Thứ 7, 20/04/2024 19:25:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 00:17, 15/02/2018 GMT+7

MỪNG XUÂN MẬU TUẤT 2018

Xuân đoàn viên của cựu tù Phú Quốc

Thứ 5, 15/02/2018 | 00:17:00 207 lượt xem
Sau những năm tháng bị biệt giam tại nhà tù Phú Quốc, cựu chiến binh Lê Văn Định (SN1951), ngụ tổ 5, ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương (Bình Long) trở về khi chân phải không còn lành lặn cùng nhiều vết thương trên mình. Từng đón 2 cái tết ở nhà tù Phú Quốc nên mỗi cái tết là một kỷ niệm không bao giờ quên với ông và đồng đội. Trong không khí đón xuân sum vầy bên gia đình, những giọt nước mắt của ông thi thoảng lại lẫn trong câu chuyện về một thời sống, chiến đấu trong sự giam cầm, tra tấn dã man của kẻ thù.

30 ngày bị cưa chân 3 lần

Ngôi nhà nhỏ của cựu tù Phú Quốc Lê Văn Định đã xây dựng được trên 20 năm, nằm lọt thỏm giữa màu xanh của hoa lá. Trong nhà, bằng khen, giấy khen treo khắp trên các bức tường đã ngả màu thời gian.

Chất giọng trầm ấm, người lính trinh sát năm xưa ngược dòng ký ức về những năm tháng tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết, khai thêm tuổi để được vào nơi tuyến lửa: “Năm 1969, tôi được chuyển vào chiến trường Quảng Nam, làm lính trinh sát Tiểu đoàn 409, Liên khu 5. Trong một lần đánh vào khu vực Mỹ đóng quân, tháng 7-1970 tôi bị địch phản kích khi cõng đồng đội chui ra khỏi hàng rào thép gai. Đồng đội hy sinh, còn tôi bị bắt. Chúng đưa tôi vào bệnh viện để điều trị vết thương. Sau đó, chúng dùng đủ đòn tra tấn dã man nhằm khai thác thông tin”.

Nhớ lại 3 lần bị cưa chân, ông Định vẫn sởn gai ốc, thỉnh thoảng đưa tay nắm chặt vết thương giờ đã lành thịt, liền da. “Chúng bắt tôi khai nơi đóng quân của đơn vị và phải nhận là sĩ quan. Tôi không nhận, chúng tuyên bố sẽ cắt cả 2 chân. Chúng trói chặt tôi lên chiếc bàn rồi tháo khớp bàn chân. Dù nhiều lần chết đi sống lại, ngất lịm giữa vũng máu nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Trong vòng 1 tháng, chúng đã cưa chân tôi tới 3 lần. Đây là khoảng thời gian đau đớn, khủng khiếp nhất mà tôi từng trải qua. Mỗi lần chuẩn bị cưa, chúng lại áp dụng nhiều thủ đoạn tra tấn tâm lý kéo dài sự căng thẳng, đau đớn. Hết đánh lại cưa, cưa xong lại chữa trị cho lành, gần lành chúng lại cưa. Cứ như thế, đến lần thứ 3 thì tôi đã vĩnh viễn mất đi một chân” - cựu chiến binh Lê Văn Định xúc động kể.

 

Ông Định và vợ thường mang những bằng khen, giấy khen ra lau sạch để nhắc nhớ mình không được quên quá khứ

Dùng đủ đòn tra tấn từ tâm lý đến thể xác không được, sau 1 tháng ông Định bị đưa về nhà tù Non Nước (Đà Nẵng). Trong tù, ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, năm 1971 ông bị đày ra nhà tù Phú Quốc cùng với 152 người yêu nước khác. “Tại nhà tù Phú Quốc, gặp nhiều đồng chí cùng quê, cùng lứa, chúng tôi mừng lắm, nhưng không dám tỏ thái độ gì, lại càng không dám nhận nhau. Vì bí mật quân sự, chúng tôi phải giấu họ tên thật và quê quán. Phong trào đấu tranh trong các xà lim trên đảo ngày một lên cao, địch càng tăng cường kiểm soát gắt gao, cài mật thám trà trộn vào các phòng giam nhằm theo dõi hoạt động của anh em” - ông Định chia sẻ.

Bản lĩnh người cách mạng

Ông kể tiếp: “Trong ngục, các đồng chí của ta đã bí mật thành lập các cơ sở đảng, tổ chức đoàn thể, hội đồng hương nhằm tổ chức đấu tranh chống chế độ lao tù khắc nghiệt. Tôi nhớ như in ngày nhận được lá cờ giải phóng của ta từ ngoài chuyển vào. Lá cờ được giấu kỹ trong khúc củi khô cất dưới nhà bếp. Sau đó được anh em bí mật chuyền tay nhau và bàn bạc tổ chức vượt ngục. Việc đào hầm vượt ngục cũng được phân công, chọn người. Người đào hầm phải trong cấp ủy nhà lao. Đội đào hầm chia thành nhiều tổ, như tổ đào hầm, tổ chuyển đất, tổ canh gác... Không có dụng cụ đào hầm, các đồng chí của ta dùng muỗng i-nox ăn cơm đào và cà - mèn dùng để chứa đất. Anh em đã sáng tạo nhiều cách để tránh sự phát hiện của lính gác. Cứ 3 người xuống hầm, vừa đào vừa vận chuyển đất lên. Những người ở trên có nhiệm vụ gạt lớp đất khô ra xung quanh nền nhà, đổ đất mới đào xuống nén thật chặt rồi rải lớp đất khô lên trên. Đất mới đào lên anh em cho vào những chiếc thùng phuy đi vệ sinh hằng ngày hoặc bỏ vào túi quần bí mật đưa ra ngoài khi đi đánh răng, rửa mặt. Do không định hướng được đường hầm nên anh em cứ đào vài mét lại làm một lỗ thông hơi để quan sát nhằm tránh đào lòng vòng, hoặc đào gần các điểm chốt canh gác của địch. Sau hơn 3 tháng, chúng tôi đào được 90m đường hầm, qua 6 hàng rào thép gai thì bị địch phát hiện”.

Trầm ngâm hồi lâu, ông Định tiếp tục câu chuyện: “Chúng lôi anh em trong phòng ra đánh đập dã man, dùng nhiều hình thức tra tấn man rợ, bắt chỉ địa điểm đào hầm. Chúng tôi kiên quyết không khai. Chúng dùng xe lu cán xung quanh nhà lao nhằm đánh sập hầm. Vậy là kế hoạch vượt ngục thất bại”.

“Tại các xà lim, mỗi sáng lính gác tập trung tù binh ra sân bắt chào cờ. Tôi cùng một số đồng chí đứng ra hô khẩu hiệu “không chào cờ”. Lính gác từ trên cao theo dõi và chụp ảnh lại, coi tôi là đầu sỏ chống đối nên bắt giam vào chuồng cọp. Tôi bị giam vào chuồng cọp 2 lần, mỗi lần cả tuần. Những lần như vậy anh em lại tổ chức đấu tranh bằng cách tuyệt thực. Có lần chúng bắt, tra tấn, đánh chết nhiều đồng chí của ta, chúng tôi tuyệt thực đến 15 ngày. Để cầm cự, mỗi bữa chúng tôi chia nhau một nhúm cơm khô cùng vài hạt muối được giấu lại sau mỗi bữa cơm. Cuối cùng chúng cũng chịu thỏa hiệp, cho khiêng cháo loãng sang trại và chấp nhận một số yêu sách của anh em” - ông Định chia sẻ.

Còn nhiều lắm những câu chuyện như thế trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Mỗi câu chuyện ông kể đều khiến người nghe xúc động. Nhà tù Phú Quốc là nơi chứng kiến tình đồng đội, đồng chí sẵn sàng che chở khi địch tra tấn hoặc bị đày ra các khu biệt giam, lao dịch khổ sai. Những lần tra tấn dã man đó vẫn nằm sâu trong ký ức và luôn hành hạ ông khi thời tiết chuyển mùa. Ở đó, ông cùng các đồng chí đã trải đủ ngón đòn của kẻ thù. Hết đánh đập, đóng đinh, đục răng, nhốt vào thùng nước rồi dùng chày nện bên ngoài, hay nhốt vào chuồng cọp, phơi nắng nhiều tuần... chúng vẫn không lung lạc được tinh thần người cộng sản.

Tết đoàn viên

“Đã là tử tù giam trong xà lim thì làm gì có tết. Người tù chỉ cảm nhận tết qua những câu chuyện hồi tưởng của anh em tù nhân về thời trẻ thơ được quây quần cùng gia đình bên nồi bánh chưng. Biết là sẽ không có gì khác so với ngày thường nhưng sắp đến giao thừa ai cũng háo hức. Đêm không ai ngủ, những người tù thức cùng nhau, làm thơ và hát hò tới sáng. Sau này, được trở về với gia đình, quê hương, đón những cái tết sum vầy đầm ấm, tôi vẫn không nguôi nhớ về những cái tết đậm tình đồng chí, đồng đội ở nhà tù Phú Quốc” - ông Định kể với giọng tự hào.

Năm 1973, Hiệp định Giơnevơ ký kết, sau khi được trao trả tù binh, thương binh Lê Văn Định quay về Hải Dương sinh sống và kết hôn với cô giáo làng. Năm 1978, cuộc sống khó khăn nên gia đình ông vào Bình Phước lập nghiệp. Ông Định xin vào làm việc tại Văn phòng Huyện ủy Lộc Ninh, sau đó làm cán bộ Công đoàn huyện một thời gian thì xin nghỉ. Với uy tín của người lính Cụ Hồ, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp kiêm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương từ năm 2000 đến nay. 4 người con của ông đều đã trưởng thành, trong đó 2 người con gái đang là giáo viên tiểu học và đã đứng trong hàng ngũ của Đảng. “Niềm vui hằng ngày của vợ chồng tôi bây giờ là được quây quần bên con cháu, dạy bảo chúng nên người” - ông Định vui vẻ cho biết.

Mỗi độ tết đến, xuân về, ông lại vui hơn khi được đón những người bạn, người đồng chí, đồng đội cùng vào sinh ra tử đến thăm nhà. Tròn 40 năm đón tết trên quê hương Bình Phước, bên cạnh những người thân yêu, cựu tù Phú Quốc Lê Văn Định không cho phép mình quên quá khứ. Mùa xuân theo quan niệm của những người chiến sĩ cách mạng như ông dường như đường đời càng dài, sức xuân càng mạnh mẽ.

Bảo Đăng

  • Từ khóa
60250

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu