Thứ 5, 25/04/2024 12:35:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:41, 25/06/2013 GMT+7

Dạy con nhớ đến cội nguồn

Thứ 3, 25/06/2013 | 16:41:00 281 lượt xem

>> Khuyết tật cơ thể không chỉ là rào cản xây dựng gia đình hạnh phúc

Luôn dạy con nhớ đến cội nguồn và bản thân biết sống vì mọi người để các con noi theo, đó là việc làm của anh Phan Trang, Chủ tịch UBMTTQ xã Lộc An (Lộc Ninh).

NUÔI CON NÊN NGƯỜI

“Ba tôi (ông Phan Toại) năm nay đã ở tuổi 92, là thầy nho làng. Ông đã dịch và in được cuốn sách về dòng tộc họ Phan ở Việt Nam. Tôi luôn nhớ lời ba dặn trước khi vào lập nghiệp ở vùng đất mới: “Sống phải nhớ người đã sinh thành. Làm giàu cũng chỉ mục đích cuối cùng là nuôi con ăn học. Ở nơi nào giúp mình có kinh tế để các con được học hành nên người, có ích cho gia đình, xã hội thì cũng chính là cội nguồn của dòng tộc trên quê hương mới”. Trong cuộc sống gia đình, kể cả khi khó khăn hay khá giả vợ chồng tôi đều có trách nhiệm với hai bên nội ngoại để làm gương cho các con”. Anh Phan Trang ở ấp 3, xã Lộc An kể cho chúng tôi nghe chuyện lập nghiệp trên biên giới Lộc Ninh. Căn nhà gỗ nhỏ, gọn gàng của gia đình anh nằm lưng chừng quả đồi. Trên vách nhà hàng chữ in to ngay ngắn “HỌC NỮA - HỌC MÃI”, phía dưới treo nhiều giấy khen về thành tích học tập của các con.


Gia đình anh Phan Trang trong ngày cưới của cậu út

Năm 1987, một lần tình cờ lên Lộc Ninh thăm bạn đúng mùa thu hoạch hồ tiêu, vợ chồng anh kinh ngạc khi 10kg hạt tiêu mua được 1 chỉ vàng, bằng 6 tháng gom góp lao động ở TP. Hồ Chí Minh. Trước sức hút kinh tế từ cây hồ tiêu, vợ chồng trẻ Phan Trang - Đoàn Thị Kim Nga đã quyết định lên vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh Lộc An lập nghiệp và lần lượt sinh 4 người con trai. Hiện nay, 3 con đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh, con út là học sinh giỏi của trường cấp 2-3 Lộc Thái. Niềm tự hào của gia đình anh là con thứ ba Phan Toàn, sinh viên năm thứ 3 khoa Kỹ thuật hàng không, đại học bách khoa, khi đang học trường chuyên Quang Trung đã đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc.

CÁN BỘ MẪU MỰC

Xóm nhỏ nơi gia đình anh Trang sinh sống gồm 32 hộ, chủ yếu quê ở Quảng Trị vào lập nghiệp những năm 1980-1990 nằm men theo con suối Cụt quanh năm có nước để tưới hồ tiêu. Khi gia đình anh Trang đến định cư đã có khoảng 10 hộ và tên gọi là xóm Bà Trâm.

Xóm Bà Trâm nổi tiếng cần cù lao động, dạy con ngoan, có nghề nghiệp, trong đó nhiều gia đình như anh Trang thi đua đầu tư cho các con học tập. Xóm không còn hộ nghèo nhiều năm. Nằm dưới chân vườn cao su của Nông trường 4 (Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh) nhưng xóm không có người lên lô trộm mủ, không có thanh niên hư hỏng, rượu, chè...

Là người Thừa Thiên - Huế duy nhất trong xóm nhưng anh Trang được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, ấp trưởng, chi hội trưởng nông dân, phụ trách mặt trận, chủ tịch hội nông dân và nay là Chủ tịch UB MTTQ xã Lộc An. Nổi bật nhất ở xóm Bà Trâm là tinh thần đoàn kết giúp nhau. Xóm có tổ nấu ăn gồm 3 người, trong đó có chị Kim Nga vợ anh Phan Trang. Nhà nào có đám tang, cưới hỏi, tổ nấu ăn lên kế hoạch, thực đơn, đi chợ, nấu nướng, còn thanh niên thì phục vụ bàn...

Từ khi còn là cán bộ ấp, anh Phan Trang đã vận động nhân dân góp sức làm đường. Năm 2002, xóm Bà Trâm đồng lòng đóng góp kéo điện do anh Trang làm tổ trưởng. Làm cán bộ hội nông dân, anh luôn nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm trồng tiêu cho nông dân trong xã. Anh Trang được công nhận nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm và được Huyện ủy Lộc Ninh tuyên dương điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Phương Hà

  • Từ khóa
45676

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu