Thứ 6, 29/03/2024 22:09:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 08:56, 26/06/2015 GMT+7

Kiến nghị con rể, con dâu cũng được hưởng thừa kế

Thứ 6, 26/06/2015 | 08:56:00 1,485 lượt xem
BPO - Chiều 25-6, Quốc hội thảo luận về Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

Quy định về chuyển giới không thống nhất?

Về vấn đề chuyển giới tính, dự thảo Bộ luật theo hướng: trong điều kiện hiện nay của nước ta, Bộ luật dân sự chưa nên quy định việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng cũng cần có quy định để giải quyết những hậu quả pháp lý liên quan, nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của người đã chuyển đổi giới tính (luật quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan).

Tuy nhiên, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu: Nhà nước không thừa nhận nhưng lại tạo điều kiện để họ thực hiện quền thân nhân sau khi chuyển đổi giới tính, như vậy là khuyến khích “việc đã rồi”. Bởi vậy, cần quy định rõ ràng, quan điểm rõ ràng về vấn đề chuyển giới.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, quy định về chuyển giới như dự thảo là không thống nhất. “Vừa không công nhận lại vừa công nhận việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Nếu đã không công nhận chuyển giới thì đường nhiên các cơ quan chức năng sẽ không công nhận quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác. Vậy tại sao luật lại quy định như vậy?”. ĐB Trần Ngọc Vinh đề nghị Ban soạn thảo phải giải trình rõ 4 vấn đề sau để ĐBQH có thêm thông tin để quyết định: nếu không thừa nhận chuyển giới thì Việt Nam ta có vi phạm không?. Thực tế đã có nhiều người chuyển giới, vậy nếu không công nhận thì phải chăng họ sống ngoài vòng pháp luật và không được thụ hưởng các chính sách xã hội?. Khi họ vi phạm pháp luật thì xử lý ra sao?. Chuyển giới tác động đến sức khỏe, bảo vệ nòi giống như thế nào?. 

Đồng tình có giới hạn trong quyền đặt tên

Về vấn đề quyền đặt tên, dự thảo quy định “tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái”. ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) thống nhất với dự thảo vì tên không thể quá dài, phải tính đến vấn đề hội nhập quốc tế. Tên 35 ký tự chẳng hạn, khi làm giấy tờ rất bất tiện.

Cùng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, việc đặt tên còn phải bảo đảm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi dân tộc đều ra sức bảo vệ ngôn ngữ của mình, vậy tại sao chúng ta lại cổ súy cho việc lai căng khi cho rằng cần tôn trọng quyền đặt tên.  ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cũng đồng tình với dự thảo vì “tên nếu quá dài sẽ phải viết tắt, mà viết tắt thì sẽ nảy sinh rắc rối, nên giới hạn tên không quá 25 chữ cái. Tuy nhiên, cần giải trình rõ vì sao lại giới hạn 25 chữ cái mà không phải là con số nào khác.

Về quyền xác định họ cho con của phụ nữ độc thân có con, dự thảo quy định con sẽ theo họ mẹ. Tuy nhiên, ĐB Đặng Thị Kim Chi  cho rằng, nên để cho người mẹ được quyết định họ của con mình.

Một vấn đề khác, theo ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình), dự thảo Bộ Luật cho phép tòa án áp dụng phong tục tập quán để xét xử các vụ án dân sự trong trường hợp không có điều luật để áp dụng, nhưng hiện Việt Nam có quá nhiều phong tục tập quán. “Vì vậy cần nói rõ những phong tục tập quán nào được áp dụng trong Bộ luật này, vì có nhiều phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu”, ĐB Khúc Thị Duyền nêu quan điểm.

Đáng chú ý, về vấn đề quyền thừa kế, ĐB Khúc Thị Duyền cho rằng, cần xem xét con rể, con dâu cũng được hưởng quyền thừa kế, vì hiện nay với quy mô gia đình ít con, con rể, con dâu cũng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ vợ/chồng như con trai, con dâu. Thậm chí ở nhiều gia đình, họ còn chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ nhiều hơn con đẻ. ĐB Nguyễn Thanh Hòa (Bắc Ninh) đồng tình với ý kiến này khi cho rằng, nhiều con dâu cả đời chăm lo cho bố mẹ chồng nhưng toàn bộ tài sản, bất động sản lại đứng tên con trai và họ không được hưởng quyền thừa kế là bất công.

Vì là một đạo luật quan trọng nên dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi đã được lấy ý kiến nhân dân. Tính đến ngày 15-5, theo số liệu được tổng hợp từ 42 báo cáo của bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, 58 báo cáo của UBND tỉnh, thành thì có khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến. Kết quả cho thấy, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, cơ bản đã thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các nghị quyết có liên quan của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền dân sự của con người, công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
26693

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu