Thứ 6, 29/03/2024 20:35:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 20:09, 23/05/2017 GMT+7

Xử phạt nặng các hành vi đe dọa an toàn người khác

Nguồn SGGP
Thứ 3, 23/05/2017 | 20:09:00 193 lượt xem
BPO - Việt Nam là nước có tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông cao hàng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á (sau Thái Lan), với tỷ lệ tử vong ước tính  24,5/100.000 người.

Hàng năm có khoảng 10 ngàn người chết vì TNGTHàng năm có khoảng 10 ngàn người chết vì TNGT

Trên là số liệu theo Báo cáo An toàn giao thông toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố.

Ở nước ta, ngoài việc cướp đi mạng sống của 9.000 - 10.000 người mỗi năm, TNGT còn làm cho hàng chục ngàn người khác bị thương, trong đó có nhiều người bị tàn phế suốt đời, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. 

Điều dễ nhận thấy nhất là ý thức, kỷ cương chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân lẫn ý thức trách nhiệm công vụ của một bộ phận công chức chưa thực sự tốt, chất lượng giáo dục ý thức về chấp hành Luật Giao thông đường bộ từ trong nhà trường phổ thông vẫn còn kém. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp khi để xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã được quy định trong nhiều văn bản, đã ban hành nhiều năm, nhưng chẳng thấy có lãnh đạo cấp tỉnh nào bị kỷ luật hay điều chuyển công tác vì nguyên nhân này. Chừng nào trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan khi để xảy ra TNGT vẫn chỉ là nói suông, thì TNGT vẫn chưa thể giảm. 

Công an các tỉnh đều có các đội tuần tra kiểm soát giao thông, nhưng thực tế cho thấy thời gian tuần tra giữ trật tự an toàn giao thông thì ít mà thời gian lập chốt, trạm để kiểm tra giấy tờ và phạt thì nhiều, nên hiệu quả đạt thấp. Cần tăng mức phạt với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho cộng đồng khi tham gia giao thông. Đặc biệt lưu ý đối với xe khách 45 chỗ đường dài mà vi phạm thì mức chế tài phải tăng lên so với hiện nay. Ngày 9-5-2017, trên báo mạng có đăng tải đoạn video clip xe khách giường nằm Phương Trang (51B- 160.39) chạy ngược chiều trên quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) giữa ban ngày đông đúc xe cộ qua lại, nhưng tài xế chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 1 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe 2 tháng. Mức xử phạt như vậy là quá nhẹ so với hiểm họa nghiêm trọng có thể xảy ra. Vụ vi phạm này làm chúng ta liên tưởng đến vụ TNGT xe khách ở Chư Sê (tỉnh Gia Lai) trước đó ít ngày, do tài xế xe tải chạy tốc độ cao ngược chiều gây ra, làm 13 người chết.

Qua các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua cho thấy cần nâng mức xử phạt với các hành vi có thể đe dọa an toàn tính mạng người khác. Với những cán bộ làm công tác đăng kiểm, nếu phát hiện có tiêu cực khi cấp phép cho các xe khách quá hạn thì cũng cần áp dụng các chế tài xử lý tăng nặng. Việc giáo dục, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông ở trường học cũng cần được quan tâm đúng mức. Theo quy định hiện hành, học sinh chưa đủ tuổi lái xe trên 50 phân khối nhưng để đối phó, các em đã gửi xe bên ngoài trường, thầy cô lại ít quan tâm nên các em đã quen đối phó ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường phổ thông.

Đối với các đô thị lớn như TPHCM, rất cần lắp đặt các camera ở các ngã ba, ngã tư để giám sát việc chấp hành pháp luật giao thông, tăng cường xử phạt nguội qua hình ảnh để nhắc nhở người dân ý thức chấp hành luật giao thông. Đây cũng là phương tiện hữu hiệu để giám sát việc thực thi nhiệm vụ, hạn chế các hành vi tiêu cực của lực lượng công an, thanh tra giao thông. Khi số người chết vì TNGT đang ở mức báo động, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội, cần phải xem 365 ngày trong năm đều là Ngày An toàn giao thông, chứ không phải chỉ chọn có mỗi tháng 9 hàng năm là Tháng An toàn giao thông. 

  • Từ khóa
32884

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu