Thứ 6, 29/03/2024 19:53:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:11, 09/10/2019 GMT+7

Xuất khẩu lao động - cần chủ trương đột phá - Bài 1

Thứ 4, 09/10/2019 | 06:11:00 303 lượt xem

BP - “Nếu tỉnh có cho chủ trương hỗ trợ vốn đào tạo xuất khẩu lao động, tôi cam đoan mỗi năm Bình Phước sẽ có hơn 200 người đi xuất khẩu lao động chứ không như hiện nay. Đa số các đối tượng đủ điều kiện xuất khẩu lao động của Bình Phước không có đủ kinh phí để tự lo đào tạo nghề, học tiếng bản địa cần đến nên không thể xuất khẩu lao động được. Mỗi suất lao động xuất khẩu có mức lương bình quân từ 20-30 triệu, chịu khó tăng ca lên đến 40-50 triệu đồng/tháng. Điều đó không chỉ giúp người lao động có cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống mà còn góp phần an sinh xã hội để phát triển kinh tế” - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Bảo trợ xã hội Bảo Trương cho biết.

THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

“Tháng 7 vừa rồi tỉnh mình có 30 người đi thi vòng 1 để xuất khẩu sang thị trường lao động Hàn Quốc nhưng chỉ đậu 8 người. Vừa rồi đi thi vòng 2 cả 8 người tụi em đều đậu. Bạn em - Nguyễn Văn Long, ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long phải đeo đuổi, chờ đợi đến 5 năm mới được đi. Lương của nó bây giờ khoảng 60 triệu đồng/tháng. Muốn xuất khẩu lao động thành công phải trải qua 3 tháng khổ luyện thật sự chứ không đơn giản” - người lao động trải qua 4 năm 10 tháng ở Hàn Quốc Vũ Văn Duy tâm sự.

TUỔI TRẺ TRẢI NGHIỆM

Sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em ở xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, Vũ Văn Duy thi đậu Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh năm 2001. Sau 2 năm học, Duy cần tiền mua máy tính, bộ bút vẽ, bàn ghế... để phục vụ chuyên ngành mình đang đeo đuổi. Tính già, tính non cũng hết cả 100 triệu đồng. Gia đình làm nông trên vùng đất biên giới lại đông con nên không thể chu cấp kinh phí cho Duy mua sắm dụng cụ phục vụ học tập. Thấy con không có tiền mua đồ dùng học tập, cha của Duy định bán 1,5 ha đất để lấy tiền cho Duy ăn học. Nghĩ nhà nghèo lại đông con mà bán đất thì cả nhà không còn kế mưu sinh, Duy tự quyết định nghỉ học, chạy bàn cho các quán cà phê ở thành phố Hồ Chí Minh gần 2 năm. Hay tin con nghỉ học đi làm thuê, cha của Duy xuống thành phố Hồ Chí Minh dẫn con về lại Lộc Ninh trong ngậm ngùi. Về xã Lộc Thạnh, Duy đi hái tiêu thuê cho các nông hộ trong vùng. Thiên hạ gièm pha sinh viên đại học cuối cùng cũng về hái tiêu thuê. Tự ái tuổi trẻ nổi lên, Duy đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lộc Ninh đăng ký xuất khẩu lao động. Tại đây, anh được giới thiệu đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để học tiếng Hàn Quốc. Nhờ tích lũy kinh nghiệm thời đại học, sau 3 tháng miệt mài khổ luyện học tiếng Hàn, Duy về thành phố Hồ Chí Minh ứng thí xuất khẩu lao động vào tháng 10-2008.

Đa số người lao động trong tỉnh đủ sức khỏe, có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài nhưng tay nghề và trình độ ngoại ngữ yếu nên không thực hiện được ước mơ. Trong ảnh, công nhân Khu công nghiệp Đồng Xoài II, thành phố Đồng Xoài giờ tan ca - Ảnh: B.L

 “Hồi ấy trung tâm dạy miễn phí nên việc học không tốn bao nhiêu. Tổng chi phí cho xuất khẩu sang thị trường lao động Hàn Quốc lúc đó khoảng 30 triệu đồng, cả nhà phải đi vay mượn. Tháng đầu tiên sang bên đó, em làm dư 40 triệu đồng gửi về trả hết nợ. Sau 4 năm 10 tháng lao động ở Hàn Quốc, trừ các khoản chi phí tiền gửi tặng cha mẹ, anh chị em trong gia đình, em còn dư khoảng 2 tỷ đồng. Số vốn ấy em mua đất, cất nhà, cưới vợ rồi ổn định cuộc sống ở 55 Phạm Ngọc Thạch, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài” - Vũ Văn Duy tổng kết cuộc hành trình xuất khẩu lao động của mình.

KHÓ DỄ MIỀN ĐẤT HỨA

Bằng kinh nghiệm trong quá trình tham gia xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Vũ Văn Duy đã hỗ trợ, chỉ dẫn em ruột là Vũ Văn Doanh và người bạn Nguyễn Văn Long ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long sang lao động tại Hàn Quốc. Mức lương của Doanh và Long hiện dao động từ 60-70 triệu đồng/tháng. Cùng với Duy, thanh niên Đỗ Xuân Thắng ở xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài sau khi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc 4 năm 10 tháng cũng mang về khoản dư 1,9 tỷ đồng. Cả Duy và Thắng đã đậu cả 2 vòng thi: tiếng Hàn và tay nghề đang chờ hợp đồng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc lần hai.

Sau 4 năm 10 tháng xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Vũ Văn Duy ở xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh không chỉ tích lũy hơn 2 tỷ đồng để mua đất, xây nhà và mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình mà còn tích lũy được kinh nghiệm để tự nâng cao tay nghề

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Bảo trợ xã hội tỉnh Bảo Trương cho biết: Thị trường lao động Hàn Quốc đang đặt ra nhiều quy định rất khắt khe. Trước hết, người lao động phải thông thạo nói, viết tiếng Hàn, thứ hai phải trải qua cuộc thi sát hạch tay nghề. Nếu đậu cả hai vòng thi này mới hội đủ điều kiện xuất khẩu lao động. Danh sách những người đủ điều kiện xuất khẩu lao động được gửi đến Bộ Lao động Hàn Quốc và thông báo trên website của bộ này. Các chủ doanh nghiệp ở Hàn Quốc căn cứ vào danh sách này để tuyển chọn lao động. Khi chủ doanh nghiệp đồng ý ký hợp đồng lao động với ai thì người đó mới được làm thủ tục xuất cảnh lao động. Trước khi bàn giao cho chủ doanh nghiệp, Bộ Lao động Hàn Quốc có 3 ngày, 3 đêm tập huấn các kỹ năng giao tiếp, phương pháp nhận biết và ứng phó với những tình huống khi doanh nghiệp chèn ép người lao động... rồi mới bàn giao cho chủ doanh nghiệp. Chưa hết, trước khi xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc, người lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội mới được đi. Nếu người lao động thực hiện đúng thời gian hợp đồng, sau khi về nước sẽ được nhận lại khoản tiền này. Trong trường hợp người lao động trốn khỏi doanh nghiệp hoặc quá thời gian lao động mà không về thì số tiền này sẽ được trừ vào các khoản chi phí để bắt buộc về nước.

Tổng chi phí cho việc xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc hiện dao động từ 130-140 triệu đồng. Mức lương cơ bản bình quân tại Hàn Quốc dao động từ 20-25 triệu đồng. Nếu người lao động chịu khó tăng ca và tùy thuộc đặc thù công việc của doanh nghiệp, tổng thu nhập có thể tăng đến 60 hoặc 70 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thị trường lao động Nhật Bản hiện nay yêu cầu rất đơn giản, chỉ cần người lao động đạt trình độ tốt nghiệp THPT và nói được tiếng Nhật là đủ điều kiện để xuất khẩu lao động. Các khoản chi phí xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản hiện dao động quanh mức 140-150 triệu đồng/suất lao động. Mức lương bình quân chung ở thị trường này thường dao động từ 30-40 triệu đồng/tháng.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
94636

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu