Thứ 5, 25/04/2024 12:22:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:42, 29/12/2016 GMT+7

20 năm gắn hồn vào nhánh hoa khô

Thứ 5, 29/12/2016 | 07:42:00 2,259 lượt xem
BP - Khác với các trào lưu làm hoa vải, hoa voan, hoa pha lê... chỉ nổi lên thời gian rồi dần mai một, nghề làm hoa khô của gia đình ông Nguyễn Sửu ở ấp Hưng Thịnh, xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh) vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường suốt 20 năm qua. Qua bàn tay khéo léo và óc nghệ thuật sáng tạo, những cây cỏ vô tri bỗng “hóa thân” thành bức tranh sinh động, cuốn hút người thưởng ngoạn.

NGHỀ LẮM CÔNG PHU

Phải hẹn đến lần thứ ba chúng tôi mới gặp được vợ chồng ông Sửu, bởi những tháng cuối năm, vợ chồng ông tất bật chuẩn bị đơn hàng tết. Ngoài các đơn hàng trong tỉnh, cơ sở hoa khô của gia đình ông Sửu còn là nơi thu mua và cung ứng nguyên vật liệu làm hoa khô cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh.

Rời Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, gia đình ông Sửu vào Bình Phước lập nghiệp năm 1995. Nghề làm hoa khô cũng gắn bó với gia đình ông từ đó. Ông Sửu nhớ lại những ngày đầu mò mẫm vào rừng sưu tầm hoa, bứt từng chiếc lá để thỏa niềm đam mê. Dù chưa biết đến nghề làm hoa khô nhưng chính sự phong phú về thảm thực vật xứ Nam bộ đã đem lại cho ông niềm đam mê về thế giới thực vật. “Ngày đó rừng còn nhiều nên cỏ cây, hoa lá cũng phong phú. Hoa, cỏ hái đến đâu, phơi khô xong thương lái ở thành phố lên mua hết đến đó. Có ngày kiếm được 2 chỉ vàng nhưng có tháng lại nghỉ ròng vì hoa lá chỉ rộ vào những tháng cuối năm” - ông Sửu chia sẻ.

Hoa sau khi phơi khô được tẩy, nhuộm màu sắc đa dạng, bắt mắt để giao cho thương lái

Nhu cầu thị trường ngày một khắt khe, đòi hỏi hoa, lá phải được tẩy, nhuộm màu sắc đa dạng. Ông bà tìm đến Viện Hóa chất TP. Hồ Chí Minh học quy trình tẩy trắng, nhuộm hoa. Về nhà, ông bà tự mày mò, rút kinh nghiệm từ những lần thất bại để nắm vững quy trình, công nghệ làm hoa khô. Vì vậy, lượng hoa khô bán đi tăng đáng kể. Ngoài các loại hoa có sẵn trong tỉnh, để đa dạng chủng loại đáp ứng nhu cầu khách hàng, ông bà còn qua nước bạn Campuchia đặt hàng, thu mua thêm bông lau, bạch hạt, lá buông, bông đuôi chồn...

Bà Đặng Thị Đông Hà, vợ ông Sửu chia sẻ: “Nghề làm hoa khô tuy không vất vả nhưng đòi hỏi tính nhẫn nại, khéo léo và tỉ mỉ. Để làm được một cành hoa khô phải trải qua rất nhiều công đoạn như: tìm nguyên liệu, tẩy, nhuộm màu, uốn cánh, lắp ghép, tạo hình... Để cánh hoa giữ được lâu cần loại bỏ các chất hữu cơ dễ phân hủy. Hoa sẽ được ngâm qua một dung dịch. Loại hóa chất này sẽ bay hơi hết trước khi tạo ra sản phẩm. Nếu xử lý không kỹ, hoa có thể bị mốc và không đảm bảo chất lượng. Do đó, nghề này cũng lắm công phu, không phải ai cũng chịu khó để theo đuổi”.

Việc chọn, nhuộm lá, cắt tỉa một bông hoa sao cho giống hoa thật không khó. Cái khó là khâu tạo dáng. Một lẵng hoa thành phẩm phải làm sao cho sống động, cuốn hút người thưởng ngoạn. Đó mới là tài nghệ của người làm hoa khô. Nó đòi hỏi người làm hoa khô phải có con mắt thẩm mỹ, óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, hiểu biết về nghệ thuật tạo hình. Nghề làm hoa khô cũng trông chờ nhiều vào thời tiết. Hoa khô chỉ đẹp khi được phơi đủ nắng, nếu dính mưa coi như vứt bởi hoa sẽ bị mốc và mất sắc.

THỊ TRƯỜNG RỘNG MỞ

Trước đây, hoa khô làm chủ yếu bán đi TP. Hồ Chí Minh, người dân Bình Phước chưa biết nhiều đến loại hoa này. Với lợi thế là một trong những người đầu tiên của tỉnh làm dòng hoa khô, thu hút khách nhờ sản phẩm độc, lạ, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã phối hợp với gia đình ông Sửu mở lớp đào tạo làm hoa khô cho học viên trong xã. Nhờ vậy, hiện nhiều hộ trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã chọn nghề làm hoa khô là thu nhập chính. Để tạo đầu ra ổn định, các hộ đã liên kết thu mua nguyên liệu thô về sơ chế bán cho thương lái ở các tỉnh, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/hộ/năm.

Ngoài bán trên thị trường, bà Hà còn thiết kế bình hoa đặt bàn lớn cho các công ty, hội nghị và hoa đám cưới. Mỗi bình hoa bán giá từ 500 ngàn - 1,5 triệu đồng. Vì là hoa thật được phơi khô, nhuộm màu nên giữ được vẻ đẹp và mùi thơm đặc biệt. Tất cả nguyên vật liệu đều từ cỏ, cây ghép lại. Lẵng hoa tươi thường để được lâu nhất cũng chỉ một tuần nhưng với hoa khô, thời gian giữ được độ đẹp là 2 năm. Hoa khô với ưu điểm không phải chăm sóc, màu sắc lâu phai, giữ nguyên được trạng thái, hương thơm nên rất được ưa chuộng. Người chơi hoa chỉ cần giữ nhiệt độ trong phòng hài hòa, tránh ẩm hay ánh nắng mặt trời trực tiếp thì có thể giữ được màu sắc bền lâu.

Vài năm trở lại đây, xu hướng chọn hoa khô để trang trí của người dân trong tỉnh ngày càng nhiều. Sản phẩm của gia đình ông Sửu hiện được nhiều người ưa thích, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Hằng năm, vào những ngày giáp tết, hoa khô của gia đình ông làm không đủ bán. Ông Sửu cho biết, các sản phẩm của gia đình hầu như không sử dụng chất bảo quản, do vậy có độ an toàn vệ sinh cao. Hiện nay, để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giá của các sản phẩm hoa khô phải chăng, phù hợp mức sống của người tiêu dùng. Tranh thủ lúc nhàn rỗi, người dân vùng biên giới Lộc Ninh lại có thêm thu nhập từ việc “tìm cỏ” và nhận hoa khô về nhà làm.

Tạo chỗ đứng trên thị trường 20 năm, sự đón nhận và thưởng lãm của khách hàng trong và ngoài tỉnh đã thôi thúc ông bà gắn bó hơn với nghề. Năm 2010, gia đình ông Sửu mạnh dạn đem sản phẩm hoa khô Bình Phước đi “đánh xứ người” trong lễ hội ngàn năm Thăng Long Hà Nội. 3 sản phẩm hoa khô của nhà ông đã vượt lên hàng ngàn tác phẩm dự thi khác để mang về các giải ấn tượng. Sản phẩm hoa khô nhà ông Sửu 6 năm liên tục (2010-2016) được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Ông Sửu nhận định: “Hiện các nước phương Tây rất chuộng hoa khô để trang trí. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức thì sự phát triển của thị trường hoa khô, nhất là theo hướng xuất khẩu sẽ rất tiềm năng”.

Mỗi dịp tết đến xuân về, khi ngàn hoa khắp đất trời đua nhau khoe sắc, một bình hoa khô đặt ở phòng khách trong nhà trong nhà sẽ đem đến vẻ đẹp riêng, làm căn phòng thêm đẹp và sang trọng.

Ngân Hà

  • Từ khóa
92572

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu