Thứ 6, 29/03/2024 04:13:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:53, 13/06/2013 GMT+7

Việc nhỏ - ý nghĩa lớn

Thứ 5, 13/06/2013 | 09:53:00 290 lượt xem

Phụ nữ xã Tân Hưng (Hớn Quản) đã học Bác bằng việc nhịn ăn sáng để nuôi heo đất, bớt một nắm gạo khi nấu cơm để giúp đỡ người khó khăn xung quanh mình.

NHỮNG MÔ HÌNH HAY

Qua 3 tháng thực hiện phong trào, ngày hội khui heo đất kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2013), Hội phụ nữ xã Tân Hưng (Hớn Quản) đã thu về gần 13 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Cẩm, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: Chúng tôi đã bình xét và lên danh sách những hội viên cần giúp đỡ. Số tiền khui heo đất sẽ đưa vào sổ tiết kiệm tặng hội viên nghèo, khó khăn, mỗi sổ 1 triệu đồng.


Niềm vui đập heo đất giúp hội viên khó khăn của phụ nữ xã Tân Hưng

Phong trào nuôi heo đất của phụ nữ xã Tân Hưng được các chi, tổ hội ở 9 ấp hưởng ứng tích cực. Chị Thị Cưa, Tổ phó tổ 7, ấp Hưng Phát nói: Tổ 7 có 26 hội viên là đồng bào Xêtiêng. Mỗi tháng tổ hội sinh hoạt một lần. Có chị đã nhịn ăn sáng dành tiền tham gia, phong trào. Người bỏ 5.000, 2.000 đồng... nhưng ai cũng hăng hái tham gia vì thấy phong trào có ý nghĩa. Năm 2012, chồng chị Thị Trúc mất, tổ phụ nữ vận động giúp gia đình 2 bao gạo. Các hội viên còn góp vốn sau đó xoay vòng để mua phân bón hoặc nuôi gà, vịt cải thiện kinh tế. Ngoài ra hội viên nghèo còn được tặng nhà tình thương. Vui nhất vẫn là những buổi họp mặt ngày 8-3, 20-10...

Ngoài phong trào nuôi heo đất, nhiều năm qua phụ nữ xã Tân Hưng còn triển khai các mô hình như: góp vốn tự tạo để xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế, quỹ tiết kiệm tín dụng, hũ gạo tình thương, nhà tình thương, gia đình không có tội phạm... Do vậy 48 hội viên nghèo trong xã ít nhất đã có 1 lần được hội giúp đỡ. Hội còn mở rộng đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách, khó khăn đột xuất, trẻ em trong xã.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã thông tin thêm: Từ các phong trào, hội đã ghi nhận nhiều đóng góp của các chi hội, tổ hội, hội viên xuất sắc như: Phụ nữ ấp Sóc Xoài vận động góp tiền kéo điện cho hội viên nghèo; ấp Sóc Quả, Đông Hồ xây dựng được vốn tự tạo lớn, giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế, nuôi con ăn học; chị Thị Ơi ở ấp Sóc Ruộng giúp chị Thị Mia 40 triệu đồng không tính lãi để làm nhà, hiến 32m2 đất xây nhà tình thương cho chị Thị Miết; hội viên Hội phụ nữ xã vận động đóng góp 14 triệu đồng xây nhà cho chị Thị Gái ở ấp Sóc Ruộng...

HIỆU QUẢ LÂU DÀI

Ông Hoàng Văn Hào, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng nhận xét: Phụ nữ trong xã, đặc biệt là các hội viên nòng cốt đã có nhiều cố gắng xây dựng phong trào hội lớn mạnh. Không chỉ xóa nghèo, phát triển kinh tế mà các chị đã tạo được sự gắn kết trong cộng đồng, tương thân tương ái, cùng nhau bàn bạc, tổ chức nhiều cách làm hay giúp chị em cùng tiến bộ, nâng cao vị thế phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Hớn Quản cho biết: Trong 3 năm, chỉ tính riêng phong trào nuôi heo đất, toàn huyện đã tặng hơn 300 sổ tiết kiệm, xây 39 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo, khó khăn.

Thấy được hiệu quả thiết thực nên chị Lê Thị Lan Hương, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Sóc Quả đã gắn bó với công tác hội hơn 15 năm nay. Đến tháng 6-2012 ấp Sóc Quả mới có điện, đường sá được cải thiện, còn thời gian trước khó khăn. Đời sống vất vả nên công tác vận động chị em tham gia phong trào hội gặp nhiều khó khăn, vất vả. “Tôi không nản lòng với phong trào hội là vì qua bao cực khổ chị em hội viên đã cùng sát cánh, động viên nhau. Thông qua các phong trào hội đã giúp 20 hội viên nghèo là đồng bào Xêtiêng ở ấp Sóc Quả lúc khó khăn. Từ phong trào các chị có kinh tế khá đã bàn nhau góp vốn giúp hội viên nghèo được vay và hỗ trợ nhau về tinh thần. Từ đó cuộc sống của họ ngày càng cải thiện, nhận thức được nâng lên và thấy được quyền lợi khi tham gia hội. Có tổ đã trang bị được đồng phục, hàng năm tổ chức cho hội viên tham quan du lịch ngoài tỉnh”, chị Hương chia sẻ.

Cùng chị Cẩm, chị Hương, chị Thị Cưa đi thăm một số gia đình hội viên tiêu biểu trong phong trào hội, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của các chị ngay trong chính ngôi nhà của mình. Phụ nữ Xêtiêng ở Tân Hưng hiện đã biết nuôi con theo khoa học, có nếp sống văn minh, tiến bộ. Đồng bào Thái có kinh tế ổn định, biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc dù ở quê hương thứ hai... Tất cả tạo nên sự khởi sắc của một vùng đất bình yên, hứa hẹn sự trù phú. 

Phương Dung

  • Từ khóa
45448

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu