Thứ 7, 20/04/2024 00:33:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:38, 09/10/2019 GMT+7

Xóa “đói” giáo dục gia đình

Thứ 4, 09/10/2019 | 08:38:00 190 lượt xem

BP - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực trạng đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên - vấn đề và giải pháp”. Tại hội thảo, các nhà khoa học, quản lý đã có nhiều ý kiến, tham luận sâu sắc trên các khía cạnh về vấn đề đạo đức, lối sống. Khi đề cập về vai trò của giáo dục trong gia đình, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, chúng ta đang chỉ quan tâm bao nhiêu hộ nghèo, đói mà chưa quan tâm nền tảng giáo dục gia đình, phải có khoảng 70-80% gia đình “đói” về giáo dục. Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng vấn đề giáo dục trong gia đình đang bị lãng quên?

Gia đình là nền tảng quan trọng đầu tiên để giáo dục con người. Trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay càng có vai trò quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Tuy vậy, trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và các mối quan hệ. Những giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và đang bị tác động với nhiều sự thay đổi. Mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con dường như bị suy giảm. Những gia đình khó khăn về kinh tế thì cha mẹ phải bươn chải, không còn thời gian giáo dục con. Nhà khá giả thì dùng đồng tiền làm thay cho việc giáo dục. Vì vậy, nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách của một số trẻ em đang bị lung lay bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân vì thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ. Nếu cấu trúc gia đình lỏng lẻo, liên kết giữa các thành viên gia đình yếu, hay không được đối xử bình đẳng, cha mẹ thiếu gương mẫu...; vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột, bạo lực... thì gia đình đó không thể làm tốt chức năng giáo dục con. Đó chính là những biểu hiện của việc “đói” giáo dục trong gia đình.

Truyền thống của người Việt từ ngàn xưa luôn coi gia đình là mối quan tâm hàng đầu, vì gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi mỗi thành viên được yêu thương, chia sẻ. Xây dựng hạnh phúc gia đình cũng chính là xây dựng tổ ấm gia đình, vun đắp và lan tỏa tình yêu thương cho tất cả mọi người. Gia đình mang tính liên kết chặt chẽ, gắn bó, quan hệ máu thịt giữa các thành viên trong một nhà. Không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách đầy đủ, vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Bởi vì gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất in dấu lên nhân cách mỗi con người.

Giáo dục gia đình ở đây được hiểu là toàn bộ tác động của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Giáo dục gia đình đóng vai trò thiết yếu đối với cuộc sống của một cá nhân; nó ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của những công dân tương lai. Nhờ có giáo dục gia đình mà con người sinh học trở thành con người xã hội. Đó là môi trường đầu tiên của quá trình xã hội hóa cá nhân, hình thành nên nhân cách cho một con người. Giải quyết tốt các vấn đề của gia đình chính là giải quyết các vấn đề xã hội, tạo cơ sở, điều kiện để mỗi gia đình là một tế bào bền vững. Việc quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng cuộc sống hạnh phúc chính là để xóa đi tình trạng “đói” giáo dục trong gia đình.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu