức tranh quê hương” viết cho flute - clarinet - piano và “Nhạc khúc mùa xuân” viết cho oboi - piano và đàn dây. Ngoài ra phải kể đến hơn 200 ca khúc của ông đã được dàn dựng phát trên sóng phát thanh và truyền hình.

Tiếp nối đam mê âm nhạc cổ điển

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích cho biết, thu nhập từ âm nhạc cổ điển rất khó, nhất là đàn violon. Vì môn này đòi hỏi phải có năng khiếu, thời gian học tập kéo dài, khổ luyện nhưng không phải ai cũng thành công. Bản thân ông có giai đoạn khó khăn với thu nhập của một nhạc công violon nên phải làm rất nhiều công việc liên quan đến âm nhạc để nuôi dưỡng đam mê. Nhưng với tình yêu lớn lao dành cho âm nhạc, nhạc sĩ Trần Hữu Bích đã truyền cảm hứng cho các con nối nghiệp gia đình và gắn bó với âm nhạc cổ điển.

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích có hơn 50 năm cống hiến cho ngành phát thanh và truyền hình Việt Nam. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam. Ông được trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, cùng các huy chương, kỷ niệm chương: Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, Vì sự nghiệp phát thanh - truyền hình Việt Nam, Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam và nhiều giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Gia đình nhạc sĩ Trần Hữu Bích là một gia đình nghệ sĩ. Hiếm một gia đình nghệ sĩ nào có cha, mẹ, con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại cùng theo đuổi âm nhạc cổ điển. Vợ ông, bà Lê Yến Nga, từng là diễn viên đơn ca của các Đoàn ca múa Tuyên Quang, Đoàn ca nhạc Đài phát thanh Giải phóng, biên tập ca nhạc của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. 2 người con của ông là Trần Hữu Quốc (SN1973) tốt nghiệp xuất sắc violon tại Nhạc Viện Moscow, hiện là nghệ sĩ độc tấu violon và giảng dạy tại Seoul (Hàn Quốc). Con gái Trần Lê My (SN1985), 10 tuổi đoạt giải tài năng trẻ piano Việt Nam, 12 tuổi đoạt giải ba cuộc thi piano quốc tế tại Italia và tốt nghiệp xuất sắc piano tại Nhạc viện Vũ Hán (Trung Quốc). Con dâu Cho Eun Young là giáo sư piano tại Seoul; con rể Nguyễn Công Cao Thăng, nghệ sĩ piano kiêm biên tập âm nhạc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Cháu nội Trần May 14 tuổi, hiện học violon tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). Cháu ngoại Nguyễn My An cũng đang theo học violon.

Năm nay, nhạc sĩ Trần Hữu Bích 74 tuổi nhưng với ông “âm nhạc không có tuổi nên nhạc sĩ cũng không có hưu”. Vì vậy, ngày ngày ông vẫn sáng tác theo cảm hứng và ấp ủ nhiều dự định đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng hơn. Nhạc sĩ Trần Hữu Bích cho biết: Gắn bó với âm nhạc nên tôi thấy tâm hồn mình luôn tươi trẻ, yêu đời. Tôi mong âm nhạc đến với công chúng toàn diện hơn. Với violon, tôi mong bộ môn này có nhiều nghệ sĩ trẻ tiếp nối, kế thừa. Bởi âm nhạc có vai trò quan trọng trong cuộc sống, cho dù đời sống giàu có, văn minh đến đâu con người cũng cần nuôi dưỡng tâm hồn mà âm nhạc chính là “liều thuốc” giúp trái tim con người thánh thiện hơn.

  • Từ khóa
94238

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu