Thứ 6, 29/03/2024 04:14:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 05:30, 18/02/2018 GMT+7

CHÀO XUÂN MẬU TUẤT 2018

9X khởi nghiệp

Chủ nhật, 18/02/2018 | 05:30:00 802 lượt xem
BP - Mỗi người có cách riêng để chinh phục cuộc sống. Nguyễn Hoàng Thủy Tiên, SN1991, ở xã Tân Khai, huyện Hớn Quản đã cùng chồng xây dựng kinh tế gia đình từ những thùng sữa bắp, đến mở khu vui chơi kết hợp bán trà sữa “thương hiệu nhà làm”. Chỉ sau 2 năm nỗ lực, thu nhập của vợ chồng Thủy Tiên từ 20-30 triệu đồng/tháng. “Khởi nghiệp là tìm con đường phù hợp với đam mê của mình. Phải đam mê mới thành công!” - Thủy Tiên khẳng định.

Khởi nghiệp từ vài chai sữa bắp

Trong khi chờ xin một công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, Thủy Tiên nghĩ phải làm việc gì đó. Sẵn kiến thức đã học về pha chế các loại nước uống, Thủy Tiên nghĩ đến món sữa bắp, vừa rẻ vừa bổ dưỡng. “Em bắt đầu bán sữa bắp năm 2014. Lúc đó ở Hớn Quản chưa ai biết đến loại thức uống này. Ban đầu mỗi ngày em chỉ làm 5 chai, vậy mà bán không hết. Sau đó, em nghĩ phải đem đến chỗ đông người bán thì cơ hội sẽ cao hơn. Vậy là em đóng thùng chở đến Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (Chơn Thành). Đứng bán từ 2 giờ trưa đến 9 giờ tối, nài nỉ từng người mua. Em nhớ có hôm năn nỉ một cô ở xã Tân Quan (Hớn Quản) mua 2 chai. Cô ấy lưỡng lự vì chưa uống bao giờ. Em nói cô cứ uống thử, có 20 ngàn đồng, nếu không ngon mai không mua nữa. Ngày hôm sau cô ấy quay lại, mua hết 5 chai trong thùng. Em sung sướng vô cùng, điện thoại khoe với chồng: Anh ơi em đã bán hết rồi... Khi nhiều người dùng sản phẩm của mình thấy ngon, em tăng số lượng lên. Bình quân mỗi ngày sau đó em bán 50 chai” - Thủy Tiên hào hứng kể.

Vợ chồng Thủy Tiên tự pha chế thức uống cho khách

Trong câu chuyện của bạn trẻ này có một chi tiết khá đặc biệt. Đó là từ những chai sữa bắp đầu tiên, Thủy Tiên đi bán đã mặc đồng phục và dán lô gô “Sữa bắp bé Na” lên sản phẩm mình làm. “Em nghĩ phải xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để sản phẩm của mình không lẫn với của ai khác, dù lúc đó mới chỉ mình em bán” - Thủy Tiên cho biết. “Không thể nói hết được những kỷ niệm vui buồn của hơn 1 năm em bán sữa bắp. Việc đầu tiên là em đã phá hư 2 cái máy xay sinh tố trong lúc thử nghiệm cho ra món sữa bắp. Sau đó, em thấy phải mua máy chuyên dụng thì mới đáp ứng được số lượng và chất lượng mình mong muốn. Có thời gian sữa bắp của em bỏ mối bị người ta trộn với sữa họ tự làm, mất uy tín thương hiệu. Sau đó, em không bỏ mối nữa mà tự đem ra chợ bán. Chuyện ra chợ bán cũng là kỷ niệm vui vì tình người chan chứa lắm chị. Em và chiếc xe máy chở thùng sữa bắp đứng tựa vào nhau. Khi có khách mua, nhiều lúc em quên chống xe mà đã chạy ra giao khiến xe đổ cái rầm, sữa lăn long lóc. Thấy vậy chú bán nước bên cạnh nói “Chú cho mượn cái bàn để đặt thùng sữa mà bán” - Tiên kể.

“Rồi gia đình có việc, vợ chồng em không đi bán được nữa. Mẹ chồng em cho chút vốn, cộng với vay mượn ngân hàng, chúng em mở khu vui chơi cho trẻ em. Đây mới thực sự là mong muốn của hai vợ chồng. Thời điểm này ở Tân Khai chưa có khu vui chơi dành cho trẻ em. Trước ngày khai trương, chúng em phát tờ rơi nên rất đông phụ huynh cho con em đến chơi. Nhưng vì đông quá thiếu đồ chơi nên sau đó vắng dần. 1, 2 tháng sau thì không còn khách, dù giá đã hạ từ 20 ngàn đồng xuống còn 10 ngàn đồng/lượt. Những ngày sau đó, vợ chồng em thay nhau đợi tầm tan trường ra đứng đầu đường đón khách. Có một khách chúng em cũng mở cho chơi. Tình trạng này diễn ra trong khoảng nửa năm, giờ nghĩ lại vẫn thấy “sợ”. Bà con dòng họ nói ra nói vào, hàng xóm thì gièm pha, thương nhất là ba mẹ em đi qua thấy cái bảng hiệu “Khu vui chơi Nguyên Ân” mốc meo mà xót cho khối tài sản đầu tư. Thời gian này, mẹ em lặng lẽ mua sữa cho hai đứa cháu, vì biết em đang khó khăn về tài chính” - Thủy Tiên trầm ngâm.

Thủy Tiên tiếp tục kể: “Em nghĩ mình chỉ mới bắt đầu, phải tìm cách gì đó để nuôi sống niềm đam mê. Vậy là em trở lại với “gánh nước” nhưng không phải bán sữa bắp mà bán trà sữa. Không thể đi xa, em thuê mặt bằng ra ngoài quốc lộ 13 trước khu vui chơi bán trà sữa “nhà làm”. Một lần nữa thương hiệu “Trà sữa Nguyên Ân” được mọi người ủng hộ. Khi đã có chỗ đứng vững trong lòng người tiêu dùng, em mở tiệm trà sữa tại khu vui chơi. Mục đích bán trà sữa để vực dậy khu vui chơi. Và đúng như em mong muốn, nhiều người đến uống nước thấy có khu vui chơi thì dẫn con theo.

Làm... khác người ta

Tôi ghé khu vui chơi của vợ chồng Thủy Tiên vào một tối thứ sáu. Tìm mãi mới có một chỗ để ngồi vì khách đến uống nước đông. Một bạn trẻ mặc đồng phục có lô gô khu vui chơi niềm nở chào khách và đưa menu chọn đồ uống. Nhìn một lượt menu tôi thấy có khoảng 30 loại trà sữa, 10 loại thức ăn nhanh và nhiều thức uống khác như sinh tố, trái cây tô, chè khúc bạch... Tất cả đều có nguyên liệu tự nhiên và được Thủy Tiên, mẹ chồng tự tay chuẩn bị và chế biến, không thuê người pha chế. “Em tự ra món để bổ sung vào menu cho phong phú và phù hợp thị hiếu của khách” - Thủy Tiên hào hứng cho biết. “Vậy mỗi món mới em lại phải đi học?” - “Em tự mày mò thôi chị. Xem người ta làm gì thì mình làm khác đi. Để ra được một món phải có công thức và làm đi làm lại nhiều lần, rồi nhờ gia đình, bạn bè, nhân viên cho ý kiến. Khi mọi người nói “ngon” em mới trao đổi với thầy dạy pha chế hồi học ở Sài Gòn. Khi thầy trò thống nhất em mới ghi món lên menu” - Thủy Tiên nói.

Chè khúc bạch

Trái cây tô

Khách đến uống trà sữa ở quán của Thủy Tiên không chỉ là các bạn trẻ. Vợ chồng anh Dũng ở xã Minh Đức (Hớn Quản) mỗi tuần đi hơn 7km ra khu vui chơi Nguyên Ân để vừa thưởng thức trà sữa vừa cho con chơi. Có khi tuần đi 2 lần vì chiều con và nhớ đồ uống của quán. “Ở đây có cả hai thứ mình cần, chỗ cho con chơi và ba mẹ thư giãn. Một ly nước ngon, vừa túi tiền, đặc biệt là yên tâm về chất lượng thì đi xa cũng thấy xứng đáng” - anh Dũng vui vẻ nói. Quán cũng có phòng lạnh, yên tĩnh hơn với những người muốn có không gian riêng, đặc biệt là vào buổi trưa.

Trưa thứ bảy hôm sau tôi quay lại để kiểm nghiệm một lần nữa xem có đúng như nhận xét của anh Dũng hay không. Trong lúc thích thú với món chè khúc bạch đang tan chảy ngay đầu lưỡi thì cánh cửa phòng máy lạnh mở ra. Khoảng 10 chị là công chức ở xã Minh Tâm cách quán hơn 10km bước vào. Các chị cho biết “lặn lội” ra tận đây giữa trưa nắng vì ở Hớn Quản tìm một nơi nghỉ trưa mát mẻ, lại có đồ uống ngon và lạ như ở Thiên Ân không có quán thứ hai.

“Em chưa đóng học phí phải không?”

Buổi sáng, một nữ sinh còn mặc đồng phục nhà trường đến quán xin phụ việc bưng bê. Thủy Tiên hỏi đang giờ học sao em không đến lớp. Bạn nữ chỉ nói “Em được nghỉ”. “Em muốn làm buổi trưa hay buổi tối?”. “Chị cho em làm cả ngày!”. Mất vài giây ngạc nhiên, Thủy Tiên hỏi “Em chưa đóng học phí phải không?”. Mặt cúi xuống, mắt ngân ngấn nước, bạn nữ lặng lẽ gật đầu. Liền đó Thủy Tiên đã đưa tiền cho em đi đóng học phí và trưa hôm đó - Xuân Nguyên, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đã bắt đầu công việc tại quán của Thủy Tiên để có tiền tiếp tục đi học.

Một buổi chiều, có vị khách lớn tuổi đến quán ngồi. Em ra hỏi chú dùng gì, người khách không nói và thể hiện thái độ hầm hầm rất đáng ngại. Đến lần thứ ba em hỏi - lúc đó vị khách ngồi đã hơn 1 tiếng đồng hồ, thì được trả lời: “Tôi đến đây để xem con tôi làm việc trong môi trường như thế nào. Giờ biết rồi thì tôi quyết định chỉ cho con làm việc ở đây thôi, không được đi chỗ nào khác”. Em thở phào nhẹ nhõm. Nhiều phụ huynh còn điện thoại cảm ơn vợ chồng em vì từ khi đi làm con họ ngoan hơn”.

“Bà chủ” 9X Nguyễn Hoàng Thủy Tiên

Hơn 1 năm làm ở quán, giờ Xuân Nguyên là nhân viên biết việc và chăm chỉ. Ngoài giờ học, em đến quán làm. Tiền học phí, quần áo, ăn uống đều được vợ chồng Thủy Tiên lo. Khu vui chơi Nguyên Ân hiện có 7 nhân viên đều là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các em làm theo ca để đảm bảo việc học. Lương không cao nhưng tình người chan chứa nên các em làm việc nhiệt tâm.

“Hạnh phúc là được làm công việc mình yêu thích, lo kinh tế gia đình ổn định và giúp được người khác. Cuộc sống vậy là đủ! Nhưng để làm được phải có quyết tâm cao. Trên con đường khởi nghiệp, có lúc bạn rơi vào bế tắc. Đó cũng là lúc bạn có chiến thắng được bản thân để đứng lên làm tiếp không. Cuộc sống chỉ tôn vinh những người thành công mà thôi!” - tôi đã không khỏi bất ngờ về sự chiêm nghiệm của Thủy Tiên - một 9X ở vùng nông thôn Hớn Quản.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
38463

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu