Thứ 4, 24/04/2024 07:26:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:09, 16/10/2018 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

15 năm chia sẻ lương hưu tặng người khó

Thứ 3, 16/10/2018 | 14:09:00 245 lượt xem

BP - “Khi còn công tác, chồng tôi không có nhiều thời gian dành cho xã hội, cộng đồng. Thấy tôi làm từ thiện, tham gia các câu lạc bộ, hội đoàn thể, ông cũng thích nhưng không đi cùng được. Đến khi bắt đầu lãnh lương hưu, ông bàn với tôi sẽ trích lại một khoản để hằng tháng hỗ trợ gạo, mắm, muối cho 4 hộ khó khăn ở gần nhà. Tôi nghe vậy rất vui và khuyến khích ông làm. Từ đó đến nay, cứ lãnh lương hưu xong là chồng tôi tự đi mua gạo, mì gói, thức ăn... rồi chạy xe mang tới tận nhà cho họ. Thi thoảng ông cầm thêm cho họ viên thuốc ho, cảm... để dành khi trái gió trở trời” - bà Thái Thị Kẻng chia sẻ về chồng mình, ông Đặng Thanh Hùng (75 tuổi) ở xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản.

Hơn 15 năm qua, không sớm cũng không trễ, cứ đúng ngày 5 hằng tháng, sau khi nhận lương hưu từ UBND xã, ông Hùng đi đến từng nhà thăm những “người quen” của mình theo cách như thế.

MANG NIỀM VUI ĐẾN NGƯỜI KHÓ KHĂN

Ông Lê Văn Đây ở tổ 5, ấp Chà Là, xã Thanh Bình sinh ra với cơ thể không lành lặn, đôi mắt lại không thấy đường nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ở với chị gái từ nhỏ, ông theo chị bôn ba khắp nơi, cuối cùng 2 chị em về lập nghiệp tại xã Thanh Bình. Nhiều lần đi bán vé số nhưng bị người mua lừa, ông Đây đành nghỉ và ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống hằng ngày phụ thuộc vào việc đi làm thuê của chị gái. Trước hoàn cảnh này, ông Hùng đã tìm hiểu và nhận hỗ trợ thêm thức ăn, gạo cho gia đình ông Đây.

Ông Đặng Thanh Hùng đến thăm chị em ông Lê Văn Đây ở ấp Chà Là, xã Thanh Bình (Hớn Quản)

Tôi không có đôi mắt sáng, song tìm hiểu cũng biết về gia đình anh Đặng Thanh Hùng. Không phải người giàu, thế nhưng anh Hùng vẫn trích tiền lương hưu để hỗ trợ tôi hằng tháng. Càng hiểu, gia đình tôi càng cảm kích tấm lòng của anh.        

Ông Lê Văn Đây, tổ 5, ấp Chà Là, xã Thanh Bình nói.

Nhận sự hỗ trợ của ông Hùng hơn 10 năm nay, ông Lê Văn Đây xúc động: Cuộc sống của tôi có nhiều bất hạnh. Từ khi lên đây (xã Thanh Bình - PV), tôi được vợ chồng anh Hùng và chính quyền, đoàn thể, bà con hỗ trợ nhiều lắm. Hằng tháng, cứ đúng ngày 5 là anh Hùng lại chạy xe sang nhà cho gạo, mì gói, mắm, muối, bột ngọt. Thỉnh thoảng anh còn mua thịt, cá, rồi cho thêm tiền điện. Dịp tết, anh Hùng mua nhiều quà hơn rồi còn mừng tuổi cho tôi nữa.

Về ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình hỏi vợ chồng ông Hùng, bà Kẻng hầu như ai cũng biết. Không chỉ được biết với cuộc sống gia đình hạnh phúc, ông bà còn tham gia đầy đủ hoạt động, phong trào của tổ chức, hội, nhóm và làm từ thiện theo cách riêng của mình. Ngoài trợ cấp hằng tháng cho người nghèo, mỗi khi tết đến xuân về, ông Hùng mua nhiều hơn số gạo, mì, gia vị và thức ăn rồi mang đến thăm những người “quen” của mình, giúp họ có ngày lễ, tết trọn vẹn và đầm ấm. Ông cũng không quên mừng những người “quen” thêm tuổi mới với nhiều may mắn.

Ông Hùng chia sẻ: “Mỗi lần đến thăm, nhìn thấy trên mâm cơm của họ chỉ toàn muối, mắm, tôi nhớ lại ngày xưa của mình. Thôi thì xưa cuộc sống khó khăn, ăn bo bo, cơm độn không sao nhưng bây giờ thức ăn đã đủ đầy... Tôi thấy mình khổ, họ còn khổ hơn. Hằng tháng, từ 7,5 triệu lương hưu, tôi trích ra 1 triệu đồng để mua 4 phần quà gồm 10kg gạo, mì gói và một số nhu yếu phẩm khác để giúp đỡ 4 người nghèo tại xã Thanh Bình. Năm 2015, có 2 người đã mất do bệnh, tôi tăng gạo, nhu yếu phẩm cho 2 người còn lại”.

HỌC BÁC BẰNG VIỆC LÀM CỤ THỂ

Là Bộ đội Cụ Hồ, sau khi xuất ngũ năm 1982, ông Hùng chuyển công tác tới Nông trường cao su Đồng Nơ, Công ty cao su Bình Long. Đến năm 2003, ông nghỉ hưu và sinh sống tại một căn nhà nhỏ ở xã Thanh Bình.

Ông Đặng Thanh Hùng sinh năm 1945, ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Năm 16 tuổi, chứng kiến cảnh chiến tranh tàn phá quê hương, ông tham gia hoạt động cách mạng và đóng quân tại quận Hớn Quản - một quận thuộc tỉnh Thủ Dầu Một dưới thời Pháp trị (nay là huyện Hớn Quản và thị xã Bình Long). Sau khi đất nước hòa bình, ông ở lại và lập gia đình với bà Thái Thị Kẻng, cũng là một du kích từng vào sinh ra tử với ông trên chiến trường Hớn Quản.

57 năm sống tại Hớn Quản, tài sản ông bà có được là 4 người con đã trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Không vườn rẫy, ông bà xây một căn nhà nhỏ tại xã Thanh Bình làm nơi an dưỡng tuổi già. Những ngày nghỉ hưu với ông là quây quần ở vườn nhà với mớ rau, con gà hoặc ghé thăm những người con, người cháu của mình. Xác định phải sống có ích với gia đình và xã hội, từ khi nghỉ hưu đến nay, hằng tháng ông hỗ trợ những hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn ở xã Thanh Bình.

Những năm gần đây, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân. Học Bác, mỗi người lựa chọn cho mình một thái độ, một khía cạnh để rèn luyện tích cực. Với ông Hùng, khi trở về cuộc sống đời thường, ông xây dựng một lối sống giản dị, cố gắng giúp đỡ người khác trong khả năng của mình.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hớn Quản Trịnh Thế Sơn cho biết: Ông Đặng Thanh Hùng là một trong những tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa bàn huyện. “Học đi đôi với hành”, những việc làm của ông Hùng rất thực tế, mộc mạc và mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài giấy khen của huyện, xã, các đoàn thể, ông Hùng còn là một trong những cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017.

Không chỉ học Bác để sống tốt hơn, trách nhiệm hơn với mình, với gia đình, bạn bè, xã hội, việc làm của ông Hùng còn góp phần lan tỏa phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến nhiều thế hệ.

Thanh Nga

  • Từ khóa
43378

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu