Thứ 6, 29/03/2024 13:55:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:46, 05/11/2018 GMT+7

Xử lý thực phẩm bị thu hồi - nhìn từ góc độ người dân

Thứ 2, 05/11/2018 | 08:46:00 106 lượt xem

BP - Ngày 14-9-2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 23/2018/TT-BYT quy định việc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn bị thu hồi. Đây là một văn bản pháp lý nhằm từng bước điều chỉnh những bất cập trong xử lý hàng hóa, trong đó có thực phẩm không an toàn bị thu hồi. Theo Thông tư số 23/2018/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 1-11-2018), sau khi bị thu hồi, những thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ xử lý theo một trong các hình thức: Khắc phục lỗi ghi nhãn; chuyển mục đích sử dụng; tái xuất hoặc tiêu hủy. Với những quy định cụ thể này, Thông tư số 23/2018/TT-BYT sẽ dần hạn chế tình trạng không rõ ràng, thiếu minh bạch trong xử lý hàng hóa nói chung, thực phẩm bị thu hồi nói riêng.

Trong thực tế, việc xử lý hàng hóa vi phạm bị thu hồi thường diễn ra theo hai thái cực. Hẳn nhiều người chưa quên vụ Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. Hà Nội tổ chức tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ với hàng ngàn sản phẩm gồm túi xách, ví da, dây lưng, đồng hồ đeo tay... vào tháng 10-2016. Khi hàng vừa được giở ra, chuẩn bị đưa đi tiêu hủy thì nhiều cán bộ, công chức đến chứng kiến tiêu hủy đã lao vào tranh cướp sản phẩm. Chứng kiến cảnh tượng đó, có người bức xúc nói, thật đáng xấu hổ khi những hành động trái luật lại xảy ra ở chính nơi thi hành luật. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, hàng hóa vi phạm nhãn mác như đồng hồ, túi xách... dùng vẫn tốt và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà mang hết đi tiêu hủy là quá lãng phí và không mang lại lợi ích gì.

Tại Bình Phước, ngày 4-6-2018, Công an huyện Bù Gia Mập tổ chức tiêu hủy 18.620 gói thuốc lá điếu nhập lậu. Trước đó, ngày 15-12-2017, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiêu hủy 47.870 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Rồi ngày 28-6-2017, Công an huyện Chơn Thành tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính gồm 2 bao đường, trọng lượng 50kg/bao, 56 gói bột giặt giả nhãn hiệu ABA, trọng lượng 400-800g/gói, 1.200 bộ bài tây, 847 viên pháo nổ, 5.143 gói thuốc lá ngoại nhập lậu các loại... Đây chỉ là một số ít vụ tiêu hủy hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị bắt trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây. Ở góc độ của người dân, hầu hết đều cho rằng: Thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng, hàng quá date, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì tiêu hủy là việc không phải bàn. Nhưng hàng hóa còn sử dụng được, chỉ vì không có hóa đơn chứng từ, đem tiêu hủy hết và còn tốn thêm kinh phí để tổ chức tiêu hủy thì quá lãng phí và không phù hợp. Những con số nêu trên chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Phước và một thời gian ngắn. Nếu tính trên phạm vi cả nước, với nhiều mặt hàng, trong thời gian 1 năm thì giá trị hàng hóa còn sử dụng được nhưng phải đem tiêu hủy tính đến con số nhiều ngàn tỷ đồng.

Vẫn biết quá trình quản lý, điều hành xã hội thông qua việc ban hành các chính sách sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Nhưng trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, cả ở nông thôn và thành thị còn nhiều người nghèo khó thì cách giải quyết nêu trên đối với các loại hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc đang thực sự là lãng phí quá lớn và có những khía cạnh không hợp lý. Bởi vậy, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư số 23/2018/TT-BYT quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn đã phần nào tháo gỡ những bất cập trong xử lý hàng hóa vi phạm, chí ít là ở mặt hàng thực phẩm.

 Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu