Thứ 5, 28/03/2024 22:25:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:04, 19/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Ai là chủ của vật... vô chủ?

Thứ 2, 19/01/2015 | 07:04:00 2,126 lượt xem
BP - Sau 8 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải khắc phục sớm.

Vì vậy, trong dự thảo Bộ luật Dân sự cần có quy định giải quyết trường hợp tất cả các đồng sở hữu đối với một vật mà từ bỏ quyền sở hữu của mình thì người phát hiện vật đó sẽ có quyền sở hữu.

Tại Khoản 1, Điều 254 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định như sau: Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước. Trong khi đó, tại Khoản 4, Điều 245 dự thảo quy định: Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

Như vậy, việc giải quyết hậu quả đối với hành vi từ bỏ quyền sở hữu theo hai quy định nêu trên sẽ mâu thuẫn nhau, khi các đồng sở hữu chung đều từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản. Trong trường hợp này, nếu áp dụng quy định tại Khoản 1, Điều 251 dự thảo thì vật bị các đồng sở hữu từ bỏ quyền sở hữu sẽ thuộc quyền sở hữu của người phát hiện. Còn nếu áp dụng quy định tại Khoản 4, Điều 241 dự thảo thì vật đó sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước. Sự mâu thuẫn này sẽ dẫn đến nhiều trường hợp, trên thực tế vật vô chủ không thể xác định được thuộc sở hữu của Nhà nước hay của người phát hiện ra vật vô chủ.

Do đó, theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi cần có quy định cụ thể để giải quyết trường hợp tất cả các đồng sở hữu đối với một vật mà từ bỏ quyền sở hữu của mình thì người phát hiện ra vật đó sẽ có quyền sở hữu theo quy định tại Khoản 1, Điều 254 dự thảo.

Cũng theo nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, tôi đồng tình với việc ban soạn thảo đã sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” để thay cho thuật ngữ “giao dịch dân sự” được sử dụng tại Bộ luật Dân sự 2005. Vì thuật ngữ “giao dịch” thể hiện mối quan hệ mang tính chất đa phương hoặc song phương. Như vậy, việc Bộ luật Dân sự 2005 quy định “giao dịch dân sự” bao gồm “hành vi pháp lý đơn phương” là thiếu logic. Do đó, trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã khắc phục thiếu sót trên bằng cách thay thuật ngữ “giao dịch dân sự” bằng thuật ngữ “hành vi pháp lý”. Hơn nữa, “hành vi pháp lý” được hiểu là một hành động (hoặc không hành động) có ý thức của con người nên nó có thể vừa mang tính đơn phương vừa mang tính đa phương hoặc song phương (nếu nó được thực hiện trong mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều người). Nếu sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý” thì việc quy định “hành vi pháp lý bao gồm hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương” sẽ hợp logic hơn.                         

   Lg: Đoàn Như

  • Từ khóa
12467

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu