Thứ 3, 23/04/2024 13:37:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 07:05, 12/05/2015 GMT+7

Luật Phá sản 2014 và những điểm mới có lợi cho doanh nghiệp (Phần 4)

Thứ 3, 12/05/2015 | 07:05:00 2,987 lượt xem

* Quy định thêm về thủ tục phá sản cho tổ chức tín dụng:

BPO - Về quyền, nghĩa vụ: tương đối giống với doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng bổ sung thêm trường hợp nếu tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng nhà nước Việt Nam nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.

Hoàn trả khoản vay đặc biệt: Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.

Thứ tự phân chia tài sản: Chi phí phá sản. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết. Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ khoản nợ nêu trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã. Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên; cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.

Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định trên thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Trả lại tài sản nhận ủy thác, nhận giữ hộ khi tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản phá sản: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản, chủ sở hữu tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và hồ sơ, giấy tờ liên quan với cơ quan thi hành án dân sự để nhận lại tài sản của mình.

Giao dịch của tổ chức tín dụng trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt: Giao dịch của tổ chức tín dụng thực hiện trong giai đoạn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không áp dụng quy định về giao dịch vô hiệu quy định tại Điều 59 của Luật này. Quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản. Trước đây không có quy định thủ tục phá sản dành cho tổ chức tín dụng (Điều 97).

* Đề nghị xem xét lại tuyên bố doanh nghiệp phá sản:

Những người được thông báo bao gồm: người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Thời hạn đề nghị xem xét lại, kháng nghị là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc được thông báo hợp lệ quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Trước đây thời hạn là 20 ngày sau ngày đăng báo về quyết định tuyên bố phá sản.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị xem xét lại, kháng nghị, Tòa án nhân dân đã ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản phải gửi hồ sơ vụ việc phá sản kèm theo đơn đề nghị, kháng nghị cho Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết. Trước đây, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kháng nghị (Điều 111).

* Giải quyết đơn đề nghị doanh nghiệp phá sản:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản do Tòa án nhân dân chuyển đến, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phải trả lại hồ sơ cho Tòa án nhân dân. Trước đây, không có quy định này.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản kèm theo đơn đề nghị, kháng nghị, Tổ Thẩm phán phải tổ chức phiên họp và ra một trong các quyết định sau: Không chấp nhận đơn đề nghị, kháng nghị và giữ nguyên quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Sửa quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Hủy quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản và giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp dưới có thẩm quyền giải quyết lại. Trước đây, quy định thời hạn là 45 ngày, đồng thời không có quy định sửa quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Phiên họp của Tổ Thẩm phán có Viện kiểm sát nhân dân tham gia và có Thư ký Tòa án nhân dân ghi biên bản phiên họp; trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân triệu tập người đề nghị, người khác có liên quan tham gia phiên họp để trình bày ý kiến (Điều 112).

(Còn tiếp)

ĐN
(tổng hợp)

  • Từ khóa
22568

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu