Thứ 6, 19/04/2024 07:06:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:00, 31/08/2016 GMT+7

“Ý rất mới” từ một lời cam kết

Thứ 4, 31/08/2016 | 10:00:00 147 lượt xem
BP - “Nếu xảy ra sự cố môi trường, tôi giao hết tài sản cho Nhà nước... Nếu mai này tôi thất hứa cứ đưa ra tòa”. Đó là lời cam kết của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ về quá trình thực hiện dự án thép ở tỉnh Ninh Thuận. Lời cam kết này không chỉ được báo chí đăng tải để nhân dân biết mà Thủ tướng Chính phủ cũng coi “đó là ý rất mới”.

“Ý rất mới” theo cách hiểu là từ trước đến nay hầu hết các nhà đầu tư chỉ đưa ra lời hứa, chứ chưa có lời cam kết nào mạnh mẽ như vậy. Mặc dù việc cam kết bảo vệ môi trường trong tất cả dự án là bắt buộc, mang tính pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp về môi trường với cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước. Các nguồn tác động ảnh hưởng đến môi trường của dự án phải được đánh giá chi tiết, từ đó đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường. Thế nhưng thực tế là người dân cũng đã nghe nhiều lời hứa của các nhà đầu tư rằng sẽ bảo vệ môi trường, nhưng rồi họ tìm mọi cách luồn lách để có được bản đánh giá tác động môi trường cho “đủ thủ tục” và kết quả là ô nhiễm xảy ra hầu khắp các dự án lớn, nhỏ.

Những năm gần đây, hậu quả của việc không nghiêm khắc trong bảo vệ môi trường đã dẫn đến hàng loạt sự cố. Nhiều con sông bị đầu độc, cá chết; nhiều vùng dân cư phải sống chung với ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, mùi hôi thối đầu độc bầu không khí... Đặc biệt nhất đối với dự án Formosa, là sự cố môi trường biển nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta. Theo các nhà khoa học thì nhiều chục năm nữa môi trường biển ở đây mới có thể khắc phục được. Đến nay, người dân các tỉnh miền Trung vẫn chưa biết là cá đã ăn được hay chưa. Hàng vạn ngư dân lao đao vì không thể ra khơi đánh bắt như trước. Cho dù có đền bù nửa tỷ hay chục tỷ đô la thì cũng khó giúp phục hồi được sự trong lành tự nhiên của biển và trả lại sinh kế cho ngư dân ven biển.

Những sự cố ô nhiễm môi trường với nhiều “điểm nóng” trong thời gian qua ở nước ta, trong đó có tỉnh Bình Phước với vụ việc cá chết trắng trên sông Sài Gòn là hệ quả của việc phát triển nóng, thiếu bền vững. Nhiều địa phương chỉ chú trọng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với quan điểm nhất quán và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương sẽ rút ra được những bài học để có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả, kịp thời hơn trong công tác quản lý kinh tế, quản lý đầu tư, quản lý môi trường; khắc phục sự cố và không để tái diễn những sai phạm tương tự. Trên cơ sở đó, kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với an ninh kinh tế, an ninh môi trường; thường xuyên chăm lo, giải quyết hài hòa bài toán về các mâu thuẫn giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; giữa trải thảm đỏ thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận được tổ chức ngày 27-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo và yêu cầu “không được xả nước thải ra biển, phải sử dụng công nghệ mới và cá phải bơi được trong nước thải...”. Dự án thép của Tập đoàn HSG tuy chưa được phê duyệt chính thức nhưng trước lời cam kết mạnh mẽ của ông chủ tịch tập đoàn và yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ sẽ mở ra một tiền lệ mới đối với các nhà đầu tư. Đó không phải chỉ là những lời hứa suông như của một số nhà đầu tư trước đây, mà phải là lời cam kết đầy trách nhiệm trước môi trường sống của người dân và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu