Thứ 6, 29/03/2024 11:38:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:10, 14/03/2015 GMT+7

“Gian nan rèn luyện mới thành công”

Thứ 7, 14/03/2015 | 10:10:00 7,843 lượt xem
BP - “Gian nan rèn luyện mới thành công” là câu thơ cuối trong bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu thơ đầy tính triết lý nhân sinh, thể hiện kinh nghiệm, sự lạc quan của Người, quyết không chịu lùi bước trước những gian nan, thử thách để chạm đích thành công. Ngày nay, câu thơ ấy đã được phổ thông hóa, giống như câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, được nhiều người vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày để tự nhủ mình và khuyên dạy con cháu.


Cố hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (ảnh Internet)

Bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” nằm trong tập thơ “Nhật ký trong tù” (1942-1943), được Bác viết trong hoàn cảnh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ trong ngục. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, một tiếng thơ tự do đã bay lên và câu thơ “Gian nan rèn luyện mới thành công” như khẳng định ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan, đầy chất thép của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Sau này, vẫn với tinh thần ấy, khi đến thăm một đơn vị thanh niên xung phong làm đường trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đã khuyên thanh niên: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Thực vậy, không có thành công nào lại không được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, thậm chí là nước mắt và xương máu. Trên con đường đi đến thành công, nhiều khi chúng ta phải nếm trải hoàn cảnh “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” (Tục ngữ). Khi đã đương đầu và vượt qua những khó khăn, rào cản, thất bại thì ít nhiều chúng ta đã đúc rút được bài học về sự thành công. Nhiều người đã hỏi vui “Thất bại là mẹ của thành công”, vậy cha của thành công là ai? Cha của thành công chính là “ý chí bất bại và tinh thần vượt khó”. Không có người con nào sinh ra lại không mang một phần huyết thống, gen di truyền từ cha. Vậy nên, người con “thành công” ắt phải nhận gen “ý chí bất bại và tinh thần vượt khó” của người cha.

Trên thực tế, có nhiều tấm gương sáng nghị lực đã biết tôi rèn theo câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vượt lên hoàn cảnh, chinh phục thành công. Ví như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, năm lên bốn tuổi, thầy bị bệnh bại liệt hai tay. Nhưng bằng nghị lực phi thường, thầy đã phấn đấu rèn luyện viết chữ bằng chân, rồi đi thi học sinh giỏi Toán, tốt nghiệp đại học và trở thành nhà giáo ưu tú, nhà văn, nhà thơ. Năm 2005, thầy Ký được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tặng danh hiệu: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Tương tự, “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Công Hùng phải chịu cảnh ngồi xe lăn từ nhỏ. Chỉ với một ngón tay duy nhất có thể cử động được, anh đã làm nên điều phi thường: Tự học và trở thành chuyên gia về công nghệ thông tin, mở trung tâm đào tạo tin học dạy cho người khuyết tật, tổ chức và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Đến năm 2006, anh được bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Cuối cùng, xin mượn lời của “thần đồng” Lê Quý Đôn (1726-1784) trong cuốn “Kiến văn tiểu lục” của ông để khẳng định lại rằng thành công chỉ có được khi biết gian nan rèn luyện: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn nhỏ thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy của cha, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: Mặt Bắc sang sứ Trung Quốc, mặt Tây bình định Trấn Ninh, mặt Nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách”.  

Hồng Phấn

  • Từ khóa
91111

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu