Thứ 6, 29/03/2024 03:07:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:59, 30/10/2019 GMT+7

1.000 + 1.000 = An dân

Thứ 4, 30/10/2019 | 08:59:00 370 lượt xem

>> Kỳ 1. Dồn tâm sức lo cho dân

Kỳ cuối. Đưa nghị quyết vào thực tiễn

Với phương châm lãnh đạo tỉnh quan tâm thì lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, đến bí thư chi bộ, trưởng thôn ấp cũng phải quan tâm. Có như vậy chính sách mới thực sự đi sâu vào từng ngõ ngách đời sống người dân.

Cách làm sáng tạo của cơ sở

Xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp có 10 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ thoát nghèo bền vững, trong đó 5 hộ có nhu cầu về nhà ở. Bí thư Đảng ủy xã Phan Trung Thành cho biết, sau khi có kế hoạch của tỉnh, huyện  về xóa hộ nghèo dân tộc thiểu số, Đảng ủy xã hằng tháng đều có nghị quyết chỉ đạo đến các bí thư chi bộ để nắm tình hình, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và có báo cáo tiến độ hàng tháng.

Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng Trần Chí Công cho biết: Sau khi các đoàn của tỉnh, huyện, xã rà soát, phúc tra kỹ lưỡng các hộ đăng ký, xã đã chủ động liên hệ nhà thầu ứng vật liệu xây dựng để tiến hành làm nhà ngay. Chỉ trong 1 tháng các căn nhà đã hoàn thiện và bàn giao cho người dân. Xóa 1.000 hộ nghèo là chương trình lớn của tỉnh, thông qua tuyên truyền, người dân đã hiểu được ý nghĩa nên khi vận động doanh nghiệp ứng vốn đầu tư thì họ đồng ý ngay.

Đường bê tông xi xăng thực hiện theo cơ chế đặc thù trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở tổ 4, thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù ĐốpĐường bê tông xi xăng thực hiện theo cơ chế đặc thù trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở tổ 4, thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp

Không chỉ bắt tay vào làm nhà, xã Thiện Hưng còn xây dựng giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu được giao như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... Bí thư Đảng ủy xã Phan Trung Thành nhận định: Mô hình tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số là lựa chọn của xã giúp đồng bào có thu nhập ổn định, từ đó mới thoát nghèo bền vững. Hiện nay toàn xã có 200 người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề và nhận vào làm tại các nông trường cao su trên địa bàn.

Chị Điểu Thị Vi ở thôn Thiện Cư không ngớt lời cảm ơn xã đã tạo điều kiện cho chồng chị được học nghề khai thác mủ cao su và giờ có thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng. Ngôi nhà sắp hoàn thành của gia đình chị cũng thuộc chương trình hỗ trợ hộ thoát nghèo của tỉnh. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, vợ chồng chị đã chi thêm tiền để lót gạch men cho ngôi nhà khang trang hơn. Vợ chồng chị cũng đã được xét cấp 2 con dê giống theo nhu cầu.

Ở thôn 1, hộ bà Điểu Thị Sariêng cũng được xét hỗ trợ thoát nghèo trong năm 2019. “Gia đình có 2 sào đất trồng điều. Con gái đang làm công nhân cạo mủ cho Trung đoàn 717, Binh đoàn 16, con trai đi theo phụ việc cho chị. Thu nhập từ đồng lương của con đủ để trang trải trong gia đình. Ngôi nhà gỗ đã lâu năm nên mối ăn sập gần hết. Giờ được nhà nước quan tâm hỗ trợ xây nhà mới và cho vay thêm 50 triệu đồng để mua trâu tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước. Tôi mong muốn thoát nghèo để nhường chính sách hộ nghèo cho người khác” - bà Sa riêng chia sẻ.

Nhìn 40 bộ hồ sơ của 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký thoát nghèo trong năm 2019 của xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập được đóng gói cẩn thận thì biết nơi đây đã chủ động triển khai kế hoạch giảm nghèo của tỉnh từ sớm. Đó là ngay sau khi có kế hoạch của huyện, xã đã xây dựng kế hoạch riêng. Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Trần Văn Linh cho biết: Đảng ủy xã đã thành lập ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo do đồng chí Bí thư đảng ủy làm trưởng ban. Đồng thời ra nghị quyết thực hiện thoát nghèo cho các hộ dân tộc thiểu số. UBND xã ban hành kế hoạch giảm nghèo cho 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phân công cụ thể cho mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phụ trách theo dõi, giám sát, báo cáo tình hình từng thôn có hộ được hỗ trợ thoát nghèo.

Theo kế hoạch, ngay sau khi hoàn thành phúc tra, rà soát, xã đã tự chủ các nguồn lực như phối hợp với ngân hàng chính sách, các nguồn vốn hộ nghèo, vốn 2085, vốn 755... triển khai cho 18/22 hộ có nhu cầu vay vốn. Vốn chương trình 135 của xã đã trích mua 8 con bò hỗ trợ cho 8/24 hộ có nhu cầu hỗ trợ bò giống ở các ấp Bù Bưng, Bù Khơn, thôn 3. Xã phối hợp với Phòng Nội vụ - Lao động thương binh xã hội và Trung đoàn 778 dạy nghề cạo mủ cao su cho 35 người. Sau đào tạo trung đoàn đã nhận vào làm công nhân, số chưa có việc làm thì đảng ủy, UBND và các hội, đoàn thể có trách nhiệm liên hệ xin việc.

Tháng 8 vừa qua, anh Điểu Hưng ở thôn Bù Khơn là một trong 8 hộ được hỗ trợ 1 con bò đực. Trước đó gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò cái từ chương trình hỗ trợ bò giống xoay vòng. Đàn bò của gia đình được chăm sóc cẩn thận nên đã sinh sản được 1 con bê. Gia đình anh Hưng đã được tặng nhà tình thương, tuy nhiên căn nhà đã sử dụng nhiều năm giờ xuống cấp nên anh được hỗ trợ sửa nhà. Hiện anh đang làm công nhân bảo vệ rừng cho Vườn quốc gia Bù Gia Mập với nguồn thu nhập tương đối ổn định. Các con của anh đều được đến trường.

Minh Lập là xã thuộc huyện Chơn Thành – một trong 4 huyện, thị xã, thành phố tự đối ứng ngân sách thực hiện 2 kế hoạch xóa 1.000 hộ nghèo và làm 1.000km đường giao thông nông thôn. Qua rà soát, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ theo nhu cầu của 9 hộ dân tộc thiểu số đăng ký thoát nghèo là hơn 530 triệu đồng. Đến nay, ngoài nhà ở cho 3 hộ có nhu cầu đang xây dựng, còn lại các nhu cầu về hỗ trợ sửa nhà, nước sạch, nhà vệ sinh, nông cụ sản xuất, con giống, thông tin đều đã hỗ trợ xong cho các hộ dân. Tiến độ thực hiện của xã Minh Lập nhanh so với kế hoạch chung của tỉnh.

Giao chỉ tiêu để phấn đấu

Bên cạnh những ngôi nhà mới thì những con đường bê tông xi măng cũng vừa hoàn thành góp phần làm bừng sáng vùng quê. Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp Trần Chí Công cho biết: Thiện Hưng hiện còn 20km đường trục thôn, ngõ xóm cần thực hiện bê tông, sỏi đỏ và nhựa hóa. Kế hoạch của xã trong năm 2019 sẽ thực hiện làm 2km đường bê tông xi măng. Tuy nhiên thực hiện kế hoạch làm 1.000km đường theo cơ chế đặc thù của tỉnh, xã được giao chỉ tiêu làm thêm 4km. Nếu không giao chỉ tiêu thì khối lượng công việc của xã sẽ nhẹ nhàng hơn. Song đảng ủy, UBND xã đã xác định giao chỉ tiêu là để phấn đấu, xã quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đây hơn nữa là cơ hội để xã sớm hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đến cuối tháng 9-2019, xã đã thực hiện đạt 5,1/6km được giao và sớm hoàn thành trong tháng 11.

Trong 6km chỉ tiêu giao, Thiện Hưng có 2 tuyến đường với tổng chiều dài 750m thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung đã được đầu tư hoàn chỉnh trong tháng 9-2019. Anh Lâm Quốc Hoàng - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cho biết: “Con đường tổ 4, thôn 7 chỉ dài 550m nhưng nếu không có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí của nhà nước thì đồng bào không biết khi nào mới có đường sạch sẽ để đi. Vì trong năm 2018, xã đã vận động nhưng người dân không đủ khả năng đóng góp. Khi có chủ trương đầu tư, chỉ trong một buổi chiều, chính quyền xã cùng người dân đã giải tỏa mặt bằng xong. Không bỏ tiền ra đối ứng nhưng bà con vẫn giám sát công trình mỗi ngày, hỗ trợ nhà thầu và đóng góp công lao động”.

Xã Minh Lập, huyện Chơn Thành được giao chỉ tiêu thực hiện 10km đường trong chương trình làm 1.000km đường bê tông xi măng của tỉnh. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế nhu cầu trong dân chỉ cần 6,6km, bởi Minh Lập đang được tập trung đầu tư để trở thành xã nông thôn mới trong năm 2019. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Nam cho biết: Minh Lập vừa triển khai nhiệm vụ hoàn thành nông thôn mới, song song với chương trình làm đường theo cơ chế đặc thù của tỉnh đã tạo ra thử thách đối với cấp ủy, chính quyền xã, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để xã hoàn thành vượt chỉ tiêu của tiêu chí giao thông nông thôn. Việc làm thêm 6,6km xã đã có kế hoạch và triển khai đồng thời với các tuyến đường nông thôn mới. Nếu đường nông thôn mới chỉ đến đầu xóm thì đường theo cơ chế đặc thù của tỉnh đã đến trước sân nhà. Đến cuối tháng 10, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.

Quyết sách bản lề

Làm sao để Bình Phước thực sự xứng đáng là tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam là câu hỏi đặt ra với các cấp lãnh đạo tỉnh nhiều nhiệm kỳ qua. Và để thu hút đầu tư thì trước tiên tỉnh phải dùng nội lực đầu tư hạ tầng cơ sở cho vững chắc. Vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy quyết tâm trong năm 2019 phải thực hiện được 2 quyết sách bản lề cho những năm tiếp theo là xóa 1.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo và làm 1.000km đường giao thông nông thôn.

Gia đình anh Điểu Hưng ở thôn Bù Khơn, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chăm sóc tốt đàn bò được hỗ trợ nhằm thoát nghèoGia đình anh Điểu Hưng ở thôn Bù Khơn, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chăm sóc tốt đàn bò được hỗ trợ nhằm thoát nghèo

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho rằng đây là chính sách nối dài. Nếu mỗi năm xóa được 1.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thì trong 3 năm tới Bình Phước sẽ không còn hộ nghèo. Tương tự vùng nông thôn sẽ không còn những con đường đất đỏ mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù. Để làm được điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải chuyển động, sáng tạo trong cách làm và rút kinh nghiệm qua từng năm.

Bình Phước  hiện còn 29 xã của 8/11 huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng khó khăn, trong đó có 10 xã, 51 thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Tỉnh có 40 thành phần dân tộc thiểu số, tương đương 19,67% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn là người bản địa, đời sống còn nhiều khó khăn. Để họ vượt lên thoát nghèo bền vững không thể một sớm một chiều mà cần thời gian và sự hỗ trợ, đeo bám, giúp đỡ của các cấp, ngành. Không thể chỉ vừa hỗ trợ thì họ thoát nghèo, trong khi nuôi một con bò mất 9 tháng mới sinh sản, một con dê cũng cần 6 tháng để tăng đàn. Chính vì vậy chính sách nối dài là đến 3 năm sau thì 1.000 hộ được hỗ trợ trong năm 2019 mới thực sự thoát nghèo bền vững. 1.000 + 1.000 = An dân là thế.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
63026

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu