Thứ 7, 20/04/2024 16:37:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:42, 02/01/2016 GMT+7

Quê ơi!

Thứ 7, 02/01/2016 | 15:42:00 241 lượt xem

BP - Hồi mới chuyển công tác vào Bình Phước, cứ ngồi vào mâm cơm là vợ tôi lại nhăn nhó: Thức ăn trong này cứ làm sao ấy, chẳng giống ngoài quê mình. Ăn rau má sống, cô ấy chê chẳng có vị rau má ngoài quê. Tôi ghẹo, ai chả biết rau má quê em to hơn lá sen! Ăn bát canh cua, cô ấy bảo không thơm như cua ngoài quê. Luộc hến để lặng nước nấu canh, cô ấy cũng bảo hến không ngọt và không có mùi đặc trưng như hến ngoài quê. Đến cọng hành cọng hẹ, cây mồng tơi, cây rau cải cũng không ngon, không mướt bằng ở ngoài quê. Nghĩa là chả có cái gì tốt đẹp, ngon lành như ở ngoài quê cả. Ban đầu nghe vợ nói, tôi cũng gật gù thừa nhận. Nhưng nghe mãi sinh bực. Có lần tôi vặc lại, ngoài quê tươi tốt, ngon lành thế, sao không ở ngoài đó, lại mò vào tận đây làm gì! Vợ tôi chưng hửng và kể từ đó, cô ấy không hay so sánh trước mặt tôi về những thứ này thứ nọ ngoài quê nữa!

Thực ra trong tôi vẫn luôn trào lên nỗi nhớ quê nhà, nhớ những món ăn dân dã đã gắn với tôi suốt những năm tháng ấu thơ. Cái làng nhỏ chênh vênh ven quốc lộ 1A và gối đầu lên cánh đồng quê tôi nghèo lắm. Ngoài đồng là những ô ruộng hẹp bao quanh những cồn bãi hoang. Trong làng là những mảnh vườn tạp toàn đất gan gà, nắng lên thì nứt toác, còn mưa xuống thì trơn như đổ mỡ. Thế nên người làng tôi ai cũng có bàn chân tòe ngón vì luôn phải bấm ngón xuống mặt đường trơn truội cho khỏi ngã. Quê tôi cũng chả có đặc sản hay cao lương mỹ vị gì đặc biệt. Chỉ có điều những món hàng bán ở chợ quê đều được mang đến từ những mảnh vườn, thửa ruộng của người quê nên còn tươi rói. Đó là những rổ rau, rổ chè xanh hay trầu cau của các bà, các mẹ vừa hái từ vườn nhà. Là những con cá trắm lưng đen trũi quẫy trong chiếc thúng trải ni-lon của nhà ai đó vừa mới tát ao, là dãy bánh đúc, bánh rán, kẹo bột... do chính những người nhà quê sì sụp suốt đêm để làm và mang ra chợ.

Những ngày giáp tết, mẹ thường gánh gồng đủ thứ gừng, nghệ, đậu, lạc, riềng, sả trong hai chiếc thúng ra chợ, tôi lúp xúp chạy theo sau. Chừng giữa buổi, khi gánh hàng của mẹ vơi và bụng tôi đã sôi lên òng ọc, mẹ thường mua cho chiếc bánh xèo của bà béo gần đó. Tôi hít hà chiếc bánh bột nếp nhân đậu thơm phức rồi ngoạm một miếng rõ to, mỡ sùi ra hai bên mép. Loáng một cái, chiếc bánh đã nằm yên trong bụng. Tôi thè lưỡi liếm láp những ngón tay dính mỡ một cách thèm thuồng. Cho đến bây giờ, khi đã thưởng thức rất nhiều của ngon vật lạ trên đời, tôi vẫn thấy không gì ngon bằng chiếc bánh xèo mẹ mua cho và tôi ngồi ăn ngay giữa chợ những ngày giáp tết. Nhớ những buổi chiều mùa đông đi học về bụng đói meo, vừa về tới ngõ đã ngửi thấy mùi xu hào xào mỡ thơm lừng khiến nước miếng tuôn ra đầy miệng. Lại có lần đau bệnh quặt quẹo mãi không khỏi, chợt thấy thèm một bát canh cua rau đay. Và tôi đã khỏi bệnh ngay sau khi ăn hết bát canh mẹ nấu.

Đã hơn nửa cuộc đời, phiêu dạt hàng ngàn cây số, tôi chợt nhận ra rằng, cọng rau, con cá và đến cả hạt gạo quê tôi đều ngon đều ngọt bùi hơn bởi tôi từng chứng kiến chúng đã lớn lên theo mùa vụ, cùng năm tháng, từng bị dập vùi qua bão tháng bảy với mưa tháng ba để tồn tại. Một hạt lúa, một củ khoai làm ra ở quê tôi phải trải qua nhiều khổ ải mới thành. Thế nên mỗi khi nghĩ về quê hương, trong tôi luôn trào lên nỗi nhớ và cái ngăn nhớ ngày một thêm đầy. Những lúc ngồi trước bàn tiệc, rượu thịt ê hề, tôi lại nhớ đến cồn cào gáo nước giếng làng mát lạnh và trái bắp nướng thơm phức vào những chiều hè từ ngoài đồng về. Những giờ khuya khoắt loạng choạng bước ra khỏi quán karaoke, tôi lại nhớ những buổi tập văn nghệ nơi sân đình tràn ngập ánh trăng. Lúc đưa con đi thăm vườn thú, cái ngăn nhớ lại mở ra và tôi thấy mình đang nằm rạp trên lưng trâu trong một buổi chiều đánh trận giả trên cánh đồng quê thênh thang gió lộng.

Tết Bính Thân 2016 đang cận kề nhưng tôi chẳng phải lo đi sắm tết bởi sát bên hông nhà vừa khai trương một siêu thị nhỏ. Tất cả mọi thứ phục vụ tết đều có thể mua từ siêu thị ấy. Cơn gió đông ào về mang theo hơi lạnh. Tôi chợt nghe thoảng đâu đây tiếng than củi cháy nổ lép bép trong chiếc lò nấu bánh chưng; tiếng bầy gà quang quác khi mẹ chọn những con trống mang ra chợ tết; tiếng ông nội đang hướng dẫn thằng em trai lau mấy chiếc lư đồng trên bàn thờ và tiếng bầy trẻ con bất chấp cái rét thấu xương đang ngụp lặn trong đám sình lầy dưới ao nhà tôi để hôi cá. Tự nhiên tôi buột gọi, quê ơi!    

     BK

  • Từ khóa
53200

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu