Thứ 3, 23/04/2024 15:44:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:13, 14/01/2017 GMT+7

Liên kết sản xuất chăn nuôi - Xu hướng tất yếu thời hội nhập

Thứ 7, 14/01/2017 | 13:13:00 132 lượt xem
BP - Trong xu hướng hội nhập hiện nay, phần lớn các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm là phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả và an toàn. Đây cũng là xu thế tất yếu trong chương trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi nhưng tồn tại không ít khó khăn, bất cập rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành.

Hiện toàn tỉnh có 276 trang trại chăn nuôi công nghiệp, trong đó có 200 trại heo với tổng đàn 321.667 con và 61 trang trại gia cầm với 3.497.500 con. Riêng năm 2016 có thêm 78 dự án chăn nuôi đăng ký với quy mô 122 ngàn con heo nái; 389 ngàn con heo thịt, hậu bị; 560 ngàn con gà và có 77/78 dự án (98,24%) đầu tư chăn nuôi theo công nghệ cao, chuồng lạnh.

SẢN XUẤT THEO CHUỖI

Địa bàn tỉnh hiện có 3 hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi, trong đó mô hình đầu tư chăn nuôi khép kín được lựa chọn nhiều nhất. Các công ty thuê trại chăn nuôi hoặc hợp đồng nuôi gia công, đồng thời cung cấp thức ăn, con giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm; còn người chăn nuôi đầu tư chuồng trại và chăn nuôi theo đơn giá gia công nên thu nhập khá ổn định. Hiện có 215 trại chăn nuôi thuộc hệ thống của các công ty: CP, Japfa, Emivert, CJ, Choice Gentis và Việt Phước. Mô hình này khá phù hợp trong điều kiện kiến thức, kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế và không có đầu ra sản phẩm, góp phần phát triển chăn nuôi, giải quyết việc làm và thu nhập cho người nuôi. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư, thu hồi vốn không ổn định do người chăn nuôi bị động giữa quyền lợi và trách nhiệm khi ký kết hợp đồng gia công.

Chăn nuôi sạch là xu thế đang được nhà nông lựa chọn

Kế đến là mô hình liên kết giữa các công ty sản xuất con giống - thức ăn - trại chăn nuôi - thu mua tiêu thụ sản phẩm. Hình thức này mang tính bền vững cao do có sự chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn giữa các khâu. Điển hình là Tập đoàn Hùng Nhơn (Đồng Phú) đã liên kết với các công ty trong và ngoài nước hình thành chuỗi liên kết hợp tác hiệu quả. Hay trang trại của bà Nguyễn Thị Nhiều ở Hớn Quản đạt tiêu chuẩn VietGAHP liên kết với Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chăn nuôi đến giết mổ sạch và tiêu thụ thịt có chứng nhận GAHP đến tay người tiêu dùng.

Cuối cùng là liên kết giữa các nông hộ theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác và câu lạc bộ nhằm tăng nguồn lực đầu tư, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật làm giảm giá thành sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 16 câu lạc bộ, tổ hợp tác chăn nuôi. Nổi bật là Câu lạc bộ chăn nuôi heo xã Thanh Lương (Bình Long), Câu lạc bộ nuôi gà thả vườn xã Thanh An (Hớn Quản) và Tổ hợp tác chăn nuôi heo Long Giang (Phước Long). Liên kết này chủ yếu dừng lại ở đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y), chưa có sự kết nối trong tiêu thụ sản phẩm. Một số cơ sở giết mổ đã thu mua sản phẩm từ các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi an toàn, hình thành chuỗi chăn nuôi - giết mổ, nhưng còn mang tính tự phát thiếu bền vững bởi các đối tác tham gia không thực hiện đúng cam kết vì lợi ích trước mắt.

HƯỚNG ĐI NÀO TRONG TƯƠNG LAI?

Tại hội nghị liên kết chuỗi sản phẩm chăn nuôi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua, ông Trần Văn Phương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Các mô hình chăn nuôi, tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm an toàn trong tỉnh bước đầu đạt kết quả tốt. Từ đó tạo kênh tiêu thụ ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi an toàn, loại bỏ việc sử dụng chất cấm, gian lận thương mại trong chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ và cung cấp thực phẩm an toàn cho xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) chưa đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ; việc triển khai các chính sách hỗ trợ, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng và hình thành chuỗi liên kết bền vững chưa thường xuyên... Một số doanh nghiệp chưa sẵn sàng chia sẻ lợi ích hay rủi ro với người chăn nuôi hoặc chủ động bao tiêu sản phẩm đầu ra mà chỉ dừng ở việc cung cấp thức ăn, con giống, vật tư. Ngược lại, người chăn nuôi vì cái lợi trước mắt nên không thực hiện đúng cam kết chăn nuôi an toàn.

Cán bộ cán bộ thú y xã Đồng Tiến (Đồng Phú) đóng dấu kiểm dịch cho gà tại một cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn  Cán bộ cán bộ thú y xã Đồng Tiến (Đồng Phú) đóng dấu kiểm dịch cho gà tại một cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn

Bình Phước chưa có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc cung ứng chủ yếu qua hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ nên khó kiểm soát chất lượng và giá thành cao. Liên kết giữa đại lý, cửa hàng trong cung ứng vật tư đầu vào cho người chăn nuôi chưa ổn định, bền vững. Các cơ sở giết mổ có quy mô nhỏ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu giết mổ, tiêu thụ nội tỉnh, gây khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.

Chia sẻ về những khó khăn này, bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc VISSAN cho rằng: Muốn chăn nuôi bền vững, tỉnh cần tái cấu trúc xuyên suốt từ khâu con giống, thức ăn đến quy trình chăn nuôi và công nghệ chế biến để nâng cao năng suất và giá thành hợp lý. Tất cả không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của người chăn nuôi hay doanh nghiệp mà cả sự xúc tác, quản lý và liên kết của 4 nhà. Nếu sản xuất có chỉ danh địa lý và ngành chăn nuôi được tái cấu trúc một cách bền vững, phát triển truy xuất nguồn gốc thì gia nhập bất cứ thị trường nào chúng ta cũng xuất khẩu được sản phẩm của mình.

Là chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất - kinh doanh sản phẩm gia cầm, thủy cầm và thực phẩm chế biến có uy tín trong nước với 3 nhà máy giết mổ, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH San Hà (TP. Hồ Chí Minh) nói: Trong chuỗi liên kết 4 nhà, nhà nước phải đi đầu. Ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm mở rộng và phát triển chăn nuôi tại địa phương, ngành chức năng của tỉnh còn phải hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, ứng dụng giải pháp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn, chất lượng và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Người chăn nuôi ở Thanh Lương (Bình Long) hiện phần lớn đều tập trung phát triển hướng sạch nên sản phẩm heo, gà của xã đã xuất đi các nơi, như Đồng Xoài, Bình Dương, Tây Ninh, Đắk Nông và TP. Hồ Chí Minh nhưng số lượng chưa nhiều. Ông Dương Hữu Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng: Muốn phát triển chăn nuôi bền vững, các cấp, ngành cần tạo điều kiện cho hội xây dựng cơ sở sơ chế, đóng gói thực phẩm và mở cửa hàng bán thực phẩm sạch tại chợ Thanh Lương, chợ thị xã Bình Long cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để có cơ sở xuất khẩu hàng hóa.

Ông Phạm Văn Hoang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bên cạnh việc khắc phục những hạn chế, thời gian tới, sở tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa công nghiệp. Ưu tiên chăn nuôi theo chuỗi đồng bộ từ thức ăn, con giống, sản xuất - giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm an toàn, chất lượng... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức về vai trò của sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn và khuyến khích phát triển chuỗi sản phẩm chăn nuôi khép kín của các tập đoàn, công ty chăn nuôi.

Lâm Phương

  • Từ khóa
41009

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu