Thứ 6, 29/03/2024 13:58:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:51, 14/05/2015 GMT+7

Đường dây điện qua xã Phú Sơn: Dân còn khổ đến bao giờ?

Thứ 5, 14/05/2015 | 07:51:00 314 lượt xem
BP - Trước nhà là lộ giới đường bộ, phía sau là đường điện trung thế, dân ở giữa “tới không được, lùi không xong”. Đó là tình cảnh của các hộ dân ở 2 thôn Sơn Phú, Sơn Quý, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng. Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Đường dây trung, hạ thế trên mái tôn của nhà dân

Do nền nhà hạ quá thấp so với mặt quốc lộ 14 sau khi cải tạo nâng cấp, để ở được trên mảnh đất “chính chủ”, 41 hộ dân thôn Sơn Phú mỗi nhà phải đổ từ 300-500 xe đất loại 5 tấn/xe để nâng cao nền nhà. Nếu không, nước trên đường đổ thẳng vào nhà không khác gì thủy điện xả lũ mỗi khi trời mưa. 

TRƯỚC ĐƯỜNG, SAU ĐIỆN...

Năm 2004, đường dây điện trung, hạ thế được đầu tư cho người dân xã Phú Sơn theo chương trình điện khí hóa nông thôn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sớm hoàn thành, các hộ dân sống hai bên quốc lộ 14 đã tự nguyện cưa hạ nhiều loại cây trên đất của gia đình để giải phóng mặt bằng mà không đòi hỏi tiền đền bù. Mỗi nhà còn đóng 500 ngàn đồng gọi là tiền “giải phóng mặt bằng”. Đường dây điện vẫn đi đúng dọc hai bên quốc lộ và nằm trước mặt nhà các hộ dân. Tuy nhiên, có hơn 1km đường điện lại “trở chứng” không đi đúng tuyến mà được đơn vị thi công chôn trụ ở phía sau nhà của 60 hộ dân 2 thôn Sơn Phú và Sơn Quý. Mỗi hộ ở đây lại tiếp tục cưa hạ cây trồng lần thứ hai, thứ ba để tạo điều kiện cho đường dây sớm đưa vào sử dụng.

Người dân thôn Sơn Phú bức xúc trước tình cảnh làm nhà ngay trên đất của mình nhưng không được vì vướng hành lang an toàn lưới điện và lộ giới

Qua các đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp, ngành nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Trong đợt tiếp xúc cử tri gần đây, Điện lực Bù Đăng đồng ý phương án di dời trụ điện với kinh phí 246 triệu đồng. Toàn bộ nguồn kinh phí này bắt chúng tôi phải chịu. Đó là điều vô lý, không thể chấp nhận.

Nguyễn Thị Hanh, Phó thôn Sơn Phú

Từ khi quốc lộ 14 được đầu tư nâng cấp, nhà của nhiều hộ dân hai bên đường tụt xuống khá thấp so với mặt đường. Hành lang đường bộ quốc lộ 14 quy định đến 42m buộc người dân phải di dời nhà vào bên trong để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, khi lùi khỏi mốc 42m lại vướng phải đường dây điện trung, hạ thế đi ngang phía sau nhà. Trong khi đó, phía sau là vườn rẫy, đất dốc không thể xây nhà được. Đi tới không được, đi lui cũng không xong, người dân thôn Sơn Phú không biết sẽ xây nhà ra sao để ổn định cuộc sống.

Nhiều hộ dân đã đổ đất nâng cao nền để lợp nhà tạm sử dụng. Gia đình anh Nguyễn Vĩnh Thịnh đã xây tạm một bức tường ngăn không cho đất chảy xuống rẫy, sau đó đổ thêm 300 xe đất trên diện tích khoảng 150m2 để nâng cao nền nhà bằng mặt đường rồi lợp tạm nhà gỗ để ở. Anh Thịnh cho biết: “Chúng tôi khổ lắm, muốn xây nhà kiên cố cũng không được. Đất phía sau thì trũng và dốc, không thể đổ đất xây nhà, mà xây ở đây thì hết vướng hành lang an toàn đường bộ rồi đường điện. Trước mắt, chúng tôi mua đất để nâng nền nhà cũ ở tạm trong mùa mưa”.

Hiện huyện đang phối hợp Điện lực Bù Đăng để di dời. Theo khảo sát ban đầu của Điện lực Bù Đăng, kinh phí di dời khoảng 246 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí này phải do người dân gánh chịu.

Trưởng Kinh tế phòng hạ tầng huyện Bù Đăng Lê Văn Ngọc

Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc đang xây một căn nhà cấp 4 trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ngày 6-5 vừa rồi, Điện lực Bù Đăng đã đến kiểm tra và yêu cầu gia đình chị không được lấn hành lang an toàn đường điện. Chị Ngọc bức xúc cho biết: “Đất của gia đình tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đàng hoàng. Tôi chỉ xây trên diện tích đất của gia đình mình. Vậy mà hết ngành này đến ngành khác tới cấm xây dựng vì vướng hành lang an toàn thì thật vô lý. Cột điện nằm trong phạm vi đất của gia đình chúng tôi, nếu không an toàn thì di dời đi, sao lại cấm xây nhà”.

Theo quan sát của chúng tôi, hơn 1km đường dây điện trung, hạ thế chạy qua thôn Sơn Phú đều đi qua vườn, rẫy của người dân. Cá biệt, một số trụ chỉ cách mái nhà người dân chừng 20cm. Thực tế nhiều năm qua ở khu vực này vẫn xảy ra tình trạng một số đồ dùng trong nhà bị nhiễm điện, các thiết bị điện tử bị hư. Đặc biệt, mùa mưa năm 2015 đã bắt đầu, việc người dân sống chung với đường dây điện trung thế không khác nào đánh cược mạng sống với tử thần.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ... NGƯỜI DÂN?

Nhiều ý kiến của người dân cho biết: Điện chúng tôi phải mua chứ đâu dùng miễn phí. Đường dây điện đi ngang qua vườn sai quy định thì đơn vị kinh doanh phải có phương án di dời sao lại bắt người dân đóng tiền di dời? Khi kéo đường dây vào năm 2004, chúng tôi tự nguyện cắt vườn cây để giải phóng mặt bằng rồi hàng năm đều phải cưa để đảm bảo an toàn. Ai chịu những thiệt hại này cho chúng tôi?

Đây là công trình đường điện do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bù Đăng làm chủ đầu tư. Điện lực Bù Đăng chỉ kế thừa, vận hành. Việc thi công công trình đường điện này Điện lực Bù Đăng không rõ.

Trưởng phòng tổng hợp Điện lực Bù Đăng Nguyễn Hồng Vinh

Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Cao Ngọc Quang cho biết: Ngoài 41 hộ dân của thôn Sơn Phú, còn khoảng 20 hộ thôn Sơn Quý cũng nằm trong tình trạng nhà ở sát với đường dây điện. Tình trạng phóng điện làm cháy các thiết bị điện của nhà dân là có thật. Chính quyền xã đang đau đầu vì đường điện đi trong đất vườn, đất ở của người dân. Trước đây vì nhu cầu bức thiết cần có điện để dùng nên người dân đồng ý cho ngành điện trồng trụ trong vườn mà không đòi tiền đền bù. Còn bây giờ nâng cấp, mở rộng hành lang lộ giới quốc lộ 14 nên nhiều gia đình phải làm lại nhà để tránh tình trạng nước mưa tràn vào. Thế nhưng khi làm nhà lại vướng hành lang an toàn đường điện. Nhiều mái nhà lợp bằng tôn nên rất dễ dẫn đến phóng điện. Mùa mưa đang đến, hết sức nguy hiểm đến tính mạng. Giải pháp an toàn chỉ còn cách là di dời trụ điện.

Đời sống của người dân xã Phú Sơn đang còn rất khó khăn và tính mạng của họ là trên hết. Rất mong việc di dời đường dây điện ở thôn Sơn Phú, Sơn Quý sớm được các cấp, ngành điện lực triển khai thực hiện trước khi quá muộn, đồng thời tìm giải pháp hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân.         

Đông Kiểm - Thanh Nga

  • Từ khóa
92609

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu