Thứ 7, 20/04/2024 19:40:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:24, 29/06/2015 GMT+7

Kinh tế tăng trưởng mạnh nhất 5 năm qua

Thứ 2, 29/06/2015 | 14:24:00 430 lượt xem
BPO - Tốc độ tăng GDP quý II ước đạt 6,44%, cao hơn mức tăng 6,08% của quý 1 và cao hơn mức tăng cùng kỳ 5 năm trước.

Kết quả này được nêu ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2015. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, ngày 29-6.

Bày tỏ vui mừng trước kết quả này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2015 của nước ta phát triển tích cực, ổn định, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở, tình hình vẫn còn đặt ra một số khó khăn, hạn chế, yếu kém. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu: “Sắp tới, tinh thần là làm gì, làm thế nào để đạt kết quả tốt hơn 6 tháng đầu năm, ra sức khắc phục một cách thiết thực, hiệu quả các hạn chế, yếu kém để cuối năm 2015 và năm 2015 phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra”.

Lấy lại đà tăng trưởng

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,28%. Tốc độ này cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước (cùng kỳ năm 2011 đạt 5,92%; 2012 đạt 4,93%; 2013 đạt 4,9%; 2014 đạt 5,22%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,36% (cùng kỳ năm 2014 đạt 2,96%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,09% (cùng kỳ năm 2014 đạt 5,93%); dịch vụ ước tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2014 đạt 5,56%).

“Tốc độ tăng trưởng GDP Quý II và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Đóng góp mạnh vào tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp-xây dựng 6 tháng đầu năm ước đạt mức tăng trưởng 9,09%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp tăng 9,53% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,88%), xây dựng tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 6,24%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2013: 5,3%; 2014: 5,8%). Đáng chú ý là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số IIP tăng 10% (cùng kỳ 2014 tăng 7,8%); tiếp đến là ngành khai khoáng, IIP tăng 8,2% (cùng kỳ 2014 giảm 1,5%), trong đó riêng về sản lượng dầu thô khai thác trong nước: 6 tháng đầu năm ước đạt 8,38 triệu tấn, tăng 830 nghìn tấn (tăng 11%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù còn có những khó khăn, nhưng khu vực dịch vụ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tăng trưởng khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 5,9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (5,82%). Một số ngành dịch vụ kinh doanh có tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Thương mại tăng 8,35%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,85%; hoạt động kinh doanh bất động sản có cải thiện hơn, đạt mức tăng 2,72%.

Tuy nhiên, một số ngành vẫn gặp khó khăn với mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, như: Vận tải, kho bãi tăng 4,5% (cùng kỳ tăng 5,2%); dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,9% (cùng kỳ tăng 4,51%); đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm sút so với cùng kỳ năm trước (giảm 11,3%).

Kinh tế vĩ mô ổn định

Cùng với việc lấy lại đà tăng trưởng của nền kinh tế, nửa đầu năm 2015, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định với những dấu hiệu tương đối tốt.

Biểu hiện trước tiên là lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là giá nhóm giao thông với mức tăng 3,54%; tiếp đến là giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,3%. Hai nhóm có chỉ số giá giảm là bưu chính viễn thông và hàng ăn và dịch vụ ăn uống đều giảm 0,03%.

So với tháng 12-2014, CPI tháng 6 tăng 0,55%. So với cùng kỳ năm trước: CPI tháng 6 tăng 1%. Bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,86%. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 2,01%, bình quân 6 tháng tăng 2,24%.

Biểu hiện tiếp theo thể hiện trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,09% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,37%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 4,58% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,26%). Cùng với việc phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng cũng được cải thiện tích cực, tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng dư nợ tiền gửi. Tính đến 19-6, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,28% so với cuối năm 2014, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
38793

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu