Thứ 6, 29/03/2024 17:36:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:44, 19/06/2018 GMT+7

Xử lý nghiêm doanh nghiệp bắt tay nhau hủy hoại môi trường

Thứ 3, 19/06/2018 | 08:44:00 165 lượt xem

BP - Ngày 14-6, lực lượng công an bắt quả tang ôtô tải mang biển số 81C-069.82 do tài xế Đinh Mạnh Tùng, thường trú xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk điều khiển đang đổ 24,63 tấn bùn là chất thải công nghiệp ra vườn cao su của Công ty TNHH Thanh Quang Dũng, ở xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng. Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế Đinh Mạnh Tùng khai được Công ty TNHH Thanh Quang Dũng thuê vận chuyển bùn thải từ Công ty cổ phần giấy Minh Hưng, thuộc Khu công nghiệp Minh Hưng 3, huyện Chơn Thành đến Công ty TNHH Thanh Quang Dũng, và từ ngày 12 đến 14-6-2018 đã chạy được 2 chuyến. Nếu lời khai của tài xế Đinh Mạnh Tùng là đúng, thì đây là hành vi doanh nghiệp bắt tay nhau cùng hủy hoại môi trường.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp. Trong số đó phần lớn là doanh nghiệp làm ăn chân chính, có nhiều đóng góp cho tỉnh, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp làm ăn gian dối, lợi dụng kẽ hở để trục lợi, lợi dụng sự yếu thế của công nhân để bóc lột sức lao động của họ... Đặc biệt, một số doanh nghiệp bất chấp pháp luật, tìm mọi cách xả thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, người dân ở một số khu vực phản ánh doanh nghiệp xả nước thải có màu xanh, đỏ, tím, vàng hoặc đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Tại một số khu vực, người dân phải sống chung với mùi hôi khủng khiếp của các trang trại nuôi heo, gà. Trong các kỳ tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND, có không ít cử tri phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhiều cử tri phản ứng gay gắt việc doanh nghiệp, trang trại gần nhà làm ảnh hưởng cuộc sống... Thế nhưng, hầu hết ý kiến hoặc rơi vào im lặng, hoặc nhận được thông báo kết quả kiểm tra doanh nghiệp xả thải... đạt tiêu chuẩn. Rất ít trường hợp bị phát hiện vi phạm và xử phạt từ phản ánh của người dân hay kiểm tra định kỳ. Bởi trong trường hợp này, doanh nghiệp luôn chủ động đối phó với cơ quan chức năng, đối phó với người dân. Đối với kiểm tra không định kỳ, lợi dụng chủ trương chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để làm ăn, doanh nghiệp cũng tìm đủ cách để đối phó, như cố tình không mở cổng, không hợp tác... Nhiều đoàn kiểm tra gặp tình huống đó đành bất lực quay về. Vi phạm bị phát hiện chủ yếu là do bắt quả tang, sau đó đem tang vật, mẫu vật đi kiểm nghiệm và xử phạt, dù trước đó có thể chính doanh nghiệp này khi kiểm tra định kỳ không có vi phạm nào.

Thực trạng này không phải mới xuất hiện mà đã tồn tại từ lâu, nhưng các cơ quan chức năng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Một thực tế cũng đang tồn tại nhưng người có trách nhiệm thường né tránh đề cập là các doanh nghiệp thường nhìn nhau mà vi phạm. Họ xem xét tình hình của địa phương, mức độ nghiêm ngặt và năng lực quản lý, giám sát của cơ quan chức năng mới hành động.

Tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ hết mức cho doanh nghiệp làm ăn là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, sòng phẳng và rạch ròi giữa việc tạo điều kiện với xử lý vi phạm. Nếu vi phạm không bị xử lý nghiêm, không những tạo ra sự khinh nhờn luật pháp mà còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đối với vi phạm về môi trường, đặc biệt trường hợp các doanh nghiệp bắt tay nhau cùng hủy hoại môi trường càng phải xử lý thật nghiêm và công khai trước cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân.

H.Nguyên

  • Từ khóa
108895

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu