Thứ 5, 25/04/2024 07:11:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:08, 01/02/2017 GMT+7

Xuân sớm trên khu định cư Tiểu khu 119

Thứ 4, 01/02/2017 | 07:08:00 244 lượt xem
BP - Xuân của đất trời còn ẩn mình trên nụ hoa mai đang chúm chím và những lộc non của núi rừng, nhưng trong lòng đồng bào S’tiêng ở khu định cư Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), xuân đã nở rộ từ lâu. Đây là nơi ở mới từ năm 2015 của 42 hộ đồng bào S’tiêng ở đội 6, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa - những gia đình trước đây luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau và chưa bao giờ nghĩ đến một cái tết đủ đầy.

Hàng chục năm qua, cuộc sống của các hộ dân ở đội 6, thôn Tân Lập luôn gắn với cảnh “5 không” (không điện, đường, trường, trạm, nhà ở). Bà con thiếu thốn đến nỗi một bữa ăn no cũng là điều ước xa xỉ. Những năm tháng trôi qua, bà con ở đây chưa bao giờ được đón một mùa xuân no ấm trọn vẹn. Bị ám ảnh bởi con đường mòn sình lầy, những ngôi nhà xập xệ “vặn mình kêu răng rắc” mỗi khi có mưa to, gió lớn, bà Thị Hớ ở khu định cư Tiểu khu 119 chặc lưỡi: “Có lẽ mùa xuân chưa đến với người dân nơi đây bao giờ!”. Và, giờ đây mong ước của bà Thị Hớ cũng như những người dân trong thôn đã thành hiện thực.

“ĐẠI SỨ CỦA MÙA XUÂN” 

Đối với các hộ dân ở khu định cư này, người mang mùa xuân đến với họ không phải một nàng xuân yêu kiều mà là những người lính của Đoàn kinh tế - quốc phòng 778 (Quân khu 7). “Ở đây người dân chỉ biết làm thuê để cái bụng được no, nhưng làm mãi mà cuộc sống cũng chỉ ở mức bữa no, bữa đói. Trẻ em không được đến trường đúng tuổi vì phải lo phụ gia đình kiếm thêm thu nhập, phần do đường đi lại khó khăn, trong khi nhiều hộ chưa có phương tiện đi lại. Nhiều năm nay, bà con ở thôn Tân Lập chưa bao giờ có một cái tết trọn vẹn, trẻ em không biết đến chiếc áo mới hay những món ăn ngon trong ngày tết” - ông Điểu Tứ ở khu định cư, trước đây làm dân số của thôn Tân Lập nhớ lại. May mắn là thôn ở gần Đoàn kinh tế - quốc phòng 778 (đóng ở xã Phú Nghĩa). Đơn vị đã khảo sát, tham mưu cấp trên và chính quyền hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách, đồng thời vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ vật chất, tinh thần. “Người đi đầu trong công tác xóa nhà tạm, xóa đói cho đồng bào S’tiêng ở thôn Tân Lập là Đại tá Đặng Công Bầu, Trưởng đoàn kinh tế - quốc phòng 778 và ông Trần Quang Ty, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập, sau đó là Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Thăng Long và sự chung sức của những người lính Đoàn 778, chính quyền xã Phú Nghĩa. Họ là những đại sứ mang mùa xuân đến cho bà con” - ông Điểu Tứ nói.

Những ngôi nhà khang trang chạy dọc con đường bê tông sạch sẽ trong khu định cư

ại tá Nguyễn Thành Ruân, Chính ủy Đoàn kinh tế - quốc phòng 778 cho biết: Nhận thấy người dân thôn Tân Lập rất khó khăn và việc hỗ trợ, giúp đỡ bà con chính là trách nhiệm nên đoàn quyết tâm giúp dân thoát nghèo và có nơi ở thuận lợi hơn. Sau khi có chủ trương thành lập khu định cư, đoàn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay góp sức giúp đồng bào nơi đây, đồng thời xét theo mức độ khó khăn lập danh sách các hộ cần nhà trước và thực hiện từng bước. Sau 3 đợt xây nhà và bàn giao, đoàn đã dời cả một sóc gồm 42 hộ đồng bào S’tiêng từ đội 6, thôn Tân Lập về khu định cư. Giờ bà con không còn lo lắng nhà sập mỗi khi mưa to, gió lớn.

“Khi phối hợp với Đoàn 778 xây 15 căn nhà cho khu định cư, tôi thấy người dân cực khổ nên ngoài số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng/căn của Đoàn 778 và mỗi hộ đóng góp 10 triệu đồng, tôi hỗ trợ thêm mỗi căn 6,53 triệu đồng và ủng hộ 1 căn nhà trị giá 66,53 triệu đồng” - ông Tạ Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Thăng Long ở thôn 11, xã Long Hà (Phú Riềng) cho biết.

ĐẤT ĐÃ BÉN HƠI NGƯỜI

Ngoài 42 căn nhà xây khang trang, chắc chắn, các con đường đi lại trong khu đều được đổ bê tông. Mỗi hộ dân khi đến ở còn được trang bị các thiết bị gia dụng cơ bản... Đây là khu định cư của đồng bào khang trang nhất mà tôi từng đến. Càng phấn khởi hơn khi nhịp sống của người dân đã hòa nhập với nơi ở mới. Ông Hoàng Thanh Thao, Trưởng thôn Hai Căn phấn khởi: “Đồng bào S’tiêng ở đây mừng lắm, vì hộ nào cũng được cấp đất, xây nhà kiên cố, lại rộng rãi, sạch đẹp. Các hộ sống tập trung nên càng gắn kết. Có nhà mới, ai nấy đều ý thức tìm việc làm ổn định, chịu khó sản xuất để thay đổi cuộc sống”.

Ông Đặng Sỹ Oánh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: Ngoài diện tích đất 400m2 và xây nhà ở kiên cố, khi về nhà mới, UBND xã và Đoàn 778 còn kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ mỗi hộ một phần quà trị giá 4 triệu đồng, gồm tivi, chén, nồi cơm điện, nước, mắm muối, bột ngọt và 15kg gạo.

Công ty TNHH TM-DV Thăng Long hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng cho 15 hộ được nhận nhà ở khu định cư Tiểu khu 119 ngày 2-11-2016 (đợt 2/2016)

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Điểu Tứ ở khu định cư, trên gương mặt ngập tràn niềm vui, ông chia sẻ: “Ở đây thoải mái lắm! Tôi rất vui vì cuộc sống như sang một trang mới. Con trai đầu Điểu Vinh làm công an viên, con trai thứ hai Điểu Thành tham gia lực lượng dân quân xã, còn con gái xây dựng gia đình, ra ở riêng và đã thoát nghèo. Tôi chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm! Cảm ơn Đoàn 778 đã chia sẻ những khổ cực, thiếu thốn của bà con thôn Tân Lập! Giờ bà con ai cũng ưng cái bụng vì ngoài được cấp nhà ở còn được hỗ trợ cây - con giống để phát triển kinh tế, tiếp tục nuôi con ăn học”. Không chỉ có cuộc sống ổn định, gia đình ông Điểu Tứ còn vươn lên trở thành triệu phú đầu tiên ở khu định cư. Trước đây, khi còn ở thôn Tân Lập ông chỉ có 300 cây cao su, ra nơi ở mới, được tiếp cận thông tin, đường sá đi lại thuận tiện nên ông đẩy mạnh phát triển sản xuất. Hiện gia đình ông có 10 ha trồng cao su và điều.

Được nhận nhà ngày 2-11-2016, nhưng đến giờ bà Thị Khôn vẫn mừng đến rơi nước mắt. Bởi bà không chỉ có nhà đẹp mà còn có điện, nước, đường sạch sẽ, gần trạm y tế thuận lợi khám chữa bệnh. Bà kể: “Hôm về nhà mới, tôi dạo một vòng quanh nhà, rồi cầm cuốc đi vội ra vườn đặt những nhát cuốc đầu tiên trên mảnh đất của mình để đánh dấu sự đổi thay cuộc sống và hy vọng tương lai sẽ bớt khó khăn”.

Niềm vui như lan tỏa đối với người dân nơi đây, vì những đứa trẻ thuận lợi đến trường, có trạm y tế, điện phục vụ học tập, sản xuất. Chị Thị Chép cho biết: Tôi có 3 con nhỏ, trước đây ở thôn Tân Lập không có điện, trường, trạm nên các cháu không được đến lớp. Ra khu định cư, việc đầu tiên tôi làm là hoàn thành thủ tục cho con đến trường. Còn chị Thị Phước chia sẻ: Hạnh phúc của tôi là hình ảnh học sinh mỗi sáng đeo cặp đến trường, chiều về tung tăng trên con đường bê tông sạch sẽ.

LÒNG NGƯỜI TRẨY HỘI

Cuộc sống mới cơ bản đủ đầy, sum vầy với nhiều điều tươi sáng, nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi đồng bào phải tự lực hơn nữa vươn lên có cuộc sống ổn định lâu dài. Trung tá Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật Đoàn kinh tế - quốc phòng 778 cho biết: Năm 2016, đoàn mở 2 lớp đào tạo nghề tại khu định cư với khoảng 180 người tham gia và đơn vị đã nhận khoảng 1/3 số học viên này vào làm việc cho đoàn. Đại tá Nguyễn Thành Ruân cho biết thêm: Những người được đào tạo nghề xong có nguyện vọng làm việc sẽ được đoàn tạo điều kiện vào làm công nhân cạo mủ. Điển hình là vợ chồng anh Điểu Phước và chị Thị Nhung được đoàn đào tạo nghề, hiện là công nhân cạo mủ với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng/người và hưởng đầy đủ chế độ theo quy định nhà nước.

Chị Thị Chép (bên phải) và chị Thị Hương (giữa) trong niềm vui được sinh sống tại khu định canh, định cư

Được chính quyền các cấp quan tâm và sự hỗ trợ của Đoàn kinh tế - quốc phòng 778, cuộc sống của chị Thị Chép, Thị Hương và bà Thị Hớ cũng như các hộ trong khu định cư đã thoát cảnh không đất sản xuất, không nhà ở và khép lại những chuỗi ngày khó khăn, cơ cực. Đây là mùa xuân thứ hai đến với khu định cư, nhưng có lẽ mùa xuân năm nay mới là mùa xuân trọn vẹn vì tất cả 42 hộ ở thôn Tân Lập lại được quây quần, sum vầy bên nhau. Rời khu định cư, tôi cảm nhận được mùa xuân của đất trời đang đâm chồi nảy lộc và trong lòng đồng bào ở khu định cư Tiểu khu 119, đây là mùa xuân ấm áp tình người.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
57639

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu