Thứ 5, 18/04/2024 21:23:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:11, 03/11/2014 GMT+7

Dự án hỗ trợ trâu cho đồng bào dân tộc thiểu số có thật sự hiệu quả?

Thứ 2, 03/11/2014 | 09:11:00 460 lượt xem
BP - Dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2011-2017 do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện tại 3 xã: Phú Nghĩa, Đắk Ơ (Bù Gia Mập) và Đăng Hà (Bù Đăng). Tuy nhiên, mới qua 3 năm thực hiện, trong tổng số 132 con trâu giống đã có 26 con trâu cái bị chết, 6 con bị mất trộm và chỉ có 41 con được sinh ra, khiến nhiều hộ tham gia dự án đã nghèo lại càng nghèo hơn.

DỰ ÁN MANG TÍNH XÃ HỘI CAO

Theo Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 5-7-2011 của UBND tỉnh, dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu được thực hiện từ năm 2011 đến 2017. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư được giao làm chủ đầu tư. Tổng vốn thực hiện 2 tỷ 867 triệu đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 2 tỷ 697 triệu đồng, vốn nhân dân đóng 170,1 triệu đồng (được tính vào chi phí chăm sóc trâu đực và thức ăn). Các hộ DTTS thuộc 3 xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ và Đăng Hà được chọn tham gia dự án.

Sau gần 3 năm cặp trâu không đẻ, mới đây, gia đình ông Điểu Tôn được dự án hỗ trợ lại cặp trâu cái khác

Theo đó, mỗi hộ được giao 2 con trâu cái sinh sản. Riêng hộ nhận nuôi trâu đực chỉ được hỗ trợ 1 con trâu cái. Dự án đầu tư 132 con trâu giống (126 con cái và 6 con đực) cho 66 hộ. Qua 2 năm, sau khi sinh sản trâu con, trâu mẹ sẽ chuyển giao cho hộ nghèo khác cùng xã. Và 2 năm sau lại tiếp tục chuyển giao cho hộ khác.

Dự kiến, đến năm cuối của dự án (2017) sẽ có khoảng 478 con trâu, trong đó 346 con được sinh ra, trị giá 3 tỷ 460 triệu đồng, đồng thời thanh lý đàn trâu ban đầu để thu hồi nộp ngân sách với số tiền 792 triệu đồng. Theo tính toán của Ban quản lý dự án, sau 2 năm nuôi, DTTS sẽ có lãi khoảng 20 triệu đồng. Đồng thời tạo việc làm ổn định cho 66 lao động nhàn rỗi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

CHỜ “ĐƯỢC VẠ THÌ MÁ ĐÃ SƯNG”

Đã hơn 3 năm nhưng ông Điểu Tôn (1948) ở đội 2, thôn 6, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) vẫn nhớ ngày được bình xét và tận tay dắt cặp trâu cái về nhà với ước mơ thoát nghèo từ dự án mang lại. Vậy mà sau gần 3 năm cặp trâu vàng, trâu bạc ấy vẫn không chịu đẻ, dù rất béo tốt và được gia đình ông dắt tận sang thôn 2, thôn 4 - nơi có trâu đực của dự án để phối giống. Mới đây, gia đình ông được hỗ trợ lại cặp trâu cái khác. Gặp chúng tôi, ông Điểu Tôn nói: Mình quý trâu lắm! Nhưng không biết 2 con này có cho mình nghé con không?

Là hộ đặc biệt khó khăn, với gia đình ông Điểu Xa Rú (SN 1934) ở đội 3, thôn 6, xã Đắk Ơ, cặp trâu được hỗ trợ là cả gia tài chưa bao giờ dám nghĩ tới. Sau 2 năm nuôi chờ tới ngày sinh sản, vậy mà chỉ sau một đêm của tháng 6-2013, kẻ xấu đã dắt trộm cả cặp trâu.

Ngày 24-10-2014, tại Công văn số 3595/UBND-KTTH, Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương phát sinh kinh phí công chăm sóc cho các hộ dân đã chăn nuôi 57 con trâu cái chưa sinh sản (giai đoạn 2011-2014); đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư rút kinh nghiệm trong việc chọn giống, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân.

Trước đó, ngày 11-5-2013, hộ ông Điểu Yên và hộ bà Điểu Thị Giang ở thôn 4, xã Đắk Ơ làm đơn trình báo UBND xã việc bị mất trộm 3 con trâu của dự án. Trong đó, hộ bà Giang bị mất trộm 2 con.

Theo cam kết ban đầu với Ban quản lý dự án, những hộ bị mất trộm trâu phải có trách nhiệm bồi thường giá trị con trâu bị mất (15 triệu đồng/con), hoặc mua trâu khác về nuôi. Trong trường hợp tìm được thủ phạm, kẻ trộm trâu phải bồi thường cho dự án. Tuy nhiên, đã hơn một năm trôi qua, các hộ bị mất trộm trâu vẫn chưa nhận được kết quả điều tra của ngành công an. Hiệu quả đâu chưa thấy, việc đền bù số trâu bị mất trộm từ 15 đến 30 triệu đồng/hộ là món nợ lớn đang treo lơ lửng trên đầu những hộ vốn đã nghèo.

Riêng số trâu chết ở 3 xã là 26 con, Ban quản lý dự án đã có biên bản làm việc với các hộ nuôi trâu. Tiền bán thịt trâu được thu nộp lại ngân sách nhà nước (theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ thu hồi được khoảng hơn 2 triệu đồng/con).

“TÔI VẪN LẠC QUAN VỀ DỰ ÁN”

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Liệu dự án có mang lại hiệu quả khi chỉ qua 3 năm thực hiện đã có 26 con trâu cái bị chết, 6 con bị mất trộm và mới có 41 con nghé sinh ra, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khẳng định: Tôi vẫn lạc quan về dự án. Dự án được đồng bào và chính quyền địa phương đánh giá cao về hiệu quả.

Từ 132 con trâu giống, qua 3 năm thực hiện, đến nay dự án chỉ còn 100 con giống, có 41 con nghé sinh ra và 20 con đang mang thai. Tại xã Phú Nghĩa có 12 con giống bị chết. Xã Đắk Ơ có tới 11/39 con trâu giống bị chết, 5 trâu cái mất trộm. Tại xã Đăng Hà đang còn 40 con và có 3 trâu cái bị chết, 1 con bị mất trộm.

Trung tá Nguyễn Trung Trí, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ cho biết: Ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án, nhiều con giống không đảm bảo, già, phải đổi lại trâu cái khác. Do nhiều nguyên nhân, đến nay dự án chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo bà Tuyết, dự án được triển khai từ thành công của dự án phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010 và một số chương trình cấp trâu giống hàng năm cho các hộ dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tuy nhiên, khác với các dự án, chương trình khác, giai đoạn 2011-2017 ưu tiên chọn đối tượng tham gia là hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống kinh tế khó khăn nên việc chăm sóc, quản lý trâu không tốt.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết thêm, trâu cái bị bệnh sinh dục và đến thời điểm động dục không được phối giống kịp thời đã dẫn đến tỷ lệ nghé sinh ra và trâu mang thai thấp. Bà Tuyết thừa nhận: Thời gian còn lại của dự án rất khó đạt được chỉ tiêu số nghé sinh ra. Ban quản lý sẽ có tờ trình lên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị UBND tỉnh cho kéo dài dự án để có thêm hộ đồng bào được hưởng lợi!?

Rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra cho các cấp, ngành, đặc biệt ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh qua giai đoạn 2011-2014 của dự án này. Và điều các hộ DTTS tham gia dự án đang mong chờ là Ban quản lý có cách làm và phối hợp với chính quyền, các ban, ngành tốt hơn, tránh đầu voi đuôi chuột.                                    

Hoàng Thu

  • Từ khóa
50137

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu